Bầu cử Pakistan và yếu tố Trung Quốc

Kể từ năm 2011, Trung Quốc đã gia tăng sự hiện diện ở Pakistan. Và theo giới phân tích, Bắc Kinh cũng sẽ có tác động lớn đến cuộc tổng tuyển cử sắp tới tại Pakistan.

Là một cường quốc mới nổi trong khu vực, Trung Quốc đang theo dõi chặt chẽ những diễn biến đang xảy ra ở Nam Á. Mối quan tâm lớn nhất của họ là thân thiện với chính phủ các nước này. Bắc Kinh đang nỗ lực để thu hút các nước Nam Á lớn nhỏ, bằng mọi cách.

Biểu ngữ có hình các ứng viên trong cuộc tổng tuyển cử được treo trên các đường phố tại Pakistan. Ảnh: Diplomat

CPEC - chìa khóa của cuộc bầu cử

Một trong những láng giềng thân thiện nhất của Trung Quốc là Pakistan. Khi thủ lĩnh al-Qaeda Osama bin Laden bị Mỹ tiêu diệt vào ngày 2-5-2011 tại thành phố Abbotabad của Pakistan, Islamabad đã "đặt tất cả trứng vào giỏ" của Trung Quốc. Theo đó, Pakistan ưu tiên cao nhất cho tình hữu nghị với Trung Quốc. Đối với Islamabad, chưa rõ liệu Bắc Kinh có thể thay thế Washington hay không, nhưng có một điều chắc chắn là kể từ năm 2011, Trung Quốc đã gia tăng sự hiện diện ở quốc gia này, dễ thấy nhất là Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC), dự án trị giá hàng tỷ USD được công bố năm 2014.

Kể từ khi công bố, CPEC là chủ đề thảo luận của các chính trị gia, doanh nhân, nhà báo và những người bình thường thuộc mọi tầng lớp xã hội. "Đa số người Pakistan xem dự án CPEC trị giá hàng tỷ USD là chìa khóa cho sự thịnh vượng kinh tế của Pakistan", nhà báo Shezad Baloch nhận định. "Tất cả các đảng chính trị lớn đều khởi xướng hoặc hứa hẹn mang lại sự thịnh vượng và phát triển thông qua CPEC đồng thời bảo vệ lợi ích quốc gia", ông cho biết thêm.

Lãnh đạo Liên đoàn Hồi giáo Pakistan-Nawaz (PML-N), trong đó có cựu Thủ tướng Nawaz Sharif, đều đề cập đến CPEC tại các hội thảo và truyền thông. Và họ cũng đang làm nổi bật vai trò của CPEC trong các chiến dịch tranh cử cho cuộc tổng tuyển cử sắp tới tại Pakistan, dự kiến diễn ra vào ngày 25-7. "Việc ra mắt CPEC được cho là một trong những chính sách nổi tiếng nhất ở Pakistan trong vài năm qua. PML-N chắc chắn sẽ làm nổi bật nó trong chiến dịch và chỉ ra nó là một trong những thành công trong nhiệm kỳ của họ", Michael Kugelman, Phó Giám đốc của Chương trình Châu Á và là cộng sự cao cấp về Nam Á tại Trung tâm học giả quốc tế Woodrow Wilson nhận định.

Trong khi đó, lãnh đạo Pakistan Tehreek-e-Insaaf (PTI) Imran Khan, đối thủ của ông Sharif, hạ thấp vai trò của PML-N đối với CPEC ở Pakistan. Trong một số trường hợp, ông Khan và đảng của mình thậm chí còn tuyên bố rằng họ mới là những người thực hiện CPEC. Tuy nhiên, ông Kugelman cho rằng: "Rất ít khả năng PTI sẽ làm điều đó, vì PTI không có vai trò trong việc khởi động hoặc giám sát CPEC trong khi CPEC là một chính sách nổi tiếng, đặc biệt là đối với các cử tri ở Punjab, một chiến trường bầu cử quan trọng".

CPEC là yếu tố quan trọng trong các chiến dịch bầu cử địa phương. Gwadar ở Balochistan là tâm chấn của CPEC, do đó không ngạc nhiên khi đó là chủ đề thảo luận của nhiều ứng cử viên trong khu vực. Awami Balochistan (BAP), một đảng chính trị mới được thành lập gần đây tại Quetta, thủ phủ của tỉnh Balochistan, dự kiến sẽ có thuận lợi lớn trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới ở Balochistan, nơi tập trung các khoản đầu tư trong tương lai của Trung Quốc. Các nhà phân tích chỉ ra, nếu BAP lên nắm quyền tại Balochistan và hình thành chính phủ, điều này có nghĩa là mở đường cho các khoản đầu tư của Trung Quốc.

Theo nhà báo Shezad Baloch, CPEC là chìa khóa cho tất cả các đảng phái chính trị. Tuy nhiên, ông cho rằng, những người dân bình thường đường phố vẫn chưa nhận thức đầy đủ về dự án, và đây là điểm mà các đảng phái chính trị dễ dàng khai thác nó.

Mối lo rơi vào hoàn cảnh như Sri Lanka

Những người dân Pakistan bình thường nghĩ rằng, CPEC sẽ thay đổi số phận không chỉ của đất nước mà còn toàn bộ khu vực Nam Á. Ngược lại, những người có học thức đang lo lắng về các dự án, đặc biệt là các khoản vay từ Trung Quốc. Họ lo sợ, Gwadar có thể vấp phải số phận tương tự như cảng Hambantota ở Sri Lanka. Cảng này gần đây đã bị nhượng lại cho Trung Quốc do Colombo không có khả năng hoàn trả các khoản vay xây dựng cảng cho Bắc Kinh.

Giống như Pakistan, Sri Lanka đã phụ thuộc vào các khoản vay của Trung Quốc. Cựu Tổng thống Sri Lanka Mahinda Rajapaksa đã đi đầu trong việc cho phép Trung Quốc đóng một vai trò lớn hơn trong đất nước của ông. Kết quả là, Bắc Kinh gia tăng ảnh hưởng quá lớn ở Sri Lanka. Nhà báo Pakistan Khurram Hussain cho rằng, "hiện giờ Pakistan đang tiếp cận thời điểm mà Sri Lanka đã từng trải qua vào năm 2015". Không có gì nghi ngờ khi Bắc Kinh muốn đảng lên nắm quyền ở Pakistan chào đón các khoản đầu tư của Trung Quốc trong tương lai.

AN BÌNH (Theo Diplomat)

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_192353_bau-cu-pakistan-va-yeu-to-trung-quoc.aspx