Bất động sản công nghiệp tăng trưởng tích cực

Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VnREA) cho biết, phân khúc bất động sản công nghiệp đang thu hút dòng vốn đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia vào Việt Nam. Để tiếp tục duy trì đà tăng trưởng này, các yếu tố cơ sở hạ tầng, chất lượng lao động, chính sách cần được quan tâm nhiều hơn.

Tỷ lệ lấp đầy 85 - 90%, giá thuê cơ bản ổn định

Báo cáo “Đánh giá tiến trình phục hồi thị trường bất động sản quý III.2023 và dự báo thị trường quý IV.2023” của VnREA cho thấy, thanh khoản quý III đã cải thiện so với cuối năm 2022 và những tháng đầu năm. Thị trường bắt đầu ghi nhận nhiều "điểm sáng" tại các địa phương như Hà Nội, Hải Phòng, Lào Cai, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh…

Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cũng cho biết, trong 9 tháng năm nay, công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn đầu thu hút FDI với số vốn hơn 14 tỷ USD, chiếm gần 69,3% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2022. Diễn biến này cùng với xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư bất động sản công nghiệp của các tập đoàn đa quốc gia vào Việt Nam khiến nhu cầu về bất động sản khu công nghiệp tăng trưởng tích cực.

Trong quý III, phân khúc này được bổ sung nguồn cung từ một số dự án khởi công mới như: VSIP II quy mô 500 ha tại Nghệ An; VSIP Cần Thơ quy mô 900ha; VSIP Bắc Ninh II quy mô 282ha, Khu công nghiệp Gia Bình II quy mô 250ha tại Bắc Ninh; Khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành quy mô 410ha tại Đồng Nai… Tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp tại các thị trường trọng điểm phía Bắc và phía Nam đều duy trì ở mức 85 - 90% đối với cả đất công nghiệp, nhà xưởng và nhà kho xây sẵn. Tỷ lệ giao dịch đất công nghiệp tăng khoảng 5,9% so với quý trước, tính chung 9 tháng cao hơn 20% so với cả năm 2022.

Giá cho thuê bình quân tại các khu công nghiệp trong quý III cơ bản ổn định so với quý II. Giá thuê đất công nghiệp trung bình tại các thị trường cấp 1 ở miền Nam đạt 189 USD/m2/kỳ hạn còn lại, tăng nhẹ 1% so với quý trước và cao hơn 13% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chuyên gia Kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh nhận định, dù thị trường bất động sản thời gian qua gặp nhiều khó khăn nhưng phân khúc bất động sản công nghiệp vẫn tăng trưởng bền vững. Nguyên nhân là do nền kinh tế Việt Nam có sự tăng trưởng ổn định, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm đầu tư, nhất là công nghiệp. Ngoài ra, chính trị - xã hội của nước ta ổn định bền vững và được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao. Luật pháp của Việt Nam cũng thông thoáng, việc cải thiện môi trường đầu tư, chính sách đối với đầu tư nước ngoài của Việt Nam ngày càng phù hợp với thông lệ quốc tế đáp ứng đòi hỏi đầu tư lâu dài. Điều quan trọng là giá thành cũng cạnh tranh so với các nước.

Bất động sản công nghiệp đang thu hút dòng vốn đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia vào Việt Nam. Nguồn: ITN

Tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng

Theo dự báo của các chuyên gia, trong quý IV phân khúc này tiếp tục được các nhà đầu tư quan tâm, góp phần đem lại “sức nóng” cho thị trường bất động sản cuối năm nay và năm 2024. Tuy nhiên vậy, theo TS. Lê Bá Chí Nhân, chuyên gia kinh tế, phân khúc này còn gặp phải 3 vấn đề cơ bản. Đầu tiên là về cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống giao thông chưa có kết nối vành đai 3, vành đai 4, thậm chí kết nối của các vùng, nhất là miền Nam, vẫn chưa giải quyết được. Hiện cũng đã có nhiều chủ trương đẩy nhanh khâu này và kỳ vọng đến năm 2026 có lẽ tất cả các cơ sở hạ tầng vành đai 3, vành đai 4, sân bay Long Thành, liên kết cảng biển sẽ đạt được, góp phần thúc đẩy phân khúc bất động sản công nghiệp.

Bên cạnh đó, chi phí nhân công nước ta so với các nước có thể rẻ hơn nhưng tay nghề vẫn còn nhiều hạn chế. Các trường đại học, cao đẳng đang chuyển hướng đào tạo nghề chuyên nghiệp và cao cấp, vấn đề đặt ra là phải định hướng, có kế hoạch bài bản nhất là trong phát triển công nghiệp.

Ngoài ra, từ cuối năm 2022 có những quy định mới về chữa cháy, việc siết chặt là đúng nhưng để phù hợp thì cần xem xét, không quá đột ngột đưa ra nhiều tiêu chí. Phải đưa ra tiêu chí rõ ràng, như khi đầu tư FDI vào khu công nghiệp thì phải có những tiêu chí nào để doanh nghiệp nắm, từ đó có kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng, ông Nhân nói.

Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) Nguyễn Văn Đính nhấn mạnh, yếu tố quan trọng hàng đầu đó là tăng cường đầu tư hạ tầng, sau đó thị trường mới bùng nổ theo sau. Bên cạnh đó, thông tin quy hoạch khu công nghiệp phải được đồng bộ công khai trong tổng thể bản đồ quy hoạch chung của vùng, địa phương. Về chính sách, cần phải đơn giản hóa thủ tục cấp phép, giải quyết các vướng mắc thủ tục đất đai như bồi thường, giải phóng mặt bằng. Các địa phương cũng cần tăng cường chính sách ưu đãi và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; ưu tiên các khu công nghiệp phù hợp định hướng, đạt chỉ tiêu về môi trường xanh, bền vững có khả năng cung ứng những dịch vụ có chất lượng quốc tế với mức giá cạnh tranh để đón các nhà đầu tư.

“Việc phát triển bất động sản công nghiệp cần mang tính dài hạn, quan tâm đến quy hoạch phát triển vùng miền, các địa phương, đến môi trường đầu tư. Tiếp tục tập trung đào tạo nguồn lao động, đẩy mạnh cơ sở hạ tầng (như dịch vụ sản xuất, kho bãi, phương tiện) để tạo ra sự thay đổi tích cực trong quá trình phát triển các khu công nghiệp”, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh nêu những vấn đề cần lưu ý.

Lam Ngọc

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/bat-dong-san-cong-nghiep-tang-truong-tich-cuc-i348127/