Bắt đầu Tuần lễ Hội nghị cấp cao APEC

Hôm qua (12/11), tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia đã diễn ra phiên họp không chính thức Hội nghị các quan chức cấp cao APEC - kỳ tổng kết (CSOM). Đây là hoạt động mở đầu cho hàng loạt sự kiện quan trọng sẽ diễn ra trong Tuần lễ cấp cao APEC từ ngày 12 đến hết 19/11.

Đại tướng Lê Hồng Anh, Bộ trưởng Bộ Công an, ra lệnh xuất quân bảo vệ Tuần lễ Hội nghị cấp cao APEC.

Tại phiên họp, các quan chức cao cấp đến từ 21 nền kinh tế thành viên APEC bắt đầu thảo luận về những vấn đề cơ bản của năm 2006. Đây là những vấn đề cốt lõi nhằm tháo gỡ những hạn chế trong các thỏa thuận của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các nguyên tắc đảm bảo an ninh dây chuyền cung cấp nhãn hiệu hàng hóa chống lại sự vi phạm và giả mạo hàng hóa.

Những vấn đề này sẽ được các Bộ trưởng và các nhà lãnh đạo các nền kinh tế thảo luận sâu hơn trong suốt tuần lễ này. Những nội dung mà các quan chức cao cấp thảo luận cũng nhằm cung cấp thêm thông tin cho các Bộ trưởng và các nhà lãnh đạo các nền kinh tế thành viên xem xét, thông qua Kế hoạch hành động Hà Nội.

Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Lê Công Phụng, Chủ tịch Hội nghị CSOM APEC 2006, các nội dung thỏa thuận của WTO sẽ tiếp tục là vấn đề lớn được thảo luận trong các cuộc gặp APEC cũng như giữa các nền kinh tế thành viên nhằm tìm ra những bước đi tốt hơn trong giai đoạn tiếp theo.

Trong buổi lễ xuất quân bảo vệ "Tuần lễ cấp cao APEC 2006", Đại tướng Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy CATW, Bộ trưởng Bộ Công an đã ra mệnh lệnh: Tất cả các lực lượng tham gia bảo vệ "Tuần lễ cấp cao APEC 2006" quán triệt Chỉ thị của Đảng, Nhà nước, Mệnh lệnh của các Bộ, ban, ngành, Thủ đô Hà Nội và các địa phương triển khai đúng kế hoạch đã được phân công, bảo vệ an toàn tuyệt đối Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 14.

Thứ trưởng Lê Công Phụng cũng cho biết APEC có thể sẽ dẫn đường cho các thành viên của WTO khôi phục lại các cuộc đàm phán và tiến tới kết thúc Chương trình phát triển

Doha vào năm tới. Các biện pháp khung sẽ tăng cường tính công khai, minh bạch của các thỏa thuận của Hiệp định Thương mại tự do và thỏa thuận thương mại khu vực (RTAs/FTAs). Đây sẽ là lợi ích đặc biệt đối với các nền kinh tế thành viên trong quá trình đàm phán.

Vấn đề cải tiến thương mại đa phương và các thỏa thuận RTAs/FTAs chất lượng cao là những thành tố quan trọng trong Hội nghị Bộ trưởng và các nhà lãnh đạo kinh tế APEC. Bản Kế hoạch sẽ có những nội dung chính bao gồm: hỗ trợ cho hệ thống thương mại đa phương, củng cố Kế hoạch hành động tập thể và Kế hoạch hành động riêng lẻ (CAPs/IAPs), thỏa thuận RTAs/FTAs chất lượng cao, tăng cường các hoạt động kinh doanh trong khu vực và xây dựng năng lực thương mại cho các thành viên.

Kết thúc phiên họp cuối buổi chiều 12/11, các đại biểu đã đạt được sự nhất trí về một số nội dung, trong đó có kết quả trong lĩnh vực hợp tác chống khủng bố của APEC cho năm 2006, bao gồm sáng kiến bảo vệ thực phẩm của Mỹ và những kết quả của một hội thảo về vấn đề này vừa được tổ chức ở Bangkok, Thái Lan hồi đầu tháng 11/2006, sáng kiến tổ chức hội thảo về ngăn chặn tài trợ khủng bố do Australia đề xuất và sáng kiến của Philippines về sổ tay tổng kết công tác chống khủng bố.

Hội nghị cũng nhất trí đưa các đầu mối liên lạc về khôi phục kinh doanh và an ninh hàng không vào danh bạ các đầu mối liên lạc (khẩn cấp) về quản lý đại dịch và thảm họa. Cuối cùng, các đại biểu nhất trí bầu Đại sứ Park Sang-ki của Hàn Quốc làm Chủ tịch mới của Nhóm đặc trách chống khủng bố của APEC (CTTF).

Hôm nay (13/11), các quan chức cấp cao APEC sẽ có phiên họp toàn thể, tổng kết lại những nội dung đã đề xuất và bàn thảo tại các kỳ họp SOM trước đây, hoàn tất các văn bản để trình lên Hội nghị cấp cao các nhà lãnh đạo nền kinh tế thành viên APEC, sẽ diễn ra vào ngày 18 đến ngày 19/11.

Phiên họp không chính thức Hội nghị quan chức cấp cao (CSOM) trong khuôn khổ Hội nghị APEC.

Ngay trong ngày khai mạc Hội nghị cấp cao APEC 14, các hoạt động phục vụ tuyên truyền, lễ tân, hậu cần, an ninh… diễn ra suôn sẻ và chu đáo. Đến chiều 12/11, hơn một nửa hãng thông tấn đăng ký đưa tin Hội nghị đã có mặt, lắp đặt thiết bị và thao tác nghiệp vụ, truyền tải thông tin. Một số hãng thông tấn lớn như Reuters, AP cử sang hơn 30 phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên, sử dụng phòng diện tích lớn trong Trung tâm Báo chí để lắp đặt các thiết bị kỹ thuật thu, phát, truyền dữ liệu.

"Reuters xác định đây là sự kiện lớn, hãng cử sang những phóng viên có kinh nghiệm, thao tác nhạy bén, đáp ứng yêu cầu thông tin chính xác, kịp thời nhất về diễn biến Hội nghị và các hoạt động bên lề" - anh Hồ Bình Minh, công dân Việt làm việc cho Hãng Reuters cho biết.

Còn Hãng AP cũng cử hơn 20 người thao tác truyền thông ngay trong ngày 11, 12/11. "Tối 11/11, chúng tôi đã có cuộc dạo phố cổ Hà Nội và mua một số đồ lưu niệm như áo thêu, mũ len, túi thổ cẩm… Đây là những hàng rất đặc trưng của Việt Nam" - một phóng viên AP nói.

Có gần 50 hãng thông tấn báo chí đưa tin, tuyên truyền về sự kiện này, trong đó Nhật Bản đã cử sang các hãng truyền thông lớn: Japan Pool, NTV Japan, Fuji… Các hãng khác như BBC, IMS, Mexican Telecom, ATV, RTV, Canadian TV… cũng đã đặt phòng tại Trung tâm Báo chí.

5 sự kiện lớn trong
Tuần lễ cấp cao APEC

- Hội nghị các nhà Lãnh đạo Kinh tế APEC lần thứ 14 (từ ngày 18 tới ngày 19/11)
- Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế lần thứ 18 (từ ngày 15 tới ngày 16/11)
- Hội nghị các quan chức cao cấp phiên tổng kết (CSOM, từ ngày 12 tới ngày 13/11)
- Hội nghị Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (ABAC từ ngày 14 tới ngày 16/11)
- Hội nghị Thượng đỉnh các Tổng Giám đốc Doanh nghiệp (CEO Summit từ ngày 17 tới ngày 19/11).

Các hoạt động đảm bảo an ninh trong và ngoài Trung tâm Hội nghị hiện do các lực lượng Cảnh vệ, Công an Hà Nội, các lực lượng CSĐN, CSCĐ, PCCC cùng những lực lượng liên quan khác đảm trách. Theo đánh giá của giới báo chí nước ngoài, nhìn chung họ cảm nhận sự an toàn tuyệt đối khi hoạt động nghiệp vụ tại Hà Nội.

Bên lề phiên họp không chính thức Hội nghị quan chức cao cấp (CSOM), ông Ngô Quang Xuân, Đại sứ Việt Nam tại WTO, Chủ tịch Hội đồng APEC tại WTO cho phóng viên Báo CAND biết, các bên đã đưa ra nhiều sáng kiến quan trọng và đảm bảo sự đồng thuận cao.

Các đại biểu dự phiên họp không chính thức đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong việc tổ chức các sự kiện trong năm APEC 2006 và đặc biệt "thực sự hài lòng về cung cách tổ chức, tiếp đón cũng như các nội dung liên quan Hội nghị mà Việt Nam chuẩn bị trong phiên không chính thức hôm nay (12/11) cũng như các phiên họp tiếp theo trong Tuần lễ cấp cao APEC". Ông Xuân cho biết, sau kết quả đạt được của Việt Nam tại Geneva ngày 7/11 vừa qua, các nền kinh tế APEC coi đây là mốc quan trọng tiến tới tăng cường, đầu tư vào Việt Nam

Chúng tôi đến Hà Nội từ chiều 10/11 và có mặt tại Trung tâm Hội nghị các bạn (Trung tâm Hội nghị quốc gia - PV) với những ấn tượng đặc biệt. Chiều nay, ngay ở cửa ra vào tiền sảnh Trung tâm Hội nghị, một thiếu nữ Việt Nam tôi không rõ tên tận tình hướng dẫn tôi bằng tiếng Anh và đưa bản hướng dẫn về trụ sở Hội nghị. Lên tiền sảnh trên tầng 3 lại được hai thiếu nữ trao tặng những ấn phẩm mà tôi đang rất quan tâm, trong đó có đĩa VCD "Việt Nam - APEC 2006", "Việt Nam - Lễ hội du lịch", "Những cảm xúc Hà Nội" - bà Rafmi Binti Othman, phóng viên Đài Truyền thanh Malaysia hài lòng kể những "cảm xúc ban đầu" đến Hà Nội.

Bà Rafmi Binti Othman cho biết, các phóng viên, biên tập viên báo chí Malaysia thực sự ấn tượng về cung cách đón tiếp trọng thị, lịch thiệp của Việt Nam ngay tại nơi diễn ra Hội nghị cấp cao APEC 14. Còn một phóng viên Hãng NTV Japan thì tự tin: Hoạt động tại Trung tâm Hội nghị cho thấy một Việt Nam cởi mở, mến khách.

Nhóm PV (tổng hợp)

Nguồn CAND: http://www.cand.com.vn/vi-VN/thoisu/2008/5/90753.cand