Bắt các bác sĩ chịu trách nhiệm cả về máy móc, thiết bị là điều bất khả thi

Liên quan đến sự cố tai biến y khoa tại BVĐK Hòa Bình khiến 8 người tử vong tháng 5-2017, VKSND tỉnh Hòa Bình đã truy tố bác sỹ Hoàng Công Lương với tội danh 'thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng'. Nhiều bác sỹ đã tỏ ra không đồng tình…

Truy tố bác sĩ Hoàng Công Lương có thể gây hệ lụy nguy hiểm

TS Trương Hồng Sơn, Tổng Thư ký, Tổng hội Y học Việt Nam bày tỏ: Việc truy tố BS Lương với tội danh này e rằng sẽ tạo ra một hệ lụy rất nguy hiểm, vì các bác sĩ có thể từ chối cấp cứu, từ chối triển khai dịch vụ khám, điều trị khi chưa có đủ các thủ tục hành chính cho tất cả các trang thiết bị mà họ sử dụng-mà đúng ra là vai trò quản lý và giám sát là của lãnh đạo BV và phòng vật tư. Điều này sẽ gây chậm trễ việc cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân, gây nguy hại cho người bệnh.

“Do đó, việc xử lý nghiêm minh đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; đồng thời xem xét cẩn trọng các yếu tố khách quan, sẽ là yếu tố quyết định cho thái độ của bác sỹ, nhân viên y tế trong cả nước đối với việc tận tâm hay dè dặt để tự bảo vệ mình. Chúng tôi khẩn thiết yêu cầu các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan hành pháp xem xét lại việc này”, TS Trương Hồng Sơn nhấn mạnh.

Theo phân tích của TS Trương Hồng Sơn, sự cố y khoa tại Hòa Bình là hết sức nghiêm trọng, gây ra những mất mát, đau xót với các gia đình bệnh nhân. Vì vậy việc CA tỉnh Hòa Bình khởi tố vụ án là cần thiết để làm rõ các trách nhiệm của các cá nhân có liên quan.

Tuy nhiên, điều trị bệnh nhân là một chu trình với nhiều đơn vị và cá nhân tham gia. Vai trò của các bác sĩ là chịu trách nhiệm về chuyên môn chỉ ở trong quá trình điều trị. Trong trường hợp này, kết luận giám định là tử vong của các bệnh nhân đến từ tồn dư hóa chất trong nước RO chứ không phải do sai sót chuyên môn của bác sĩ trong quá trình điều trị, do đó những người có liên quan đến việc để xảy ra tồn dư hóa chất sẽ phải chịu trách nhiệm. Đồng thời, Ban giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình và lãnh đạo Phòng vật tư cũng phải chịu trách nhiệm trong việc thiếu trách nhiệm trong việc trong tổ chức quy trình kiểm soát chất lượng sau bảo dưỡng (không có trong hợp đồng, không tổ chức kiểm tra, giám sát...).

“BS Hoàng Công Lương không phải là người có vai trò trách nhiệm trong việc kiểm soát chất lượng nước sau khi bảo dưỡng, vì vậy không thể quy trách nhiệm thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Việc bắt các bác sĩ phải chịu trách nhiệm cả về máy móc, thiết bị, vật tư là điều bất khả thi vì họ không thể có cách nào mà kiểm tra hay thẩm định được”, TS Trương Hồng Sơn cho biết.

TS Trương Hồng Sơn (thứ nhất bên phải) cùng đại diện Tổng hội Y học đến thăm, động viên gia đình bác sỹ Hoàng Công Lương khi xảy ra sự việc năm 2017. ảnh: t.an

Nhân viên y tế thấy “đau lòng và cô đơn”

Cùng quan điểm này, bác sỹ Trần Văn Phúc, khoa Chẩn đoán hình ảnh, BVĐK Xanh Pôn bày tỏ: Sau khi xem xét kỹ tình tiết vụ án được các báo đăng tải, cá nhân tôi cho rằng, quyết định khởi tố BS Lương với tội danh Thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng là không thỏa đáng.

Theo bác sỹ Phúc, người chịu trách nhiệm để xảy ra sự việc tồn dư hóa chất trong nước lọc làm cho 8 bệnh nhân tử vong, đó phải là người trực tiếp sửa chữa và là cán bộ kĩ thuật có nhiệm vụ kiểm tra giám sát. “Quy chế Khám bệnh chữa bệnh của Bộ Y tế quy định bác sỹ Lương chỉ phải chịu trách nhiệm với y lệnh của mình, chứ không phải chịu trách nhiệm với chất lượng thiết bị, vật tư y tế, sinh dược phẩm được BV tiếp nhận với các giao dịch hợp pháp”.

Cái sai của bác sỹ Lương là không chờ biên bản bàn giao thiết bị! Nhưng… cả bên sửa chữa cũng như bên giám sát đều thông báo đã hoàn thành công việc. Nên với một người bác sĩ chủ yếu tập trung vào chuyên môn, thì cái biên bản kia chỉ còn là tờ giấy để hoàn tất thủ tục hành chính.

Giả sử bác sỹ Lương có trong tay biên bản bàn giao thiết bị, nếu quá trình chạy thận vẫn diễn ra sau đó, chắc chắn bệnh nhân cũng sẽ tử vong. Điều này rất có ý nghĩa trong việc xác định yếu tố khách quan cấu thành tội phạm. Rõ ràng việc bác sỹ Lương ra y lệnh chạy thận khi chưa có biên bản, thì đó không phải là nguyên nhân dẫn đến hậu quả làm 8 bệnh nhân phải tử vong.

Việc bác sỹ Hoàng Công Lương bị truy tố tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo khoản 3, Điều 360, Bộ Luật Hình sự 2015 áp dụng khung hình phạt tù từ 7 năm đến 12 năm đã khiến cộng đồng y khoa choáng váng. “Ngay cả khi các bác sĩ cố gắng xua tan nỗi nghi ngờ, thì giữa xung mạch đập của BV, từng nhân viên y tế vẫn cảm thấy rất đau lòng và cô đơn”, bác sỹ Trần Văn Phúc trăn trở.

“Bác sĩ Hoàng Công Lương hay cộng đồng y khoa chúng tôi sẽ không thể làm sống lại 8 bệnh nhân; và những lời xin lỗi sẽ không bao giờ là đủ. Nhưng bất kể thời khắc nào nhớ đến vụ việc, chúng tôi rất muốn được xin lỗi và gửi lời chia buồn tới gia đình của cả 8 bệnh nhân, mong nhận được sự chia sẻ cảm thông của xã hội.

Cần cân nhắc nguyên nhân, chủ thể, khách thể của tội danh

Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Y tế cho rằng, theo Luật Khám chữa bệnh, bác sĩ làm nhiệm vụ cấp cứu, chăm sóc, phục hồi chức năng cho bệnh nhân, còn chất lượng của thiết bị y tế, mua sắm, bảo dưỡng, bảo trì sửa chữa… do bộ phận quản lý trang thiết bị thực hiện; bác sĩ không phải chịu trách nhiệm về các loại trang thiết bị này. “Cáo trạng nêu sai sót của bác sỹ Lương là không kiểm tra lại và không báo cáo với trưởng khoa. Câu hỏi đặt ra là, đây có phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tử vong của các bệnh nhân không?”.

Theo ông Quang, BS Lương được đào tạo kỹ thuật lọc máu nhân tạo nhưng chắc chắn không được đào tạo về kiểm tra chất lượng nước. Việc kiểm tra nước tinh khiết RO để chạy thận phải qua thiết bị chuyên ngành mới xác định được. Trong khi đó, BS Lương chưa được đào tạo thì không thể kiểm tra được. Do vậy, có kiểm tra thì BS cũng không thể biết nước đó có tinh lọc hay không. Hoặc nếu đặt giả thiết, BS Lương có báo cáo trưởng khoa thì trưởng khoa cũng không biết vì việc này cũng chỉ là hình thức.

Như vậy, dù BS Lương có báo cáo, có kiểm tra theo quy trình thì không thể biết chất lượng nước dùng để chạy thận có đảm bảo hay không và trong vụ việc này thì bệnh nhân vẫn có chất lạ vào cơ thể và tai biến vẫn xảy ra… Với điều luật này, căn cứ vào các nội dung của bản cáo trạng của VKSND tỉnh Hòa Bình thì truy tố tội danh của BS Lương là chưa thật sự thuyết phục cả về chủ thể, khách thể, về chủ quan, khách quan…

Do đó, các cơ quan bảo vệ pháp luật trên nguyên tắc độc lập cần cân nhắc nguyên nhân, chủ thể, khách thể của tội danh để nghiên cứu, cân nhắc, định danh theo đúng tinh thần của pháp luật, đồng thời xét cả ở khía cạnh nhân văn. BS Lương còn trẻ, chưa có tiền án, tiền sự, nhân thân tốt; nếu bị xét xử với tội danh trên thì BS sẽ không có cơ hội, niềm tin, nhiệt huyết trở lại với nghề nghiệp của mình, ông Quang nêu rõ.

Thịnh An

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/bat-cac-bac-si-chiu-trach-nhiem-ca-ve-may-moc-thiet-bi-la-dieu-bat-kha-thi-112582.html