Bấp bênh cầu thủ Việt xuất ngoại tìm chỗ đứng

Thủ môn Đặng Văn Lâm đã hồi hương, khoác áo cho CLB Bình Định sau hơn ba năm không thể có vị trí ổn định ở Thái Lan, Nhật Bản. Hiện chỉ còn mỗi Quang Hải chênh vênh đá giải hạng 2 Pháp.

Hơn hai năm khoác áo CLB Cerezo Osaka, thủ môn Việt kiều Nga Đặng Văn Lâm chỉ có vỏn vẹn một lần ra sân đá Cúp Hoàng đế và một trận AFC Champions League, còn lại vắng bóng ở J-League. Nhiều năm khoác áo tuyển quốc gia với sự vững chắc về tay nghề chuyên môn mà thật nghiệt ngã, Văn Lâm không có suất chơi chính ở Nhật Bản.

 Đặng Văn Lâm sau khi ký hợp đồng được lãnh đạo CLB giới thiệu hình ảnh CLB Bình Định chúc mừng anh trở thành thành viên. Ảnh: T.BĐ

Đặng Văn Lâm sau khi ký hợp đồng được lãnh đạo CLB giới thiệu hình ảnh CLB Bình Định chúc mừng anh trở thành thành viên. Ảnh: T.BĐ

Tham vọng khoác áo một CLB lớn ở châu Á và cuộc phiêu lưu của thủ thành Đặng Văn Lâm sớm kết thúc một cách lặng lẽ, dẫu cơ hội cho anh trở về “làm trùm” V-League không thiếu. Có ít nhất ba CLB giành nhau chữ ký của Văn Lâm nhưng cuối cùng anh chọn Bình Định - CLB mà anh cho là thỏa mãn tốt nhất cho anh về lương bổng, lót tay lẫn khả năng leo lên tốp cao hơn các đội bóng khác.

Theo nhiều nguồn tin, số tiền lót tay 3,5 năm cho thủ thành Văn Lâm không dưới 20 tỉ đồng và mức lương tháng xấp xỉ 400 triệu đồng. Điều quan trọng khác là Văn Lâm bảo đảm một suất ra sân chính thức cao hơn hẳn bốn thủ môn của “lò” bóng đá Bình Định một thời nức tiếng sản sinh ra thủ môn giỏi cho làng bóng quốc gia.

Dù không tìm ra chỗ đứng ở Nhật Bản, thủ thành Văn Lâm vẫn khẳng định thời gian tập luyện và thi đấu ở môi trường chuyên nghiệp là thời gian quý giá và chất lượng nhất trong sự nghiệp của mình.

Theo nhiều nguồn tin, số tiền lót tay 3,5 năm cho thủ thành Văn Lâm không dưới 20 tỉ đồng và mức lương tháng xấp xỉ 400 triệu đồng.

Tuy nhiên, sự hồi hương của Đặng Văn Lâm, một thủ môn giỏi của đội tuyển quốc gia, đã cho thấy rõ hơn về bức tranh toàn cảnh của cầu thủ Việt Nam không chút dễ dàng mưu sinh nơi xứ người. Từ thời của chân sút số 1 Công Vinh đi chơi bóng ở Nhật Bản rầm rộ cách đây gần chục năm vẫn lặng lẽ trở về, hay mới đây có hậu vệ trái Văn Hậu mài đũng quần trên ghế dự bị tại Hà Lan. Tương tự, tiền đạo Công Phượng không có chỗ đứng ở Bỉ hay Nhật Bản, Hàn Quốc, giống với các đồng nghiệp Xuân Trường, Tuấn Anh, dù tất cả đều là tuyển thủ quốc gia.

Người đi sau cùng ở thời điểm này như tiền vệ Quang Hải có may mắn rút tỉa nhiều kinh nghiệm hơn khi người đại diện chọn bến đỗ mới có vẻ vừa tầm là Pau FC đang thi đấu ở giải hạng 2 Pháp. Cựu cầu thủ Hà Nội có hai lần dở dang ra sân cũng quý hóa hơn rất nhiều vị trí không thể thiếu khi đá V-League hay khoác áo tuyển Việt Nam.

Vẫn còn chờ xem liệu Quang Hải có vượt lên như một bước đột phá vượt qua bản thân để gây tiếng vang ở làng bóng nước ngoài, dù chỉ chơi hạng dưới châu Âu, sau những bước chân khập khiễng của lứa đàn anh.•

Thầy Park nói về hạn chế của học trò

HLV Park Hang-seo chia sẻ việc các cầu thủ Việt Nam xuất ngoại chơi bóng chưa thành công chủ yếu do trình độ chưa đáp ứng nhu cầu của đối tác, cùng sự thiếu tự tin và thể hình, thể lực còn hạn chế. Thêm một trở ngại khác mà người trong cuộc như Văn Hậu hay Quang Hải không thể giao tiếp ngoại ngữ khiến họ thiệt thòi hơn các đồng nghiệp ngoại khác.

Ông Park cho biết thêm về môi trường bóng đá Hàn Quốc, các học trò có nói với ông rằng họ không gặp vấn đề trong cuộc sống nhưng khả năng hòa nhập với lối chơi chung của CLB không hề đơn giản. Cầu thủ bóng đá Hàn Quốc đòi hỏi phải có nền tảng thể lực và sức chiến đấu tốt nhưng tiếc là cầu thủ Việt Nam chưa thể thích nghi với điều kiện đó.

TT

GIA HUY

Nguồn PLO: https://plo.vn/bap-benh-cau-thu-viet-xuat-ngoai-tim-cho-dung-post694255.html