Bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc

QĐND Online - Xây dựng Quân chủng Phòng không - Không quân (PK-KQ) tinh nhuệ, hiện đại, hoàn thành sứ mệnh vẻ vang là lực lượng giữ vai trò nòng cốt trong quản lý và bảo vệ bầu trời Tổ quốc là một trong những nội dung quan trọng trong thực hiện chủ trương xây dựng một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại mà Đại hội XIII của Đảng đề ra.

Ngày 22-10-1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh và Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 50/QĐ thành lập Quân chủng Quân chủng Phòng không - Không quân (PK-KQ), trên cơ sở hợp nhất Bộ Tư lệnh Phòng không và Cục Không quân. Sau này, do yêu cầu nhiệm vụ, Quân chủng PK-KQ được tách ra thành Quân chủng Phòng không và Quân chủng Không quân. Vào thời điểm thành lập, Quân chủng PK-KQ có ba lực lượng đang trong quá trình xây dựng là pháo cao xạ, ra-đa và không quân.

Đến năm 1999, nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, sắp xếp, củng cố một số quân chủng, binh chủng theo hướng tinh, gọn, mạnh, Chủ tịch nước đã ký Sắc lệnh số 03/L-CTN về việc hợp nhất Quân chủng Phòng không và Quân chủng Không quân thành Quân chủng Phòng không - Không quân (PK-KQ) như hiện nay.

Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm Quân chủng Phòng không - Không quân. Ảnh: Tư liệu.

Trung tướng Lâm Quang Đại, Chính ủy Quân chủng Phòng không - Không quân cho biết: Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, sau thời gian chuẩn bị công phu, ngày 03-4-1965, Biên đội MiG-17 xuất kích, bắn rơi 2 máy bay F-8U của Hải quân Mỹ trên bầu trời Hàm Rồng (Thanh Hóa). Đây là lần đầu tiên trong lịch sử đấu tranh vũ trang của dân tộc có chiến công trên không, Bộ đội Không quân trẻ tuổi của ta đã “mở mặt trận trên không” thắng lợi, đánh thắng lực lượng không quân sừng sỏ của đế quốc Mỹ. Chiến công đó, đã làm nức lòng đồng bào và chiến sĩ cả nước, cổ vũ ý chí quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ của quân và dân ta, được Bác Hồ khen ngợi: “Các chú đã chiến đấu rất dũng cảm, đã tiêu diệt máy bay Mỹ. Các chú đã thực hiện được khẩu hiệu “Đã đánh là thắng”. Như thế là xứng đáng với truyền thống anh hùng của quân và dân ta…”. Ngày 03-4-1965 trở thành ngày truyền thống đánh thắng trận đầu vẻ vang của Không quân nhân dân Việt Nam.

Với tinh thần “Dám đánh, quyết đánh và quyết thắng” các đơn vị của Bộ đội PK-KQ luôn khắc phục khó khăn, sáng tạo nhiều cách đánh độc đáo, thông minh, góp phần làm phong phú thêm nghệ thuật tác chiến của dân tộc Việt Nam và đánh thắng hai cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân của đế quốc Mỹ. Chiến thắng 12 ngày đêm tháng 12-1972 đã làm nên một “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, đập tan cuộc tập kích chiến lược đường không chủ yếu bằng máy bay B-52 của đế quốc Mỹ, với thần tượng “siêu pháo đài bay” và cái gọi là “uy thế không lực Hoa Kỳ”; đánh sập ý tưởng “thương lượng trên thế mạnh” của Ních-xơn, buộc chính quyền Mỹ phải ký hiệp định Pa-ri (ngày 27-01-1973), tạo ra thế và lực mới cho cách mạng Việt Nam, đẩy nhanh sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của dân tộc đi đến thắng lợi hoàn toàn.

Chiến thắng 12 ngày đêm tháng 12-1972 đã làm nên một “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.

Trải qua 66 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Không quân nhân dân Việt Nam luôn giữ vững và phát huy phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”; sẵn sàng hy sinh quên mình, dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, cống hiến tài năng, trí tuệ vì sự nghiệp bảo vệ bầu trời Tổ quốc, xây dựng nên truyền thống: “Trung thành vô hạn - Tiến công kiên quyết - Đoàn kết hiệp đồng - Lập công tập thể”. Với thành tích đặc biệt xuất sắc đó, Không quân nhân dân Việt Nam được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” (ngày 03-6-1976).

Clip ấn tượng về sức mạnh của lực lượng canh giữ bầu trời Tổ quốc.

Hiện nay, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ bầu trời Tổ quốc đối với Quân chủng PK-KQ nói chung, Bộ đội Không quân nói riêng đặt ra yêu cầu ngày càng cao, tính chất đa dạng, phức tạp, khẩn trương, đòi hỏi phải có chủ trương, giải pháp xử lý kịp thời, chính xác các tình huống tác chiến trên không, không để bị động, bất ngờ, lỡ thời cơ, nhất là trên hướng biển, đảo. Để Bộ đội Không quân phát huy truyền thống hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng lực lượng Không quân “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, có sức mạnh, khả năng sẵn sàng chiến đấu cao, luôn là lực lượng nòng cốt trên mặt trận đối không, trong thế trận chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

Máy bay Su-30MK2.

Theo Thiếu tướng Vũ Văn Kha - Quyền Tư lệnh Quân chủng, Dự thảo báo cáo Chính trị Đại hội XIII của Đảng,Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định: “Xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, ưu tiên hiện đại hóa một số quân chủng, binh chủng, lực lượng, tạo tiền đề vững chắc để phấn đấu từ năm 2030 xây dựng Quân đội hiện đại”, trong đó có Quân chủng PK-KQ. Xác định đây là vinh dự, đồng thời là trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, Quân đội và Nhân dân, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai toàn diện nhiều chủ trương, biện pháp đồng bộ nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp mọi tổ chức, mọi lực lượng, phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành mục tiêu xây dựng Quân chủng “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân chủng lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định mục tiêu dài hạn: “Phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành mục tiêu xây dựng Quân chủng PK-KQ cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”. Theo đó, Quân chủng triển khai quyết liệt, toàn diện các giải pháp, tập trung vào cả ba yếu tố: Con người, tổ chức biên chế và vũ khí, trang bị; nhằm tạo chuyển biến mới về chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của Quân chủng.

Cán bộ, chiến sĩ Quân chủng Phòng không - Không quân huấn luyện sẵn sàng chiến đấu.

Tới thăm và làm việc với Quân chủng PK-KQ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu: Quân chủng phải thường xuyên nghiên cứu, nắm chắc tình hình, âm mưu thủ đoạn của địch, nhất là đối tượng tác chiến phòng không để có những phương án tác chiến chính xác, kịp thời, phù hợp với điều kiện của ta. Phát huy khả năng và hiệu quả chiến đấu cao nhất của từng lực lượng, từng đơn vị trong Quân chủng. Bảo đảm chủ động trong mọi tình huống, kiên quyết không để bị động, bất ngờ, nhất là trước khả năng địch tấn công từ trên không, trên biển; bảo vệ vững chắc Tổ quốc từ sớm, từ xa. Đặc biệt, phải làm tốt vai trò làm tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng xây dựng các lực lượng phòng không, không quân, phòng không nhân dân, tạo thành thế trận phòng không nhân dân vững mạnh, rộng khắp, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc. Cùng với đó, tập trung xây dựng các đơn vị thuộc Quân chủng PK-KQ tinh nhuệ về tổ chức, bảo đảm “tinh, gọn, mạnh”.

Diễn tập bắn đạn thật và huấn luyện làm chủ tên lửa.

Về vấn đề này, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo: Đảng bộ Quân chủng cần tập trung lãnh đạo xây dựng quân chủng vững mạnh toàn diện; lấy xây dựng vững mạnh về chính trị làm cơ sở để nâng cao chất lượng tổng hợp và sức chiến đấu của toàn quân chủng; lãnh đạo làm tốt công tác tham mưu với Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng trong việc điều chỉnh biên chế, tổ chức, xây dựng lực lượng, đảm bảo "tinh, gọn, mạnh"; tập trung lãnh đạo đẩy nhanh việc xây dựng quân chủng thành lực lượng "cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại" đến năm 2030 theo lộ trình đã xác định.

Thượng tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định: Xây dựng Quân đội về tổ chức “tinh, gọn, mạnh, linh hoạt” là vấn đề quan trọng, được Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng hết sức quan tâm, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu và chiến thắng trong mọi tình huống. Đó cũng là khâu đột phá mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ X đề ra, cần tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện, với nhiều giải pháp đồng bộ, phù hợp, đáp ứng yêu cầu mới của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Quan điểm này cũng được Đại hội Đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI vừa qua tiếp tục xác định trong Chương trình hành động xây dựng Quân đội đến năm 2025.

Thiếu tướng Vũ Văn Kha cho biết, Quân chủng tập trung thực hiện “3 khâu đột phá” được xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân chủng lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025 gồm: Chấn chỉnh tổ chức, biên chế Quân chủng tinh, gọn, mạnh, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; nâng cao trình độ, khả năng SSCĐ, đổi mới công tác huấn luyện, giáo dục, đào tạo, tập trung huấn luyện làm chủ VKTBKT mới, cải tiến, coi trọng huấn luyện bay, bảo đảm an toàn bay; nâng cao chất lượng xây dựng chính quy, quản lý, giáo dục chấp hành pháp luật, kỷ luật và bảo đảm an toàn trong Quân chủng.

Quân chủng Phòng không - Không quân thực hiện huấn luyện bay.

Triển khai đồng bộ các giải pháp xây dựng Quân chủng theo hướng tinh, gọn, mạnh; chấn chỉnh tổ chức, biên chế phù hợp với từng lực lượng, từng loại hình tổ chức; tiếp tục chỉ đạo thực hiện tinh giản quân số biên chế khối cơ quan Quân chủng, giảm đầu mối trung gian và đơn vị phục vụ, quyết tâm phấn đấu thực hiện mục tiêu đến năm 2025 cơ bản hoàn thành việc điều chỉnh tổ chức biên chế theo hướng tinh, gọn, mạnh. Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục, đào tạo, khoa học quân sự; xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao (phi công, cán bộ chỉ huy tham mưu, kỹ sư và nhân viên chuyên môn kỹ thuật) đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; đổi mới mạnh mẽ hơn nữa nội dung, chương trình, quy trình và phương pháp đào tạo; xây dựng các học viện, nhà trường trong Quân chủng chính quy, mẫu mực, chuẩn hóa, hiện đại hóa và liên thông; nâng cao chất lượng, hiệu quả việc dạy và học ngoại ngữ, tin học; đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin, công nghệ mô phỏng vào huấn luyện và đào tạo; tăng cường hợp tác với các trung tâm nghiên cứu trong nước, đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ. Tích cực nghiên cứu lý luận, phát triển nghệ thuật tác chiến và cách đánh của các lực lượng PK-KQ với các đối tượng tác chiến có trang bị vũ khí công nghệ cao, trong điều kiện “phi tiếp xúc”.

Huấn luyện bay của Không quân Việt Nam.

Bộ tư lệnh Quân chủng đã chủ động tham mưu chính xác cho cấp trên về biện pháp xử lý các tình huống tác chiến trên mặt trận đối không. Sáng tạo, linh hoạt trong lãnh đạo, chỉ huy, điều hành xử lý đúng, nhanh nhạy các tình huống phức tạp. Lực lượng Phòng không; Không quân; không quân toàn quân, phòng không nhân dân thực sự là lực lượng nòng cốt trong quản lý, bảo vệ vững chắc bầu trời của Tổ quốc.

Quân chủng đã tiếp nhận và đưa vào sử dụng nhiều loại trang bị, vũ khí mới, hiện đại.

Trong xây dựng hiện đại hóa, Quân chủng đã tiếp nhận và đưa vào sử dụng nhiều loại trang bị, vũ khí mới, hiện đại của các lực lượng như: Không quân; Ra đa; Tên lửa; Cao xạ; Phòng không lục quân. Ưu tiên đầu tư vũ khí, trang bị, phương tiện cho việc thực hiện nhiệm vụ ở vùng biển, đảo, cứu hộ, cứu nạn... Thực hiện tốt việc phát huy nội lực, chủ động ứng dụng những thành tựu khoa học và công nghệ để sản xuất, nâng cấp, cải tiến, sửa chữa nâng cao tính năng kỹ, chiến thuật của một số loại vũ khí, trang bị hiện có trong biên chế, bảo đảm cho sẵn sàng chiến đấu và huấn luyện. Chú trọng tích hợp dây chuyền, năng lực công nghệ của các nhà máy, phát huy sức mạnh của nền công nghiệp Việt Nam trong phục vụ nhiệm vụ quốc phòng nói chung và nhiệm vụ của Quân chủng nói riêng, từng bước loại khỏi biên chế những trang bị kỹ thuật cũ, hỏng. Tích cực nghiên cứu khai thác vật tư, kỹ thuật từ các nguồn trong nước và nước ngoài, chú trọng các nước bạn bè truyền thống.

Quân chủng Phòng không - Không quân thực hiện nhiệm vụ ở vùng biển, đảo, cứu hộ, cứu nạn...

Bên cạnh đó, quân chủng còn đặc biệt coi trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bởi đây là nhân tố quyết định, điều kiện tiên quyết để tiếp thu khoa học - kỹ thuật, làm chủ vũ khí, trang bị hiện đại. Tăng cường số lượng cán bộ đi đào tạo ở nước ngoài; phải đi đầu, đón trước và đồng bộ với mua sắm vũ khí, khí tài trang bị. Đồng thời, có đội ngũ cán bộ tiếp thu tối đa khoa học kỹ thuật tiên tiến trên thế giới để khai thác, ứng dụng ở trong nước; chủ động bồi dưỡng, đào tạo con người có khả năng làm chủ được VKTBKT mới, hiện đại.

Ghi nhận những thành tích Quân chủng PK-KQ đã đạt được trong quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trong thăm và làm việc tại Quân chủng đã nhấn mạnh, Quân chủng Phòng không-Không quân ngày càng lớn mạnh về mọi mặt, là lực lượng nòng cốt quản lý, bảo vệ an toàn vùng trời, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc các mục tiêu trọng yếu quốc gia. Các thế hệ cán bộ, chiến sĩ thuộc Quân chủng luôn phát huy truyền thống của dân tộc, bản lĩnh của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, người chiến sĩ “phòng không - không quân ưu tú”, đoàn kết, mưu trí, sáng tạo, anh dũng kiên cường, lập được nhiều chiến công, thành tích xuất sắc, viết tiếp những trang sử hào hùng trong kháng chiến, cũng như trong nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Clip: Tự hào bay trên biển trời Tổ quốc.

Tổ chức thực hiện: NGUYỄN VĂN MINH

Nội dung: NGUYỄN VĂN DUYÊN - NGÔ TIẾN MẠNH - NGUYÊN MINH

Ảnh: NGÔ TIẾN MẠNH, PHẠM HOÀNG HÀ, XUÂN CƯỜNG, BÁO THANH NIÊN và CTV...

Kỹ thuật, đồ họa: THANH HƯƠNG - VIỆT HƯNG - LÊ THÀNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/da-phuong-tien/longform/bao-ve-vung-chac-bau-troi-to-quoc-650263