'Bảo tàng' nghệ thuật Hát Xoan

Miếu Lãi Lèn - ngôi miếu cổ ở làng Phù Đức (xã Kim Đức, TP Việt Trì) được coi là 'nhà hát lớn' đầu tiên của Việt Nam thời kỳ Văn Lang. Đây cũng chính là nơi phát tích của Hát Xoan gắn truyền thuyết Vua Hùng đi tìm đất xây thành đồng thời cũng là di tích gốc liên quan đến nguồn gốc ra đời của Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại - nghi lễ hát thờ, Hát Xoan Phú Thọ...

Góc không gian trưng bày nghệ thuật Hát Xoan tại Miếu Lãi Lèn.

Góc không gian trưng bày nghệ thuật Hát Xoan tại Miếu Lãi Lèn.

Trong tâm thức của người dân vùng Đất Tổ, Miếu Lãi Lèn là chốn thiêng lưu giữ tinh hoa và giá trị của những làn điệu Xoan cổ, là không gian diễn xướng hát Xoan vào những dịp lễ hội, đặc biệt là Giỗ Tổ Hùng Vương. Đồng thời, Miếu còn là không gian để học sinh các nhà trường trong và tỉnh lui tới mỗi lần tổ chức hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp.

Mới đây, Miếu Lãi Lèn đã đón đoàn gồm hơn 100 sinh viên thực tập chuyên ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành khóa 2021-2025 của Trường Đại học Ngoại Ngữ - Tin học TP Hồ Chí Minh đến tham quan, trải nghiệm. Tại đây, trong không khí trang nghiêm của không gian thờ tự, các sinh viên đã được hòa mình vào nghệ thuật Hát Xoan truyền thống. Không chỉ được nghe những làn điệu Xoan cổ, các sinh viên còn tham gia trình diễn cùng các nghệ nhân, từ đó hiểu sâu hơn về lịch sử và ý nghĩa của loại hình nghệ thuật này. Buổi giao lưu đã giúp đông đảo sinh viên cảm nhận được sự kết nối giữa quá khứ với hiện tại, đồng thời trân trọng hơn giá trị văn hóa truyền thống.

Sinh viên Nguyễn Thị Hà Linh - thành viên trong đoàn tham quan, trải nghiệm chia sẻ: "Đến đây, chúng em đã được tham quan Nhà trưng bày di sản nghệ thuật Hát Xoan với rất nhiều tài liệu, hình ảnh, hiện vật, bản đồ, phim tài liệu khoa học... đồng thời được nghe giới thiệu, trải nghiệm để hiểu rõ hơn về nghệ thuật Hát Xoan, lịch sử hình thành và tồn tại của di sản Hát Xoan Phú Thọ. Qua đó, em và các bạn cảm nhận cái hay, cái đẹp về Hát Xoan khi được thưởng thức các tiết mục biểu diễn và giao lưu cùng nhiều nghệ nhân, sống trong không gian diễn xướng Xoan một cách chân thực và sống động nhất... Với em, đây là một trải nghiệm ấn tượng, không thể quên vì sẽ góp phần làm phong phú thêm hành trang giúp em đạt ước mơ trở thành hướng dẫn viên du lịch”.

Đến với Miếu Lãi Lèn du khách không những được lắng nghe, hòa mình vào những làn điệu Xoan đằm thắm, mà còn được chiêm ngưỡng những bức ảnh, hiện vật liên quan đến nghệ thuật Hát Xoan tại Nhà trưng bày di sản nghệ thuật Hát Xoan. Đây là điểm nhấn quan trọng giúp người dân, du khách có được cái nhìn trọn vẹn về loại hình nghệ thuật độc đáo này.

Sinh viên Trường Đại học Ngoại Ngữ - Tin học TP Hồ Chí Minh hào hứng khi được trải nghiệm biểu diễn hát Xoan cùng nghệ nhân.

Sinh viên Trường Đại học Ngoại Ngữ - Tin học TP Hồ Chí Minh hào hứng khi được trải nghiệm biểu diễn hát Xoan cùng nghệ nhân.

Thông qua những hình ảnh trưng bày về các phường Xoan cổ trên địa bàn thành phố Việt Trì gồm: Đình làng Thét, Kim Đái, An Thái, Lâu Thượng, Miếu Lãi Lèn đã giúp du khách có góc nhìn bao quát về không gian lưu truyền nghệ thuật Hát Xoan. Nằm trong không gian và nghệ thuật trình diễn Hát Xoan còn có các bản Xoan cổ. Các bản này trước đây được các nhà nho viết bằng chữ Hán, sau này mới dịch ra chữ quốc ngữ để mọi người dễ dàng học theo.

Những bài Xoan cổ chủ yếu được các trùm phường cất giữ và truyền dạy. Nhìn chung, các bản này có nội dung giống nhau, nhưng về cách sắp xếp bài hát và lời ca thì mỗi phường có điểm khác biệt. Thông qua hơn chục bức ảnh trưng bày, du khách thăm quan còn được biết đến nghệ thuật trình diễn Hát Xoan như: Lề lối, trình tự và nghệ thuật biểu diễn, các quả cách và tục hát nước nghĩa.

Bên cạnh nghệ thuật trình diễn, nhạc cụ, trang phục dùng trong hát Xoan cũng được trưng bày tại Miếu Lãi Lèn thu hút sự chú ý của du khách với những nhạc cụ giản đơn: Chiếc trống nhỏ bằng gỗ mít bịt da hai mặt, cặp phách tre, nậm rượu, áo tứ thân kết hợp áo cánh tơ tằm, khăn vuông, khăn vấn... được bài trí khoa học.

Hát Xoan đã vượt qua không gian văn hóa Phú Thọ để đến với cộng đồng các dân tộc Việt Nam và nhân loại trên toàn thế giới, qua ngàn đời vẫn tiềm tàng sức sống. Để làm nên thành công ấy phải kể đến sự đóng góp rất lớn của các nghệ nhân dân gian. Tại không gian trưng bày nghệ thuật Hát Xoan, hình ảnh các trùm phường Xoan là những người thuộc các gia đình có truyền thống hát Xoan lâu đời, có gia đình 3,4 đời làm trùm phường theo kiểu cha truyền con nối cũng được sắp đặt ở vị trí trang trọng...

Được hòa mình trong không gian nghệ thuật Hát Xoan đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng mỗi du khách khi ghé thăm Miếu Lãi Lèn. Để từ đó, câu Xoan Phú Thọ tiếp tục tạo sức lan tỏa trong cộng đồng, thể hiện sức sống trường tồn cùng thời gian.

Hồng Nhung

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/bao-tang-nghe-thuat-hat-xoan-216637.htm