Bảo tàng chuyển động trong đời sống đương đại

Không chỉ dừng ở vai trò lưu giữ ký ức, các bảo tàng ngày càng trở thành không gian sáng tạo, thúc đẩy giáo dục, khơi gợi đối thoại và gắn kết cộng đồng, là nơi công chúng được trải nghiệm, tương tác, khám phá. Sự làm mới này không chỉ là xu thế tất yếu, mà còn là cơ hội để bảo tàng trở thành điểm đến hấp dẫn giới trẻ...

Khách tham quan Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Khách tham quan Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Cuốn hút và nhiều trải nghiệm

Trên các nền tảng mạng xã hội như TikTok, Facebook hay Instagram... không khó để bắt gặp các hình ảnh, video, các bài đăng về những tác phẩm quý trưng bày trong bảo tàng. Các bạn trẻ cũng rất tích cực chia sẻ trải nghiệm tham quan, quay clip ngắn giới thiệu các hiện vật, thậm chí còn sáng tạo nội dung theo xu hướng mạng xã hội để tăng tính tương tác.

Qua góc nhìn của người trẻ, từng hiện vật, từng câu chuyện hiện lên sống động và cuốn hút. Sự đồng hành trên các nền tảng này đã giúp Bảo tàng kết nối và thu hút thêm rất nhiều người, họ không chỉ tới để học tập nghiên cứu, chiêm ngưỡng các tác phẩm mà còn để chia sẻ và giao lưu, gặp gỡ những người có cùng niềm đam mê nghệ thuật.

Trong bối cảnh nhu cầu hưởng thụ văn hóa của công chúng ngày càng đa dạng, các bảo tàng đã rất chủ động "làm mới mình" thông qua việc ứng dụng công nghệ hiện đại, tổ chức các hoạt động trải nghiệm tương tác, xây dựng không gian sáng tạo và kết nối cộng đồng. Lãnh đạo các bảo tàng đã chứng minh rằng, họ không đứng yên trong một thế giới đang chuyển động mạnh mẽ bởi công nghệ và yêu cầu trải nghiệm ngày càng cao của công chúng.

Những ngày này, đến với không gian trưng bày Mỹ thuật ứng dụng và mỹ thuật dân gian tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, bên cạnh việc chiêm ngưỡng các hiện vật gốc, bảo tàng còn đưa ứng dụng công nghệ trình chiếu 3D mapping, màn hình tương tác tra cứu thông tin hiện vật vào trong không gian trưng bày giúp công chúng có thêm nhiều trải nghiệm vô cùng thú vị.

Tháng 2 vừa qua, Bảo tàng Hà Nội cũng phối hợp các đơn vị tổ chức đêm nhạc “True Love Seasons” với sự tham gia của những ngôi sao âm nhạc như Mỹ Linh, Tấn Minh… cùng một số ca sĩ trẻ đang được yêu mến. Đêm diễn thực hiện trên sân khấu kính được sắp đặt giữa hồ tại Bảo tàng đã tạo nên hiệu ứng thị giác vô cùng độc đáo. Đưa âm nhạc vào bảo tàng đang là một xu hướng được nhiều bảo tàng trên thế giới áp dụng nhằm tăng tính hấp dẫn và kéo gần công chúng với không gian vốn được xem là “tĩnh” này.

Giữa tháng 5/2025, Bảo tàng Đà Nẵng cũng đã khởi động chương trình Giờ học ngoại khóa với chủ đề “Nghề truyền thống của thành phố”. Trong chương trình này, học sinh được tham quan, tìm hiểu về các nghề truyền thống, tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm thú vị như: pha nước mắm Nam Ô, làm gỏi cuốn sử dụng kèm với nước mắm Nam Ô… Thông qua đó, khơi dậy tình yêu, ý thức bảo tồn và phát huy di sản truyền thống trong thế hệ trẻ một cách rất tự nhiên.

Nhiều TikToker nổi tiếng đã chọn các bảo tàng và di tích làm chủ đề sáng tạo. Những đoạn video với hình ảnh đẹp, thông tin hấp dẫn đã thu hút hàng triệu lượt xem, tạo nên những “cơn sốt” trực tuyến và lan tỏa mạnh mẽ đến đông đảo giới trẻ trong và ngoài nước.

Xóa nhòa khoảng cách

Những triển lãm chuyên đề theo xu hướng mới, hoạt động giáo dục gắn với thực tế đời sống, hay việc đưa bảo tàng lên không gian mạng, ứng dụng công nghệ vào trưng bày... là những bước đi cho thấy nỗ lực của bảo tàng trong việc xóa nhòa khoảng cách với công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Thời gian qua, Bảo tàng TPHCM nỗ lực tiếp cận giới trẻ qua các clip và các kênh mạng xã hội. Đặc biệt, Bảo tàng xây dựng đội ngũ tình nguyện viên từ học sinh các trường chuyên để hỗ trợ khách tham quan và lan tỏa thông tin. Ban đầu chỉ có 15 bạn, đến nay đội ngũ đã tăng lên khoảng 50 tình nguyện viên, hoạt động rất hiệu quả.

Bà Kiều Đào Phương Vy - Trưởng phòng Giáo dục, Truyền thông và Quan hệ công chúng (Bảo tàng TPHCM) cho biết, nếu nội dung và trải nghiệm tại bảo tàng đủ hấp dẫn thì mỗi bạn trẻ, mỗi khách tham quan đều có thể trở thành “đại sứ truyền thông” cho bảo tàng.

Còn về ứng dụng công nghệ phải kể đến Bảo tàng Lịch sử quốc gia, đây là bảo tàng đầu tiên ở Việt Nam ứng dụng công nghệ trong giới thiệu trưng bày. Hiện bảo tàng vẫn đang tiếp tục thay đổi, ứng dụng công nghệ để tăng khả năng kết nối, tương tác. Còn tại các bảo tàng khác cũng đã số hóa hiện vật dưới dạng 2D, 3D hay ứng dụng đồng bộ trên nền tảng Android và IOS, để khách tham quan có thể quét mã QR, tìm hiểu thông tin về các hiện vật…

Có thể nói, các bảo tàng đang chuyển động không ngừng để thu hút công chúng. Đúng như chia sẻ của PGS.TS Lâm Nhân - Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa TPHCM, bảo tàng và các điểm đến di sản luôn chứa đựng nhiều ký ức, giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học. Những giá trị này chỉ thật sự được phát huy khi có sự tương tác, chia sẻ và hợp tác.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thiều Kiên - Giám đốc Bảo tàng Nghệ thuật Quang San cũng cho rằng, bảo tàng phải trở thành nơi nuôi dưỡng sáng tạo, kết nối các thế hệ nghệ sĩ, giám tuyển, nhà nghiên cứu, người yêu nghệ thuật. Các hoạt động triển lãm cá nhân, tập huấn bảo quản tranh, chương trình đối thoại nghệ thuật đều hướng đến mục tiêu đưa nghệ thuật Việt Nam gần gũi hơn với công chúng, đặc biệt là giới trẻ.

Nhiều ý kiến chuyên gia nhận định, trong bối cảnh mới, bảo tàng Việt Nam cần hội tụ nhiều yếu tố cốt lõi, bao gồm tự chủ, sáng tạo, kết nối… Trong đó, sáng tạo sẽ giúp công chúng có những trải nghiệm mới mẻ và nuôi dưỡng cảm hứng cho họ, để bảo tàng trở thành điểm đến hấp dẫn, “không gian mở” gắn kết cộng đồng, nghệ sĩ, nhà nghiên cứu và công chúng.

Mai Hoa

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/bao-tang-chuyen-dong-trong-doi-song-duong-dai-10309795.html