"Báo hiếu" - Câu chuyện ý nghĩa về đạo đức gia đình

Là một trong hai vở diễn nằm trong kế hoạch dàn dựng năm 2012, "Báo hiếu" đang được Nhà hát Kịch Việt Nam gấp rút hoàn thành để ra mắt khán giả trong thời gian sớm nhất.

Khởi đầu từ giữa tháng 3, Báo hiếu của tác giả Phạm Văn Quý là vở kịch về đề tài hiện đại, không có nhiều tình tiết xung đột dữ dội nhưng hứa hẹn sẽ mang lại nhiều cảm xúc mãnh liệt với người xem.

Một cảnh trong vở kịch

Báo hiếu đề cập đến vấn đề đạo đức gia đình, là câu chuyện xoay quanh các mối quan hệ cha mẹ, con cái trong một gia đình tiêu biểu của nông thôn Việt Nam. Nhân vật trung tâm của vợ kịch là ông Lành. Ông có năm đứa con với những cái tên: Trung, Tín, Hiếu, Lễ, Nghĩa. Những cái tên đầy ý nghĩa là tâm nguyện của người cha mong muốn con cái của mình trưởng thành, hiếu thuận và có được những phẩm chất cao đẹp của con người.

Ba người con đầu Trung, Tín, Hiếu có cơ hội lên thành phố lập nghiệp và cũng có cuộc sống tương đối khá giả, còn Lễ và Nghĩa bằng lòng ở lại nơi quê nhà dù cuộc sống không lấy gì dư dật. Cuộc sống yên bình của ông Lành nơi làng quê sẽ không có gì để phàn nàn nếu như không có chuyện vợ ông bị bệnh và qua đời. Cảnh già đơn độc, ông Lành quyết định lên thành phố sống cùng cậu con trai cả tên Trung.

Tuy nhiên mong muốn “trẻ cậy cha, già cậy con”, được sum vầy bên con cháu của ông Lành không được như mong muốn… Từ ngày có sự xuất hiện của ông Lành, trong ngôi nhà 4 tầng của vợ chồng Trung đã dậy lên những xung đột ngầm, gay gắt xoay quanh chữ hiếu. Ba con trai ông Lành là Trung, Tín , Hiếu cùng với ba cô con dâu đã bàn bạc, chia nhau sự báo hiếu để phụng dượng bố bằng cách mỗi con trai sẽ nuôi bố 4 tháng như kiểu “nuôi rẽ” trâu bò ở quê khiến ông Lành cảm thấy tủi nhục.

Đã có lúc người bố như ông phải thốt lên “ bố cứ tưởng đẻ mỗi con là một tội…” Từ chỗ chia nhau nuôi bố, các con ông chuyển sang cãi vã, tranh giành nhau nuôi ông chỉ vì suốt ngày ông Lành ôm khư khư cái tráp, đi đâu cũng ôm theo và không rời nửa bước. Các con ông đoán già, đoán non rằng ông Lành có đồ gia bảo nên tìm cách tranh giành nuôi bố để nhằm toan tính cho mục đích riêng của mình…

Không chịu nổi cuộc sống tủi phận, ông Lành đành phải bỏ trốn nhà con trai để trở về quê sống với hai đứa con út là Lễ và Nghĩa. Cuộc sống của ông và hai người con ở quê đạm bạc nhưng chan chứa tình yêu thương và sự hiếu thuận, ngược lại hẳn với sự “báo hiếu” mà ông từng “phải chịu” của những đứa con giàu có trên thành phố.

Lâu nay, đạo diễn Lê Hùng được biết đến bởi sở trường “phù thủy” tạo ra những xung đột kịch tính cũng như nhiều mảng miếng gây cười, thế nhưng với Báo hiếu, dàn dựng theo cách kể một câu chuyện kịch nhẹ nhàng, nhiều xúc động, rất khéo léo và tinh tế khi bàn đến chữ hiếu một cách trọn vẹn.

Điểm nút của vở diễn là chi tiết chiếc tráp “gia bảo” mà ông Lành luôn mang bên mình, nó không chỉ khiến cho lòng tham của các con ông Lành có cơ hội phát huy mà ngay cả người xem cũng sẽ tò mò, thắc mắc. Bao cảm xúc hồi hộp, chờ đợi để rồi cuối cùng khi chiếc tráp “gia bảo” được mở ra, tất cả đều bất ngờ đến ngỡ ngàng… Vở kịch dừng lại với một cái kết mở…nhưng những gì mà nó mang lại khiến người xem phải suy ngẫm.

Trong xã hội hôm nay, những giá trị đạo đức truyền thống, trong đó có đạo đức gia đình đang dần bị mai một. Bằng chứng là trên nhiều các phương tiện thông tin đại chúng, những câu chuyện con cái bất hiếu với cha mẹ, anh chị em ruột thịt mất đoàn kết, thậm chí xô xát… mà phần nhiều nguyên nhân xuất phát từ sự tranh giành quyền lợi…

Vì vậy, Báo hiếu là một vở kịch hiện đại truyền tải nhiều thông điệp ý nghĩa. Đạo diễn Lê Hùng đã chia sẻ: Ông hi vọng Báo hiếu sẽ đến được với mọi tầng lớp khán giả vì tính đại chúng của nó, vở diễn không chỉ đưa đến cho người xem cách nhìn, cách cảm về khía cạnh đạo đức làm con của những người phải có nghĩa vụ báo hiếu và phụng dưỡng cha mẹ. Ông cũng mong rằng những ai đã xem vở diễn Báo hiếu, hãy một lần soi lại chính mình để chiêm nghiệm và suy ngẫm về cách ứng xử của mình đối với cha mẹ, với anh chị em trong gia đình… và hơn tất cả là đạo làm con của mỗi một con người.

Theo kế hoạch, Báo hiếu với sự tham gia của các nghệ sĩ, diễn viên trẻ của Nhà Hát Kịch Việt Nam như: Vĩnh Xương, Phú Đôn, Việt Bắc, Xuân Nam, Thu Thêu, Thanh Thúy, Phương Nam... sẽ ra mắt khán giả vào cuối tháng 4, đầu tháng 5.2012.

Theo Phụ nữ Thủ đô

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/83378p1c30/bao-hieucau-chuyen-y-nghia-ve-dao-duc-gia-dinh.htm