Bảo hiểm thất nghiệp phải thực sự là công cụ quản trị thị trường lao động

Đó là vấn đề được Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp nhấn mạnh tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp vừa được tổ chức mới đây.

Hệ thống pháp luật từng bước được hoàn thiện giúp chính sách BHTN đi vào cuộc sống

Cho biết, chính sách bảo hiểm thất nghiệp được hình thành và bắt đầu từ năm 2006 khi Quốc hội khóa XI ban hành Luật Bảo hiểm xã hội. Trong khu vực Đông Nam Á thì Việt Nam là nước thứ hai sau Thái Lan thực hiện chính sách BHTN.

Cùng với Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH và các Bộ, ngành khác đã ban hành và liên tịch ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để tạo hành lang pháp lý đồng bộ, đầy đủ cho chính sách BHTN đi vào vận hành trong thực tiễn.

Chính sách BHTN được hoàn thiện thêm một lần nữa vào năm 2013, khi Quốc hội ban hành Luật Việc làm, theo đó, các quy định liên quan đến bảo hiểm thất nghiệp trong Luật BHXH 2006 được sửa đổi, bổ sung để khắc phục hạn chế, bất cập trong quá trình triển khai thi hành và được đưa sang Luật Việc làm…

Quá trình xây dựng và ban hành văn bản liên quan đến chính sách BHTN đã đảm bảo tính kịp thời, đầy đủ, đồng bộ, thống nhất giúp chính sách BHTN đi vào cuộc sống. Nhờ vậy, sau 10 năm triển khai thực hiện BHTN đã đạt được những kết quả đáng khích lệ: Nếu năm 2009 mới chỉ có 5,9 triệu người tham gia BHTN thì đến hết năm 2018, cả nước có gần 13 triệu người tham gia BHTN, chiếm khoảng 25% lực lượng lao động trong độ tuổi của cả nước và bằng 87,7% tổng số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; gần 5 triệu lượt người được hưởng trợ cấp thất nghiệp trong đó có 96,8% được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí và hỗ trợ học nghề cho hơn 180 nghìn người….

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, kết quả trên cũng cho thấy việc thực hiện chính sách BHTN trên thực tế chủ yếu là chi trả trợ cấp thất nghiệp, và tư vấn, giới thiệu việc làm; nội dung hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ nghề để duy trì việc làm cho doanh nghiệp còn hạn chế. Có thể thấy, chính sách BHTN chưa thực sự gắn với thị trường lao động, mới tập trung nhiều cho khu vực chính thức, chưa có chính sách phù hợp cho khu vực phi chính thức (nơi người lao động dễ bị tổn thương), còn nặng về giải quyết trợ cấp thất nghiệp, chưa chú ý thỏa đáng đến các giải pháp phòng ngừa. Cơ chế quản lý, cơ chế tài chính và tổ chức bộ máy thực hiện BHTN còn nhiều điểm bất cập,...

Do vậy, việc thực hiện chính sách BHTN trên thực tế chưa đạt được mục tiêu chính, và quan trọng nhất của nó là công cụ quản trị thị trường lao động, không có đủ thông tin để đánh giá chính xác hiệu quả của các chính sách BHTN trong việc hỗ trợ người thất nghiệp sớm quay lại thị trường lao động.

Chính sách BHTN cần hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo, nâng cao trình độ cho người lao động để duy trì việc làm

Đưa BHTN hoạt động đúng mục đích là công cụ quản trị thị trường lao động

Để khắc phục những hạn chế, bất cập từ thực tế triển khai chính sách BHTN trong thời gian qua, đưa nội dung thực hiện chính sách BHTN về đúng mục tiêu chính của nó là công cụ quản trị thị trường lao động, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Hoàn thiện hệ thống chính sách BHTN để đưa BHTN hoạt động đúng mục đích là công cụ quản trị thị trường lao động, theo đó, chú trọng không chỉ các giải pháp xử lý hậu quả thông qua việc chi trả trợ cấp thất nghiệp, đào tạo đáp ứng yêu cầu của công việc mới, giới thiệu việc làm mà cần chú ý thỏa đáng đến các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng thất nghiệp thông qua việc hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất, kinh doanh, bảo đảm việc làm cho người lao động; đẩy nhanh quá trình gia tăng số lao động tham gia BHTN trong khu vực phi chính thức; ngăn chặn tình trạng gian lận, trục lợi chính sách BHTN, bảo đảm BHTN thật sự là công cụ quản lý thị trường lao động.

Nâng cao năng lực quản lý, quản trị thị trường lao động, thông qua việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý, thông tin việc làm, thất nghiệp, biến động lao động trong thị trường lao động; đặc biệt là kết nối cung – cầu lao động và liên thông thị trường lao động.

Cải tiến, nâng cao chất lượng hoạt động của mạng lưới trung tâm dịch vụ việc làm công; thực hiện tốt và hiệu quả chức năng tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ tối đa người lao động tìm được việc làm đúng chuyên môn, sở trường, và sớm quay trở lại thị trường lao động;

Hoàn thiện cơ chế, chính sách về trợ cấp thất nghiệp nhằm hỗ trợ, bù đắp một phần thu nhập cho người lao động trong thời gian thất nghiệp, dựa trên nguyên tắc đóng – hưởng, công bằng, bình đẳng và có sự chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia BHTN.

Nâng cao công tác tuyên truyền về chính sách BHTN cho người lao động và doanh nghiệp.

Hỗ trợ cho doanh nghiệp và khuyến khích để doanh nghiệp đào tạo, đào tạo lại, nâng cao trình độ, năng lực của người lao động nhằm duy trì việc làm cho người lao động; hỗ trợ người lao động đang trong thời gian thất nghiệp được học nghề, đào tạo nghề gắn với công việc mới.

DIỆU NGỌC

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/bao-hiem-that-nghiep-phai-thuc-su-la-cong-cu-quan-tri-thi-truong-lao-dong-d102051.html