Bảo đảm nguồn cung ô-xy điều trị bệnh nhân Covid-19

Từ ba tháng nay, nền kinh tế hồi phục nhanh, nhiều ngành sản xuất tăng sản lượng, khiến cầu ô-xy công nghiệp tăng cao, nguồn cung ô-xy vì thế càng khan hiếm, nhất là thời điểm Tết Nguyên đán sắp tới gần, nhiều doanh nghiệp sản xuất ô-xy sẽ nghỉ hoạt động. Nguy cơ thiếu ô-xy cho điều trị bệnh nhân Covid-19 có thể thấy rõ nếu chúng ta không có phương án chuẩn bị cũng như giải pháp điều phối cần thiết ngay lúc này.

Sản xuất ô-xy lỏng tại Công ty Nippon Sanso Vietnam JSC (Khu công nghiệp Biên Hòa, Ðồng Nai). Ảnh: HẢI YẾN

Theo báo cáo của Bộ Công thương, hiện Việt Nam có 12 nhà máy sản xuất ô-xy thương phẩm, cung cấp trung bình khoảng 1.150-1.400 tấn/ngày. Trong điều kiện không có bùng phát dịch bệnh, lượng ô-xy sản xuất trong nước có thể đáp ứng nhu cầu nội địa cũng như xuất khẩu. Thế nhưng, trong bối cảnh nhu cầu ô-xy công nghiệp cho sản xuất đang tăng mạnh, tại một số thời điểm vừa qua đã xảy ra khan hiếm ô-xy y tế cục bộ, nhất là TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh Tây Nam Bộ.

Nguy cơ thiếu hụt

Phân tích tình trạng thiếu hụt ô-xy y tế ở một số nơi thời gian vừa qua, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên nhận định: Ngoài nguy cơ khách quan do cầu tăng đột biến, cũng có nguy cơ chủ quan từ phía các địa phương, cơ sở khám, chữa bệnh. Nhiều nơi chưa có cơ quan, đơn vị đầu mối rà soát, nghiên cứu, dự báo trước nhu cầu ô-xy để đặt hàng đơn vị sản xuất. Ðồng thời, không có sự chuẩn bị về hạ tầng để dự trữ lượng ô-xy cần thiết, đến khi dịch bùng phát, nhu cầu tăng cao lại thiếu hạ tầng, thiết bị để nhanh chóng tiếp nhận, tách chiết, phân phối lượng ô-xy được giao. Trong khi đó, doanh nghiệp sản xuất ô-xy lại phân bố không đồng đều giữa các miền, việc vận chuyển cũng gặp nhiều khó khăn do phải đáp ứng các quy định nghiêm ngặt về an toàn và phòng, chống cháy nổ. Thời điểm dịch bùng phát mạnh, Bộ Công thương đã đề xuất Chính phủ cho chuyên chở ô-xy bằng máy bay và đường sắt tới các tỉnh, thành phố phía nam nhưng quy chế an toàn không cho phép, cho nên phải huy động xe thùng, mất thời gian dài.

Về nhu cầu ô-xy cho điều trị bệnh nhân Covid-19, Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công thương) Nguyễn Văn Thanh cho biết, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây Nam Bộ hiện cần khoảng 500 tấn ô-xy y tế/ngày. Với yêu cầu như vậy, Bộ Công thương đã huy động toàn bộ doanh nghiệp tham gia sản xuất ô-xy cung ứng cho miền nam; các doanh nghiệp sản xuất cũng cam kết cắt giảm lượng ô-xy công nghiệp để chuyển sang cho chữa bệnh. Có thể nói, tình hình ô-xy hiện nay đã bớt nóng hơn, nhưng nhiều nơi vẫn thiếu cục bộ. Do đó, cần có kế hoạch cụ thể để ứng phó khi Tết Nguyên đán đang đến gần, người dân di chuyển nhiều khiến dịch dễ dàng bùng phát.

TP Hồ Chí Minh và Hà Nội đều khẳng định đã có phương án chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng đáp ứng lượng ô-xy cần thiết cho điều trị bệnh nhân Covid-19 kể cả khi dịch bùng phát mạnh. Tuy vậy, một số địa phương khác như: Vĩnh Long, Cần Thơ,… lại cảnh báo nguy cơ thiếu hụt ô-xy y tế. Ðại diện Sở Y tế TP Cần Thơ thông tin, dù các bệnh viện trong thành phố đều đã có hợp đồng cung cấp với doanh nghiệp sản xuất ô-xy, nhưng cung vẫn không đủ cầu, lượng ô-xy y tế thành phố sử dụng hiện phụ thuộc rất nhiều vào nguồn tài trợ. Không những vậy, giá ô-xy tại Cần Thơ đang tăng cao gấp hai lần bình thường, càng khiến tình hình khan hiếm ô-xy thêm trầm trọng.

Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hơi Kỹ nghệ Que hàn (Sovigaz) Trịnh Anh Phong chia sẻ, năng lực sản xuất ô-xy của Sovigaz hiện nay với hai dây chuyền là 120 tấn/ngày, đã chuyển đổi 100% sang cung ứng cho ngành y tế, đáp ứng khoảng 60% nhu cầu từ tỉnh Khánh Hòa trở vào miền nam. Công ty đang cung cấp khoảng hơn 190 tấn ô-xy y tế/ngày cho các bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh, do đó phải nhập thêm khoảng 80 tấn/ngày. Trước đây, khi các cơ sở công nghiệp phải dừng hoạt động do dịch bệnh, lượng ô-xy cung cấp cho ngành y tế là tương đối đủ. Nhưng từ khi hoạt động sản xuất công nghiệp được phục hồi, đã có hiện tượng thiếu ô-xy y tế cục bộ một số nơi tại miền nam.

Ðoàn viên, thanh niên Thủ đô vận chuyển bình ô-xy đưa tới các trạm ATM Ô-xy miễn phí ở Hà Nội nhằm phục vụ bệnh nhân Covid-19. Ảnh: Bảo ANH

Ưu tiên số một cho chữa bệnh

Tổng Giám đốc Công ty TNHH Air Water Việt Nam (doanh nghiệp chuyên sản xuất và phân tách khí) Naoki Miyoshi cho biết, với nhu cầu ô-xy tăng cao như hiện nay và các nhà máy sản xuất hầu như đều đang hoạt động hết công suất, nếu muốn tăng sản lượng ô-xy y tế chỉ có cách giảm sản lượng ô-xy công nghiệp. Trong khi đó, doanh nghiệp sản xuất khí như Air Water thường đã có hợp đồng cung cấp ô-xy cho các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp khác. Do đó, để tăng được sản lượng ô-xy y tế, đề nghị Bộ Công thương ban hành quy định hạn chế sử dụng ô-xy công nghiệp. Công ty cam kết sẽ huy động toàn lực sản xuất và cung cấp ô-xy cho bệnh viện và cơ sở y tế. Ðồng thời, bộ phận sản xuất và giao hàng của Air Water cũng có kế hoạch để không gián đoạn việc giao ô-xy y tế trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán tới.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, các hiệp hội, doanh nghiệp sản xuất-kinh doanh khí cần quán triệt tinh thần chỉ đạo của Chính phủ là tập trung sản xuất khí, đáp ứng cao nhất nhu cầu ô-xy cho điều trị bệnh nhân Covid-19, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán hay khi dịch lây lan mạnh. Phải xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm số một. Phát triển kinh tế cũng rất cần, nhưng điều trị bệnh nhân Covid-19 cần được ưu tiên trên hết. Bộ trưởng đề nghị các doanh nghiệp tăng năng lực sản xuất, vận chuyển, cung ứng ô-xy y tế; hạn chế xuất khẩu ô-xy trong thời điểm dịch diễn biến phức tạp. Khi có đơn đặt hàng, cần ưu tiên cho các địa phương có dịch, cơ sở y tế khám, chữa bệnh. Trong tình huống các doanh nghiệp có hợp đồng cung ứng cho cơ sở công nghiệp, Chính phủ và Bộ Công thương cũng sẽ can thiệp để nhường lại sản lượng ô-xy cần thiết cho chữa bệnh. Bên cạnh đó, dù tăng công suất, nhưng các doanh nghiệp vẫn cần tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất, bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm cũng như giá cả hợp lý. Mặt khác, các địa phương cũng cần chia sẻ lại với doanh nghiệp khi giá vận chuyển ô-xy đang tăng cao bằng cách ban hành cơ chế thanh toán thuận lợi...

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Ðức Ðam vừa có chỉ đạo về giải pháp cung ứng ô-xy phục vụ điều trị bệnh nhân Covid-19. Theo đó, trong trường hợp xét thấy cần thiết, nhằm bảo đảm ô-xy cho điều trị, Bộ Công thương quyết định áp dụng biện pháp tạm ngừng, hạn chế xuất khẩu ô-xy theo thẩm quyền và đúng quy định. Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an chỉ đạo và tạo điều kiện vận chuyển ô-xy y tế thuận lợi nhất, bảo đảm an toàn. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp Bộ Y tế, Bộ Công thương và các bộ liên quan sớm nghiên cứu, đề xuất cơ chế hỗ trợ giá ô-xy phù hợp đối với các cơ sở sản xuất, vận chuyển và sử dụng ô-xy cho y tế trong tình huống cấp bách theo đúng quy định.

NGUYỆT BẮC

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/y-te/bao-dam-nguon-cung-o-xy-dieu-tri-benh-nhan-covid-19-681528/