Báo chí đồng hành, đưa tín dụng chính sách đến dânBài 1: Nhiệm vụ kép

Giữa dòng chảy không ngừng của chính sách, báo chí như ống kính soi chiếu hiệu quả từ thực tiễn, là kênh chuyển tải tâm tư, nguyện vọng và nhu cầu chính đáng của người dân, đặc biệt là nhóm người yếu thế, từ đó góp phần xây dựng chính sách hoàn thiện, hiệu quả, thực sự đi vào đời sống Nhân dân. Ðiều này đặc biệt thấy rõ ở vai trò của báo chí đối với công tác truyền thông tín dụng chính sách thời gian qua.

Bài 1: Nhiệm vụ kép

Từ những bản tin đầu tiên phát sóng trên Ðài Phát thanh - Truyền hình Cà Mau vào cuối thập niên 90, cho tới các phóng sự điều tra xã hội chuyên sâu đăng trên báo Cà Mau những năm đầu 2000, báo chí đã cùng chính quyền thực hiện một nhiệm vụ kép là đưa chính sách đến với người dân và đưa tiếng nói người dân đến với người làm chính sách.

Song hành vì người yếu thế

Cách đây 26 năm, trên báo Cà Mau số 236, ngày 15/5/1999, bài báo nhan đề: “Nét mới trong tạo vốn và cho vay xóa đói, giảm nghèo” của Nhà báo Bùi Dương đã hé mở cánh cửa đầu tiên cho người dân Cà Mau biết đến một mô hình ngân hàng lạ lẫm: Ngân hàng Phục vụ người nghèo. Khi ấy, chưa ai hình dung được rằng, vài dòng tin ngắn ấy lại là bước khởi đầu cho cả một hành trình dài, nơi báo chí và tín dụng chính sách cùng song hành vì người yếu thế.

Chỉ trong 3 năm (1996-1999), Ngân hàng Phục vụ người nghèo Cà Mau đã cho vay gần 35,8 tỷ đồng, hỗ trợ hơn 34.470 lượt hộ nghèo thông qua 1.415 tổ tương trợ (nay là Tổ Tiết kiệm và Vay vốn) - một con số ấn tượng trong bối cảnh người dân còn chưa quen với khái niệm “vay mà không thế chấp”. Và báo chí chính là người bạn đầu tiên làm nhiệm vụ “giải mã” chính sách cho người nghèo.

Người dân giao dịch với NHCSXH Cái Nước, tại UBND xã Lương Thế Trân.

Người dân giao dịch với NHCSXH Cái Nước, tại UBND xã Lương Thế Trân.

Bài viết của Nhà báo Bùi Dương ghi nhận: “Chủ trương cho vay xóa đói, giảm nghèo đáp ứng đúng nguyện vọng của người nghèo, được sự đồng tình của các cấp chính quyền địa phương”. Những câu chữ tưởng đơn giản nhưng cho thấy được vai trò không thể thiếu của truyền thông trong việc “dẫn đường” cho một chính sách mới mẻ.

Không chỉ đưa tin kết quả đạt được, báo chí còn chỉ ra những bất cập như: bình xét chậm, xác định chưa đúng đối tượng vay, nhiều địa phương thiếu cán bộ chuyên trách, hộ nghèo không biết sử dụng vốn đúng mục đích... Chính từ phản ánh đó, nhiều chủ trương được điều chỉnh ra đời, trong đó có các đề xuất như: phân công cán bộ chuyên trách, minh bạch danh sách vay, gắn trách nhiệm hộ vay, tăng cường tuyên truyền về mục tiêu của chính sách tín dụng...

Ðầu những năm 2000, mô hình tín dụng chính sách từ Ngân hàng Phục vụ người nghèo bước đầu “bén rễ” tại các vùng trọng điểm nghèo như: U Minh, Năm Căn, Ngọc Hiển với mô hình tổ tương trợ.

Ðến năm 2003, khi hệ thống Ngân hàng NHCSXH được tái cấu trúc, TP Cà Mau (trước đây) được giao thí điểm ủy thác qua các hội, đoàn thể. Báo chí lúc này, ngoài việc đưa tin chính sách, còn bắt đầu theo sát từng mô hình vay vốn cụ thể, nhất là các mô hình phụ nữ vay vốn làm kinh tế.

Ðiển hình như năm 2013, báo Cà Mau có bài viết ghi nhận trường hợp hộ chị Lê Thị Ngọc Thí (Ấp 1, xã Tắc Vân) vay được 8 triệu đồng từ chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường, dùng để khoan cây nước, xây nhà vệ sinh. Câu chuyện nhỏ nhưng tạo hiệu ứng lan tỏa trong cộng đồng về hiệu quả thiết thực của tín dụng chính sách đối với đời sống người dân.

Hiện tại, ở tuổi 77, ông Ngô Văn Nhuận vẫn thường xuyên đi đến từng nhà trong Ấp 3, xã Ðá Bạc - địa bàn được giao, để tuyên truyền, kiểm tra tình hình trả nợ và tận tâm hướng dẫn bà con sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, hiệu quả. Ðây là công việc quen thuộc suốt hơn 20 năm qua của ông trong vai trò Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và Vay vốn (TK&VV).

Ông Nhuận kể, ông đi cùng cán bộ ngân hàng, đôi khi có cả phóng viên đài huyện hay phóng viên báo, đài tỉnh đi cùng để ghi nhận thực tế. Vài ngày sau, báo đăng bài, loa phát thanh, bà con đọc được, nghe hiểu ngay, không cần giải thích lại. “Trên báo viết rõ về lãi suất, hạn vay, mục đích...; còn loa xã phát đều đặn, nên bà con dù ít chữ nghĩa cũng nắm được, hiểu được”, ông tâm đắc.

Từng là trưởng ấp nhiều năm, ông Nguyễn Văn Lil, Tổ trưởng Tổ TK&VV ấp Bào Bèo (xã Lương Thế Trân), vẫn nhớ như in cách truyền thông chính sách thời trước. “Thời đó, loa truyền thanh là kênh thông tin chính. Các bản tin được phát trên loa xã, huyện, người dân nghe rõ ràng, biết được có chương trình vay vốn gì, xã nào được phân bổ, giải ngân cho ai. Nhờ vậy mà bà con chủ động tìm hiểu, đến tổ đăng ký vay”, ông Lil nhớ lại.

Ông Nguyễn Văn Lil, khẳng định: "Những bản tin ngắn gọn nhưng thiết thực đã trở thành cầu nối đưa chính sách đến từng hộ dân".

Ông Nguyễn Văn Lil, khẳng định: "Những bản tin ngắn gọn nhưng thiết thực đã trở thành cầu nối đưa chính sách đến từng hộ dân".

Chính sách không thể nằm yên trên giấy hay chờ dân tự đến hỏi, mà phải đi được tới tận nhà. Một bản tin dán ở chợ, một chương trình phát qua hệ thống loa, rồi được kể lại trong các buổi họp tổ, tất cả tạo thành mạng lưới truyền thông thô sơ mà hiệu quả bất ngờ" , ông Phạm Công Kha, Phó Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH Cái Nước, chia sẻ.

Có thể nói, những bản tin ngắn gọn nhưng thiết thực đã trở thành cầu nối đưa chính sách đến từng hộ dân, nhất là những gia đình nghèo, cận nghèo - nhóm dễ bị bỏ lại nếu chỉ trông chờ vào dán thông báo văn bản hành chính khô khan.

Như trường hợp hộ bà Thạch Thị Hường, dân tộc Khmer, ở ấp Tân Ðiền B, xã Thanh Tùng. Bà chia sẻ, khi nghe bản tin phát thanh xã thông báo có chương trình cho vay xây nhà và vốn làm ăn, bà tìm đến tổ TK&VV, được tư vấn và làm hồ sơ. Sau đó, bà vay được 40 triệu đồng. Nhờ đồng vốn này, từ hộ nghèo, bà dần có nhà cửa rộng rãi, đầu tư nuôi heo, buôn bán nhỏ, có thu nhập trang trải cuộc sống.

Nhờ đồng vốn vay tín dụng chính sách, bà Thạch Thị Hường đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế, cuộc sống ngày càng ổn định.

Nhờ đồng vốn vay tín dụng chính sách, bà Thạch Thị Hường đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế, cuộc sống ngày càng ổn định.

Cầu nối hai chiều

Ở cơ sở, loa phát thanh xã là cánh tay nối dài quan trọng trong truyền thông chính sách. Chương trình tin được phát 3-5 lần/ngày, đều có lịch phát tin chính sách định kỳ vào khung giờ người dân dễ có thời gian đón nghe, đó là vào sáng sớm và chiều tối. Bên cạnh đó là bản tin dán tại chợ, tuyên truyền khi họp tổ vay vốn. Những thông điệp như: “Vay vốn đi học nghề”, “Vay sửa nhà trước mùa mưa”... ngắn, dễ nhớ, dễ thấm sâu vào cộng đồng.

Anh Lê Chí Hiểu, phụ trách phát thanh tại UBND xã Tân Ân, chia sẻ: "Làm báo ở địa bàn vùng sâu, chúng tôi hiểu rõ rằng, để bà con nghèo, ít chữ hiểu được chính sách vay vốn thì phải nói sao cho gần gũi, dễ nghe, dễ nhớ".

Tại Cà Mau, giữa cơ quan báo chí và NHCSXH luôn có mối quan hệ phối hợp chặt chẽ. Phóng viên Báo Cà Mau, Ðài Phát thanh - Truyền hình tỉnh ngày trước (nay là Báo và Phát thanh, Truyền hình Cà Mau) thường xuyên đồng hành cùng tổ TK&VV về tận các xã vùng sâu. Các phóng viên không ngại vất vả, trực tiếp thâm nhập địa bàn, tác nghiệp ghi hình, viết bài với mong muốn góp phần đưa chính sách đến gần hơn với người dân. Những tuyến bài, phóng sự như: “Nguồn vốn nhỏ, thay đổi lớn” (Hồng Phượng), “Vốn chính sách về xã bãi ngang” (Việt Mỹ), hay “Thoát nghèo nhờ vốn chính sách” (Thùy Mỵ)... đã trở thành một phần của truyền thông chính sách. Qua câu chữ, hình ảnh, giọng đọc... chính sách được chuyển tải sinh động, dễ hiểu. Mỗi bài báo là một cách kể khác về hành trình mang vốn đến đối tượng chính sách bằng câu chuyện thật, con người thật, đầy sức thuyết phục.

Không đơn thuần chỉ là phản ánh, báo chí còn mang tiếng nói phản biện với cơ quan chức năng, góp phần đưa chính sách đến đúng người, đúng lúc, đúng cách.

Nhà báo Hồng Nhung (phóng viên Báo và Phát thanh, Truyền hình Cà Mau) từng viết bài phản ánh tình trạng thủ tục vay vốn gây khó cho người dân ở địa phương. Từ bài báo này, lãnh đạo NHCSXH ghi nhận thực tế đúng, kịp thời xem xét, chỉnh sửa quy trình, tạo thuận lợi nhất cho người dân tiếp cận đồng vốn vay ưu đãi theo quy định.

Giai đoạn 5 năm gần đây (2019-2024), tín dụng chính sách tại Cà Mau bước vào giai đoạn mới với nhiều thách thức như: dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, sạt lở ven biển, lao động thất nghiệp tăng... NHCSXH tỉnh Cà Mau đã chủ động triển khai nhiều chương trình cho vay ưu đãi đối với hộ cận nghèo, hộ bị ảnh hưởng bởi thiên tai, người hồi hương và thanh niên lập nghiệp. Báo chí địa phương tiếp tục là cầu nối hiệu quả khi đồng hành trong các chiến dịch truyền thông về chương trình cho vay vốn học sinh, sinh viên, chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường, hỗ trợ xây dựng nhà ở xã hội...

Tôi có nhiều năm công tác tại các đơn vị NHCSXH. Qua từng giai đoạn, tôi nhận thấy báo chí không đơn thuần là kênh thông tin truyền tải chính sách, mà còn như chiếc cầu nối hai chiều giữa NHCSXH và người dân. Nhờ phản ánh từ các bài báo, chúng tôi có thêm kênh lắng nghe, kịp thời điều chỉnh cách tiếp cận, rút ngắn thời gian giải ngân và hạn chế tối đa tình trạng bỏ sót đối tượng thụ hưởng”, ông Dương Thế Hào, Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH Trần Văn Thời, chia sẻ.

Hồng Phượng - Việt Mỹ

Bài cuối: Đồng hành chuyển đổi số

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/bao-chi-dong-hanh-dua-tin-dung-chinh-sach-den-dan-a40069.html