Báo cáo án điện tử trong thời đại công nghệ 4.0

Tại Chỉ thị số 05/CT-VKSTC ngày 27/4/2020 của Viện trưởng VKSND tối cao về tăng cường trách nhiệm công tố trong giải quyết các vụ án hình sự, đã đề ra nhiệm vụ cụ thể của VKSND các cấp phải tăng cường đổi mới, nâng cao trách nhiệm công tố trong giải quyết các vụ án hình sự, bảo đảm việc truy cứu trách nhiệm hình sự đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm.

Để tăng cường trách nhiệm công tố trong giải quyết các vụ án hình sự, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới, việc tăng cường áp dụng công nghệ thông tin vào phục vụ hoạt động thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ngành trong tình hình mới, là rất cần thiết.

Hiện ngành Kiểm sát đang thực hiện chủ trương “Số hóa hồ sơ” các vụ án hình sự, công bố tài liệu, chứng cứ tại phiên tòa (từ đầu năm 2020 đến nay, VKSND huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai đã thực hiện số hóa 24 hồ sơ vụ án hình sự từ giai đoạn giải quyết tin báo, tố giác tội phạm ), bước đầu mang lại những hiệu quả tích cực. Nhận thấy được hiệu quả to lớn đó, tôi xin mạnh dạn đề xuất việc ứng dụng công nghệ thông tin vào việc báo cáo án của Kiểm sát viên (KSV) trong các giai đoạn tố tụng.

Kiểm sát viên thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại một phiên tòa “số hóa hồ sơ” vụ án hình sự.

Những khó khăn trong báo cáo án theo cách thông thường

Theo cách thông thường, sau khi nghiên cứu xong hồ sơ vụ án, KSV phải đăng ký báo cáo án với lãnh đạo Viện, việc báo cáo phải dựa trên kết quả nghiên cứu và phải bằng văn bản (có thể với tiêu đề: Phiếu đề xuất, bản báo cáo án...).

Cách trình bày báo cáo án được áp dụng theo mẫu thống nhất của VKSND tối cao. Báo cáo án được áp dụng trong nhiều trường hợp như: báo cáo phê chuẩn lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, gia hạn tạm giữ, báo cáo phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, phê chuẩn việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn, các biện pháp cưỡng chế, áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt, báo cáo xin đường lối xét xử, báo cáo đề xuất kháng nghị và các trường hợp báo cáo án khác.

Đối với nhiều vụ án có tính chất phức tạp, quy mô lớn, nhiều bị can, giữa các bị can cũng như giữa bị can với những người tham gia tố tụng khác có sự mâu thuẫn về lời khai, có bị can không nhận tội,... nếu sử dụng phương pháp nghiên cứu, báo cáo án bằng cách trích dẫn các tài liệu theo cách thông thường sẽ mất rất nhiều thời gian, công sức, khó phát hiện vi phạm của cơ quan tư pháp. Ngoài ra, việc để lãnh đạo nghiên cứu hồ sơ vụ án, chỉ đạo điều hành phải mang hồ sơ chuyển giao qua lại, dễ gây thất thoát tài liệu (những hồ sơ lên tới hàng vài chục ngàn bút lục thì việc cung cấp, chuyển giao hồ sơ rất khó thực hiện)…

Hiệu quả mang lại khi thực hiện “báo cáo án điện tử”

Trong quá trình đơn vị thực hiện “Số hóa hồ sơ” các vụ án hình sự, công bố tài liệu, chứng cứ tại phiên tòa, tại VKSND huyện Kông Chro (Gia Lai) tôi nhận thấy, nếu áp dụng “báo cáo án điện tử” vào việc thực hiện “Số hóa hồ sơ” các vụ án hình sự ngay từ đầu thì phương pháp này mang lại hiệu quả rất cao, có nhiều ưu điểm như: thuận lợi cho quá trình nghiên cứu, khai thác hồ sơ của KSV, giúp KSV chủ động và linh hoạt hơn trong quá trình báo cáo án, tham gia thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, truy tố, xét xử, nên được xem xét để đưa vào áp dụng chính thức, nhất là đối với các vụ án phức tạp, có đông bị cáo, bị cáo có biểu hiện quanh co, chối tội hoặc từ chối khai báo tại phiên tòa,…

Kiểm sát viên thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại một phiên tòa “số hóa hồ sơ” vụ án hình sự.

Việc báo cáo án điện tử cũng như báo cáo án thông thường của KSV trong quá trình giải quyết vụ án hình sự được thực hiện thường xuyên, với phương thức chủ yếu bằng phương pháp trực quan, sinh động bằng hình ảnh, lời nói tới tất cả mọi người nghe báo cáo (thường là lãnh đạo Viện). Điểm khác nhau cơ bản của báo cáo án điện tử với báo cáo thông thường là ngoài báo cáo bằng văn bản, KSV sẽ phải trình chiếu những chứng cứ điện tử trực tiếp cho lãnh đạo Viện xem. Báo cáo án điện tử có thể được thực hiện khi báo cáo phê chuẩn lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, gia hạn tạm giữ, báo cáo về quyết định khởi tố vụ án hình sự, phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, phê chuẩn việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn, các biện pháp cưỡng chế, áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt, báo cáo xin đường lối xét xử, báo cáo đề xuất kháng nghị và các trường hợp báo cáo án khác. Khi báo cáo án điện tử, tùy theo tính chất, nội dung báo cáo mà KSV có những kỹ năng, thao tác khác nhau, nhưng phải bảo đảm thực hiện các kỹ năng nghiệp vụ cơ bản sau:

Xây dựng báo cáo đề xuất điện tử

Báo cáo, đề xuất điện tử của KSV phải được xây dựng bằng văn bản theo mẫu thống nhất của ngành Kiểm sát, được ban hành kèm theo quy chế của Ngành (xây dựng trên nền tảng Word). Trong văn bản báo cáo, đề xuất điện tử, ngoài việc ghi đầy đủ các cột, mục, thời gian, địa điểm, nội dung báo cáo và đề xuất quan điểm xử lý, giải quyết của mình, KSV phải đính kèm (Hyperlink) các thông tin như: Lý lịch người vi phạm, phạm tội; chứng cứ thể hiện thời gian, địa điểm xảy ra hành vi, sự việc vi phạm, phạm tội; hành vi vi phạm, phạm tội; công cụ, phương tiện, âm mưu, thủ đoạn, động cơ, mục đích của tội phạm, người phạm tội; hậu quả của tội phạm, lý lịch người bị hại, cơ quan, tổ chức bị thiệt hại..; các quyết định tố tụng đã được áp dụng, hành vi vi phạm, phạm tội đã được quy định tại điều, khoản, điểm nào của luật, Bộ luật; biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật; những mâu thuẫn, thiếu sót, vi phạm còn tồn tại trong hồ sơ; quan điểm, ý kiến của Viện kiểm sát cấp trên (nếu có). Trên cơ sở đó, KSV đề xuất đường lối, quan điểm, biện pháp giải quyết cụ thể để lãnh đạo Viện quyết định, phê duyệt.

Cách trình bày báo cáo đề xuất điện tử

Khi báo cáo án điện tử, KSV không cần mang theo hồ sơ, tài liệu vụ việc, mà chỉ cần mang USB đã lưu trữ bản báo cáo, đề xuất điện tử, bản báo cáo đề xuất giấy, dự thảo các văn bản, quyết định tố tụng. KSV báo cáo bằng lời nói trực tiếp, rõ ràng, mạch lạc, có hệ thống về nội dung vụ việc như đã phân tích ở phần trên (khi dẫn chứng tới đâu có thể trình chiếu dữ liệu điện tử tới đó), đề xuất đường lối, quan điểm, biện pháp giải quyết thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát. Tùy theo tính chất của từng vụ án, KSV có cách báo cáo đề xuất điện tử phù hợp.

Tập trung báo cáo những vấn đề chính cần phải giải quyết đối với vụ án, đặc biệt là những vụ án có vướng mắc, những vướng mắc ở vấn đề nào: chứng cứ, tội danh, điều, khoản áp dụng,... thì phải báo cáo kỹ (đặt biệt, phải phân tích, trình chiếu các chứng cứ điện tử). Cũng tùy theo đặc điểm của từng vụ án để có cách báo cáo. Ví dụ: Những vụ án vi phạm các quy định về an toàn giao thông, khi báo cáo cần trình chiếu nội dung vụ án như sơ đồ khám nghiệm hiện trường để xác định lỗi; những vụ án gây rối trật tự công cộng cần phân chia bị can theo các nhóm để trình chiếu những lời khai, video xác định hành vi, hậu quả, vai trò của từng bị can...

Đối với báo cáo án xét xử: Trước khi tham gia phiên tòa xét xử sơ thẩm, KSV (hoặc cùng với lãnh đạo đơn vị) phải báo cáo với Viện trưởng hoặc Phó Viện trưởng được phân công về kết quả nghiên cứu hồ sơ vụ án, về quan điểm giải quyết vụ án tại phiên tòa xét xử sơ thẩm, khi báo cáo, KSV phải trình chiếu những chứng cứ điện tử để giải quyết được những mâu thuẫn, bảo vệ được báo cáo đề xuất của mình khi lãnh đạo Viện yêu cầu như hệ thống chứng cứ xác định có tội, chứng cứ xác định vô tội, các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, những mâu thuẫn của các tài liệu, chứng cứ (nếu có), phương án giải quyết, kiến nghị vi phạm trong hoạt động tư pháp (nếu có), nội dung khiếu nại, quan điểm của Viện kiểm sát đã giải quyết vụ án (nếu có), ý kiến của Viện kiểm sát cấp trên (nếu có), đề xuất đường lối giải quyết vụ án, áp dụng tội danh, điểm, khoản, điều, các biện pháp tư pháp, việc xử lý vật chứng, tài sản, tài liệu, đồ vật liên quan, biện pháp bảo vệ, biện pháp cưỡng chế, thu hồi tài sản, khắc phục hậu quả…

Sau khi lãnh đạo Viện nhất trí với báo cáo án điện tử thì lãnh đạo Viện phải phê duyệt cụ thể vào báo cáo kết quả nghiên cứu hồ sơ vụ án của KSV (báo cáo giấy). Việc báo cáo án của Kiểm sát viên cụ thể, chính xác, trung thực sẽ giúp cho lãnh đạo Viện xem xét, quyết định về việc xử lý vụ án được đúng đắn.

Với phương thức, cách làm như trên, chúng ta có thể nhận thấy nếu mỗi giai đoạn tố tụng mà VKS tham gia đều xây dựng báo cáo án điện tử thì sẽ có sự tương trợ, bổ sung lẫn nhau rất hiệu quả, cùng hướng đến mục đích chung là không bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, pháp nhân phạm tội, cũng như không làm oan người vô tội. Giai đoạn khởi tố, điều tra mà VKS thực hiện tốt sẽ là tiền đề cho giai đoạn truy tố được chắc chắn, là cơ sở cho hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử. Như vậy, mỗi giai đoạn tố tụng mà VKS thực hiện báo cáo án điện tử đều là một mắt xích trong chuỗi tố tụng hình sự, nếu xây dựng được báo cáo án điện tử trong mỗi giai đoạn tố tụng thì quá trình (chuỗi) tố tụng hình sự sẽ được củng cố, nâng cao, cho “Số hóa hồ sơ vụ án”, công bố chứng cứ, hình ảnh tại phiên tòa, bảo đảm để VKSND thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố trong tố tụng hình sự.

Chẳng hạn như, khi nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa sơ thẩm sẽ có tác động tích cực đến hoạt động của VKS trong giai đoạn điều tra ở chỗ, nó trở thành mục đích hoạt động của VKS trong giai đoạn này. Để có thể tự tin tranh tụng một cách bình đẳng với bên bào chữa, VKS không thể dễ dàng, qua loa với Cơ quan điều tra (CQĐT) về kết quả của hoạt động điều tra. Bởi nếu thiếu tinh thần trách nhiệm hay dễ dãi, qua loa đối với việc tuân thủ nghiêm quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự trong quá trình điều tra của CQĐT, tại phiên tòa sơ thẩm, đại diện VKS sẽ không thể tranh tụng hiệu quả và khi đó, sẽ có nguy cơ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của ngành Kiểm sát và uy tín của chính cá nhân KSV thụ lý vụ án.

Hiệu quả của cuộc họp “3 ngành không giấy”

Mới đây, VKSND huyện Kông Chro (Gia Lai) đã nghiên cứu và có sáng kiến “Cuộc họp 3 ngành không giấy”. Theo đó, việc tổ chức các cuộc họp 3 ngành (Công an, Viện kiểm sát, Tòa án) đã được đổi mới, thực hiện trình chiếu các tài liệu phục vụ cuộc họp bằng hình ảnh, video đã được số hóa. Các tài liệu phục vụ cuộc họp được truy xuất, đưa ra xem xét một cách nhanh chóng mà không cần phải tìm tài liệu trong hồ sơ giấy như cách thông thường, phục vụ kịp thời việc nghiên cứu, thảo luận, phân tích, đánh giá các nội dung cần bàn tại cuộc họp.

Sáng kiến này của VKSND huyện Kông Chro được các ngành tư pháp của địa phương đánh giá cao, giúp tiết kiệm, nhanh chóng, hiệu quả trong giải quyết vụ án, vụ việc.

Lê Xuân Quang

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/cai-cach-tu-phap/thuc-tien-kinh-nghiem/bao-cao-an-dien-tu-trong-thoi-dai-cong-nghe-4-0-95689.html