Bánh cống Cần Thơ dân dã, béo ngậy ăn một lần nhớ mãi

Đến Cần Thơ, trong nhiều món đặc sản thì bánh cống là món quà vặt dân dã lại rẻ ngon, ăn một lần là nhớ mãi.

Đầu tiên phải nói đến tên gọi "bánh cống" khiến không ít người thắc mắc. Sở dĩ có tên gọi này chính là bắt nguồn từ dụng cụ làm bánh. Khuôn bánh hay chiếc cống có hình dáng hơi giống phin cà phê, có tay cầm như muôi múc canh. Ngày xưa cống được đẽo từ thân cây tre, sau này cống được làm bằng nhôm để bánh to hơn, bền hơn.

Bột làm bánh gồm gạo tẻ, gạo nếp và bột mì. Trong đó 3 phần gạo tẻ, 1 phần gạo nếp ngâm với nước muối loãng qua đêm cho gạo mềm rồi xay thành bột. Bột sau khi xay được vắt cho ráo nước đem trộn với 1/3 bột mì, thêm nước và hành lá cắt nhỏ.

Nhân bánh gồm đậu xanh đãi vỏ để nguyên hạt nấu chín, thịt lợn băm nhuyễn xào chín được trộn chung với nhau và không thể thiếu tôm đã được rửa sạch, bỏ râu.

(Ảnh: foody)

Để rán bánh cống, người ta phải chuẩn bị chảo rán cho dầu ngập chiếc cống. Chờ dầu sôi, cho bột vào cống, thêm thìa đậu xanh, thịt băm làm nhân bánh rồi thêm lớp bột nữa và cuối cùng là tôm ở trên. Chiếc cống được nhúng vào chảo, ngập trong dầu nóng nên giòn từ trong ra ngoài. vỏ bánh vàng rộm, tôm chín đỏ nhìn rất bắt mắt.

Bánh cống giòn thơm ăn cùng nước mắm pha chua ngọt, rau diếp cá, đọt xoài và xà lách... ngon tuyệt. Thế nên ai đã từng ăn món bánh dân dã, béo ngậy này một lần sẽ nhớ mãi cái hương vị của đậu xanh, của thịt của tôm hòa lẫn với nhau, ngon đến lạ.

Thái Chi / MASK (Tổng hợp)

Nguồn ĐẹpPlus: http://depplus.vn/229/banh-cong-can-tho-dan-da-beo-ngay-an-mot-lan-nho-mai-61866