Bản tin sáng VietNamNet (27/4/2021)

Việt Nam sắp có vắc xin ngừa Covid-19 đầu tiên. Vỡ trận vì Covid-19, Ấn Độ sống trong địa ngục trần gian. Kiatisuk và HAGL thâu tóm các giải thưởng V-League.

Bản tin sáng VietNamNet (27/4/2021)

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc. Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu người dân đeo khẩu trang. Việt Nam sắp có vắc xin ngừa Covid-19 đầu tiên. Vỡ trận vì Covid-19, Ấn Độ sống trong địa ngục trần gian. Myanmar lại hoãn phiên xử bà Aung San Suu Kyi. Kiatisuk và HAGL thâu tóm các giải thưởng V-League.

***

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc

Sáng 26/4, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp Thượng tướng Ngụy Phượng Hòa, Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc dẫn đầu đoàn đại biểu quân sự cấp cao nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa sang thăm chính thức Việt Nam. Chủ tịch nước hoan nghênh chuyến thăm Việt Nam của Thượng tướng Ngụy Phượng Hòa; tin tưởng chuyến thăm sẽ đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Trung Quốc. Chủ tịch nước cũng bày tỏ vui mừng vì chuyến thăm đã để lại nhiều ấn tượng giao lưu sâu sắc, thắm tình đồng chí, anh em giữa quân đội và nhân dân hai nước.

***

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu người dân đeo khẩu trang

Thủ tướng Phạm Minh Chính sáng 26/4 đã chủ trì cuộc họp về công tác phòng, chống dịch Covid-19. Theo Thủ tướng, dịch bệnh Covid-19 trên thế giới hiện đang rất phức tạp, trong đó có một số nước láng giềng có chung đường biên giới phía Tây Nam. Trong nước đang tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại rất cao. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, đơn vị và từng người dân tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, nêu cao ý thức và trách nhiệm vì sức khỏe cộng đồng và cá nhân, tập trung thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. Từng cá nhân thực hiện nghiêm yêu cầu 5K, đặc biệt là đeo khẩu trang. Kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định.

***

Bộ trưởng Y tế lưu ý Cần Thơ phải rà soát lại kịch bản phòng, chống Covid-19

Chiều 26/4, đoàn công tác của Bộ Y tế do Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long dẫn đầu đã có buổi làm việc với UBND TP Cần Thơ. Bộ trưởng lưu ý, khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là TP Cần Thơ, là nơi trọng điểm - đầu mối giao thông cho cả khu vực, lượng người đi qua thành phố rất lớn, đặc biệt trong dịp lễ 30/4 – 1/5. Bộ trưởng đề nghị, Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 của TP Cần Thơ phải đặc biệt lưu ý trong vấn đề chỉ đạo, triển khai các biện pháp phòng chống dịch theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Phải tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân không được chủ quan, mất cảnh giác với dịch. TP Cần Thơ phải rà soát lại tất cả các kịch bản phòng, chống dịch.

***

Người trở về Hà Nội sau dịp nghỉ lễ 30/4 phải khai báo y tế

Chiều 26/4, tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng lưu ý nguy cơ dịch bệnh bùng phát sau dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5 là rất cao, do đó yêu cầu hạn chế tổ chức các sự kiện nếu không cần thiết trong dịp này, đặc biệt là các sự kiện tập trung đông người. Nếu tổ chức phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Đặc biệt, Phó Chủ tịch TP yêu cầu các đơn vị, địa phương phải rà soát, nắm số lượng các trường hợp tạm trú, tạm vắng, trở về TP sau dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5, xử lý nghiêm các trường hợp không khai báo y tế.

***

An Giang căng mình lập ‘hàng rào’ chống dịch Covid-19

Ngày 26/4, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn có mặt tại tỉnh An Giang kiểm tra công tác quản lý nhập cảnh, cách ly, giám sát y tế và triển khai tiêm phòng vắc xin. An Giang đang là một trong những khu vực “nóng” nhất cả nước. Theo ông Lê Văn Phước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, địa phương có biên giới đường bộ dài gần 100km với nhiều đường mòn lối mở, bến đò ngang nên việc kiểm soát người nhập cảnh trái phép gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, 2 tỉnh Takeo và Kandal (Campuchia) có biên giới giáp An Giang có hàng trăm ca mắc. Lãnh đạo tỉnh xác định, nguy cơ dịch bệnh lan vào An Giang rất lớn, vì vậy một trong những nhiệm vụ ưu tiên nhất hiện nay là giữ vững biên giới, giữ vững “hàng rào” chống dịch.

***

Bộ Văn hóa yêu cầu siết chặt chống dịch tại các sự kiện văn hóa, giải trí

Trước thềm các ngày lễ lớn 30/4 – 1/5, khi nhu cầu di chuyển cũng như tham gia các hoạt động giải trí của người dân tăng cao, Bộ VHTTDL ngày 26/4 đã gửi công văn tới các tỉnh, thành phố yêu cầu phối hợp chỉ đạo tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch. Xem xét hạn chế các sự kiện, hoạt động tập trung đông người không cần thiết; trường hợp tổ chức, phải thực hiện nghiêm các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch theo đúng quy định. Các địa phương báo cáo kết quả về Bộ VHTTDL (qua Cục Văn hóa cơ sở) trước ngày 10/5/2021.

***

Việt Nam sắp có vắc xin ngừa Covid-19 đầu tiên

Trong ngày 26/4, nhóm nghiên cứu sẽ báo cáo kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 vắc xin ngừa Covid-19 Nanocovax. Giai đoạn 2 đã thử nghiệm từ ngày 26/2 – 8/4 trên 554 tình nguyện viên. Bước đầu, nhóm nghiên cứu đánh giá vắc xin an toàn và hiệu quả với biến thể Anh, biến thể Nam Phi chưa thử nghiệm. 100% người tiêm đều sinh miễn dịch ở các mức độ khác nhau. Dự kiến giai đoạn 3 sẽ bắt đầu từ ngày 5/5 thử nghiệm trên 10.000 - 15.000 người bao gồm cả ở nước ngoài như Ấn Độ, Indonesia,.. Nếu thuận lợi, đến cuối tháng 9, thử nghiệm giai đoạn 3 sẽ hoàn tất, khi đó Việt Nam có thể sản xuất vắc xin ngừa Covid-19 đầu tiên.

***

TP.HCM, Quảng Ninh không bắn pháo hoa dịp 30/4 và 1/5

Ngày 26/4, TP.HCM và Quảng Ninh đã quyết định không bắn pháo hoa dịp 30/4, tránh tập trung đông người và đảm bảo công tác phòng chống dịch trong bối cảnh dịch Covid-19 đang bùng phát mạnh tại một số nước láng giềng. Lãnh đạo các địa phương cũng yêu cầu tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo quy định. Sẵn sàng các kịch bản ứng phó nếu có dịch bùng phát trở lại nhằm đảm bảo duy trì mục tiêu kép phòng chống dịch gắn với phát triển kinh tế - xã hội.

***

Bộ Ngoại giao sẵn sàng hỗ trợ 100 công dân Việt Nam ở Ấn Độ

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết, Việt Nam sẵn sàng các biện pháp bảo hộ công dân cần thiết ở Ấn Độ. Thời gian dịch covid-19 bùng phát ở Ấn độ, các hãng hàng không đã tổ chức các chuyến bay đưa gần 1.000 công dân Việt Nam về nước an toàn, hiện còn khoảng 100 công dân Việt Nam đang ở lại Ấn Độ. Các cơ quan đại diện Việt Nam tại Ấn Độ đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong nước và Ấn Độ theo dõi sát tình hình dịch bệnh, duy trì kênh liên lạc với công dân Việt Nam và sẵn sàng các biện pháp hỗ trợ cần thiết.

***

Hà Nội, Hà Tĩnh dẫn đầu cả nước về thi học sinh giỏi quốc gia

Theo Bộ GD-ĐT, ở kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm 2021, có 1.355 học sinh đoạt các giải Nhất, Nhì, Ba. Hà Nội là địa phương có số lượng học sinh đạt các giải này nhiều nhất với 106 học sinh (11 giải Nhất, 45 giải Nhì và 50 giải Ba). Hà Tĩnh là địa phương xếp thứ hai với 76 học sinh. Trong khi đó, Vĩnh Phúc có 61 học sinh, Hải Phòng có 60 học sinh, Nghệ An 59 học sinh, Hải Dương có 53 học sinh, Bắc Ninh có 47 học sinh, TP.HCM có 31 học sinh đạt các giải Nhất, Nhì, Ba.

***

Bộ TT&TT ban hành bộ giải pháp công nghệ phòng, chống và truy vết Covid-19

Để đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch Covid-19, Bộ TT&TT ban hành tài liệu “Hướng dẫn sử dụng bộ giải pháp hỗ trợ phòng, chống và truy vết Covid-19 trong cộng đồng”. Đây là bộ công cụ giúp xã hội có thể duy trì trạng thái bình thường mới, là sự kết hợp của các biện pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng, các giải pháp công nghệ (được đẩy mạnh) và các biện pháp hành chính của chính quyền. Bộ giải pháp bao gồm Bluezone, NCOVI, khai báo y tế cho người nhập cảnh, hệ thống ghi nhân người đến, đi các địa điểm công cộng (thông qua quét mã QR) và cuối cùng là hệ thống bản đồ chống dịch an toàn Covid-19.

***

Amazon và Google chi tiền khủng để "vận động hành lang" các chính trị gia

Theo một báo cáo từ hãng tin Bloomberg, Amazon và Google là hai hãng đã chi ra số tiền lớn nhất để "vận động hành lang" Quốc hội Mỹ và các chính trị gia, trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 3 năm nay, với tổng số tiền mà 2 công ty này đã chi ra để "vận động hành lang" là 7,5 triệu USD, trong đó số tiền mà Amazon chi ra là 4,8 triệu USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái và Google là 2,7 triệu USD, tăng gần 50% so với quý I/2020. Hiện các hãng công nghệ lớn đang là mục tiêu nhắm đến của các nhà lập pháp tại Mỹ nhằm giảm bớt quyền lực của họ.

***

Ba lần EU ‘xuống tay’ với Google

Google đối mặt với nhiều thách thức pháp lý trên toàn cầu, đặc biệt tại châu Âu. Ủy ban Châu Âu (EC) đã phạt gã khổng lồ này hàng tỷ USD trong ba vụ kiện khác nhau và Google đều kháng cáo. Cụ thể từ năm 2010, EU mở ba cuộc điều tra chống độc quyền khác nhau nhằm vào Google, liên quan tới Google Shopping, Google AdSense và Android, dẫn đến ba án phạt gần 10 tỷ USD. Đồng thời, Google phải điều chỉnh hành vi nhằm tuân thủ yêu cầu của nhà chức trách.

***

Myanmar lại hoãn phiên xử bà Aung San Suu Kyi

Trang tin CNA, dẫn lời luật sư Min Min Soe của bà Aung San Suu Kyi, cho biết sau phiên điều trần hôm 26/4, phiên xét xử tiếp theo của cựu Cố vấn nhà nước cao cấp Myanmar tiếp tục bị trì hoãn đến tận ngày 10/5. Vị luật sư cũng nói rằng đã 12 tuần trôi qua kể từ thời điểm bà Suu Kyi bị bắt giam, nhưng đến nay, đội ngũ pháp lý của bà vẫn chưa được phép gặp mặt trực tiếp thân chủ của mình. Điều này gây khó khăn đối với các hoạt động pháp lý của họ.

***

Hãng bay Trung Quốc ngừng chở vật tư y tế đến Ấn Độ

Theo trang tin PTI, trong một bức thư gửi tới các đại lý hôm 26/4, công ty vận tải hàng không Sichuan Chuanhang, trực thuộc hãng Sichuan Airlines, cho biết đã đình chỉ mọi chuyến bay chở hàng trên 6 tuyến bay tới Ấn Độ, trong đó tuyến Tây An - New Delhi, trong bối cảnh quốc gia Nam Á đang nỗ lực nhập khẩu máy tạo oxy từ Trung Quốc để đối phó làn sóng lây nhiễm Covid-19. Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên, trong một cuộc họp báo hôm 23/4, cho biết Bắc Kinh vẫn đang liên lạc với New Dehli để có thể cung cấp, hỗ trợ vật tư cần thiết nhằm ứng phó với đại dịch.

***

Vỡ trận vì Covid-19, Ấn Độ sống trong địa ngục trần gian

Theo Worldometers, số ca nhiễm virus corona chủng mới ở Ấn Độ trong vòng 24 giờ qua là 354.531 người, nâng tổng số ca bệnh trên toàn quốc lên hơn 17,3 triệu. Số trường hợp tử vong vì dịch đã lên tới 195.116 người, tăng 2.806 ca so với một ngày trước đó. Các lò hỏa táng và nghĩa địa khắp Ấn Độ rơi vào cảnh quá tải bởi "sóng thần" Covid-19 đang xé toạc đất nước này với tốc độ kinh hoàng. Với nguồn cung cấp oxy y tế thiếu hụt, các gia đình đành phải tự đưa người thân nhiễm virus đi "gõ cửa" từng bệnh viện với hy vọng còn chỗ trống. Và có bệnh viện đã phải rút ống thở của bệnh nhân già không có tiến triển (được sự đồng ý của gia đình bệnh nhân) để cứu người trẻ.

***

Thêm quan chức chết vì Covid-19, Campuchia duy trì phong tỏa nhiều nơi

Theo Thời báo Khmer sáng 26/4, Chủ tịch Hội đồng thương mại Campuchia-Malaysia (MBCC), ông Teh Sing đã qua đời sau một thời gian chống chọi với Covid-19. Ông Teh Sing là một trong những người sáng lập MBCC từ năm 1997, và ông đã thực hiện vai trò xuất sắc trong công cuộc đưa các doanh nghiệp Malaysia tới phát triển và làm ăn tại Campuchia. Trước đó, do số ca nhiễm theo ngày tăng cao, Campuchia hôm 25/4 thông báo lệnh phong tỏa sẽ vẫn được duy trì tại thủ đô Phnom Penh, thủ phủ Sihanoukville (Preah Sihanouk), thành phố Takhmao (Kandal) và thành phố Poipet (Banteay Meanchey) cùng những làng xã, cộng đồng dân cư sinh sống xung quanh các đô thị trên.

***

Thủy thủ tàu ngầm Indonesia vui vẻ đàn hát trước khi gặp nạn

Theo báo Jakarta Post, đoạn video thủy thủ tàu ngầm KRI Nanggala 402 vui vẻ ca hát cùng nhau được quay vài tuần trước thời điểm tàu gặp nạn khiến nhiều người không khỏi xúc động. Trong video, một số thành viên trong đoàn thủy thủ 53 người của tàu ngầm đã đồng thanh hát bài "Sampai Jumpa", một ca khúc nổi tiếng ở Indonesia, có nghĩa là "Tạm biệt". Chỉ huy tàu ngầm Heri Oktavian chơi guitar giữa các thủy thủ của mình. Djawara Whimbo, người phát ngôn quân đội Indonesia, cho biết đoạn video được quay lại như lời tạm biệt dành cho vị chỉ huy sắp mãn nhiệm của lực lượng tàu ngầm thuộc Hải quân Indonesia. Người kế nhiệm ông đã nhậm chức vào đầu tháng 3 này.

***

Kiatisuk và HAGL thâu tóm các giải thưởng V-League

Sau khi thâu tóm gần như toàn bộ các giải thưởng LS V-League trong tháng 1 và 3, một lần nữa HAGL lại được xướng tên ở các giải thưởng tháng 4 LS V-League 2021: CLB xuất sắc, HLV xuất sắc, Cầu thủ xuất sắc thuộc về Văn Toàn (6 bàn) và Bàn thắng đẹp nhất thuộc về Xuân Trường với siêu phẩm trong trận thắng Hà Nội 1-0 ở vòng 10 V-League.

***

MU lôi kéo Harry Kane, Barca mua Thiago

MU quyết định nối lại đàm phán với Harry Kane sau khi Tottenham thua Man City ở chung kết League Cup. Đây là trận chung kết thứ 3 mà Harry Kane thất bại với Tottenham, nên anh xem xét ra đi. Hơn nữa, tương lai của Tottenham cũng không rõ ràng, Spurs chắc chắn sẽ trải qua biến động lớn về nhân sự.

Barcelona đang triển khai kế hoạch chuyển nhượng mới, trong đó ưu tiên mua lại tiền vệ Thiago Alcantara. Mua Thiago rất quan trọng với Barca, để xây dựng tập thể mới phục vụ Lionel Messi - người sắp gia hạn hợp đồng. Trong quá khứ, Thiago Alcantara từng không cạnh tranh được với Xavi nên phải rời Nou Camp. Thiago Alcantara không phù hợp với Liverpool, nên cũng cân nhắc quay lại Barca.

***

Chelsea qua mặt MU trong cuộc đua ký Varane

Cầu thủ người Pháp sắp bước vào 12 tháng cuối hợp đồng ở sân Bernabeu và không có ý định ký tiếp, điều đó buộc Real Madrid phải bán Varane hè tới để thu về một khoản tiền, tránh nguy cơ mất trắng vào hè năm sau. Raphael Varane mới bước sang tuổi 28 và đang là trụ cột dưới hàng phòng ngự đội bóng Hoàng gia. Chelsea sẵn sàng dốc hầu bao 70 triệu euro để mang nhà vô địch World Cup 2018 về sân Stamford Bridge và đang chiếm lợi thế dù vấp phải sự cạnh tranh quyết liệt từ PSG và MU.

***

Nguồn VietnamNet: https://premium.vietnamnet.vn/ban-tin-sang-vietnamnet-n-474553.html