Bản sắc ơi!

Giadinh.net - Một anh bạn làm quản lý văn hóa nói với tôi rằng: 100 cô gái đẹp đi thi hoa hậu thì cả 100 cô đều nói rằng, trang phục mà họ yêu thích là... áo dài dân tộc.

Ảnh minh họa Anh quả quyết: 10 cô trong số đó, “ơn trời” mà trở thành Hoa hậu, thành người đẹp này, hoa khôi nọ thì khi được Ban Giám khảo hay khán giả “tò mò” vẫn lặp lại ngay tắp lự những gì họ từng nói về trang phục áo dài. Họ nói đến tà áo dài với đủ mọi mỹ từ có thể. Nào là bản sắc dân tộc, nào là văn hóa Việt, là truyền thống ngàn năm của đất nước... Vậy nhưng, sau mọi kỳ/cuộc thi, sau khi vương miện đã đặt lên đầu, rất ít khi người ta bắt gặp họ mặc áo dài. Thay vào đó là váy lòe xòe xanh đỏ, là quần sooc ngắn cũn cỡn, thậm chí chỉ là những mảnh vải chẳng ra quần, không thành áo! Khi đó, người ta lại nghe họ phát biểu ầm ỹ trên báo chí rằng, họ làm thế, đơn thuần vì... thích thế! Chuyện vừa diễn ra ở huyện miền núi Tây Giang của tỉnh Quảng Nam. Khác chăng, ở đây không phải chuyện váy áo mà là chuyện tên họ. Bà con đồng bào dân tộc Cơ Tu ở đây đã hình thành một “mốt” đặt tên con theo tên diễn viên phim... Hàn Quốc. Nghĩa là, bên cạnh những cái họ đặc sệt Cơ Tu như Pơlong, Briu, Ria là những cái tên phiên âm tiếng Hàn nghe ngô ngô, nghê nghê. Nào là Pơlong San - Ziu, Pơlong San - Ốc; nào là Briu thị Hyn - Su, Ria thị Su – U... Thật buồn và cũng thật hài! Các người đẹp “gió đổi chiều” không có lỗi. Cái lỗi là ở cách mà người ta giáo dục họ nói về bản sắc trong khi chẳng hề có chút bản sắc nào. Có lẽ, các người đẹp nói như “diễn” về tà áo dài chẳng phải vì họ coi đó là “quốc hồn, quốc túy” mà đơn giản chỉ vì họ cần “ăn điểm”. Họ nói về cái bản sắc không phải vì họ nghĩ thế mà vì họ cần phải thế. Đồng bào dân tộc Cơ Tu không có lỗi, lỗi cũng không ở những cái màn hình ti vi. Họ thấy diễn viên Hàn Quốc đẹp, họ thấy phim Hàn Quốc đi vào lòng người thì mê, thì thích, thì mơ ước và đặt tên con mình theo những gì mà họ ao ước, say mê. Lỗi không ở sự lai căng mà lỗi là ở cách chúng ta đem nền văn minh, văn hóa đến họ theo kiểu của người thành thị. Lỗi không phải ở chỗ đánh mất bản sắc mà lỗi là ở cách họ được giáo dục, được hiểu về bản sắc chẳng đến nơi, đến chốn. Thường Sơn

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/home/20090817105611812p0c1000/ban-sac-oi.htm