Bài toán giải quyết tài sản thừa kế ở Nhật Bản

Trong căn hộ 3 phòng ở phường Edogawa, phía Đông Tokyo, là những những bức ảnh gia đình ố vàng, chiếc máy sấy tóc màu đen bám đầy bụi, những tờ 100 yen cũ và từng chồng giấy, tạp chí và sách.

Các nhân viên của Công ty vệ sinh Bxia đang sàng lọc và đóng gói các tài sản của một cụ bà 76 tuổi qua đời một mình trong căn hộ. Công ty dịch vụ đặc biệt này được con gái của bà cụ thuê và làm theo hướng dẫn phân loại đồ đạc. Theo đó, nhân viên phải để riêng tiền mặt, vật có giá trị, tài liệu quan trọng, thắt lưng kimono, phụ kiện kimono và đồ sơn mài. Còn mọi thứ khác sẽ được đưa đi xử lý hay đưa đến các trung tâm tái chế hoặc rao bán. Dịch vụ đặc biệt trong 2 ngày này có chi phí lên tới 505.000 yen (khoảng 3.520 USD). Ở một quốc gia đang già hóa dân số thần tốc, với tỷ lệ tử vong cao hơn tỷ lệ sinh, việc phân loại tài sản của người đã mất là việc cần thiết và cũng là cơn ác mộng hành chính khi có rất ít, thậm chí không có người thân để nhận tài sản thừa kế. Rất nhiều người ra đi mà không để lại bất kỳ di thư cụ thể nào về cách xử lý tài sản của họ, khiến chính quyền địa phương phải vất vả tìm kiếm người thân.

Theo Japan Times, xu hướng nhân khẩu học này đang trở thành một “vận may nghiệt ngã” của Nhật Bản. Trong năm tài chính 2021, kho bạc chính phủ đã nhận được con số kỷ lục 64,7 tỷ yen từ tài sản của những người qua đời nhưng không có người thừa kế, tăng 7,8% so với năm trước và tăng gần gấp đôi so với 10 năm trước.

Về mặt pháp lý, khi ai đó qua đời và không để lại di chúc, những người họ hàng xa như cháu, chắt đều có thể được coi là người thừa kế. Trong trường hợp không có người thừa kế hàng xa, thì tòa án sẽ chỉ định một người quản lý thừa kế để xử lý tài sản và nợ nần (nếu có) như các khoản thuế hoặc hóa đơn mà người quá cố chưa thanh toán trước khi chuyển tài sản còn lại cho chính phủ. Nhưng không phải tất cả tài sản không có người thừa kế đều kết thúc theo cách này vì quá trình xử lý tốn nhiều thời gian và tiền bạc. Vì vậy, trên thực tế, có khá nhiều trường hợp tài sản của người quá cố bị mắc kẹt, các tài khoản ngân hàng không hoạt động, có những khoản tiền gửi không được sử dụng trong 10 năm hoặc lâu hơn.

Đến cuối tháng 6 vừa qua, Quốc hội Nhật Bản đã thông qua một luật mới, cho phép chính phủ sử dụng các quỹ này để hỗ trợ các tổ chức phi lợi nhuận. Theo đó, các khoản tiền vô thừa nhận được đầu tư vào các công ty khởi nghiệp với sứ mệnh vì lợi ích cộng đồng. Khó nhất là việc xác định tài sản vật chất, bao gồm cả nhà ở của người mất đơn độc. Theo một cuộc khảo sát của chính phủ, có khoảng 8,49 triệu ngôi nhà không có người ở trên cả nước vào năm 2018, tăng khoảng 1,5 lần so với năm 1998. Trong nhiều trường hợp, chủ sở hữu đã chết nhưng gia đình và người thân của họ không biết rằng họ được thừa kế tài sản trong khi quá trình điều tra tìm người thừa kế hợp pháp trở nên khó khăn. Ngoài ra, còn có một yếu tố tâm lý nữa là những người thừa kế sở hữu có ý định giữ nguyên ngôi nhà chứa đầy kỷ niệm của cha mẹ hoặc các thành viên trong gia đình.

HẠNH CHI

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/bai-toan-giai-quyet-tai-san-thua-ke-o-nhat-ban-post698289.html