Bài học về lòng yêu nước trong bối cảnh mới
Trong bài phát biểu tại lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2025), Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu 7 bài học kinh nghiệm từ Đại thắng mùa Xuân 1975, và bài học thứ hai là: 'Phát huy cao độ tinh thần yêu nước, lòng tự tôn, tự hào dân tộc; tinh thần độc lập, tự chủ, anh dũng, kiên cường; ý chí quyết chiến, quyết thắng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta'.
Bài học này không chỉ là kim chỉ nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước mà còn có giá trị trường tồn, đặc biệt trong việc vận dụng để phát triển TPHCM nói riêng và đất nước nói chung trong giai đoạn mới.

Có thể nói, tinh thần yêu nước, lòng tự tôn, tự hào dân tộc, cùng với ý chí độc lập, tự chủ, anh dũng, kiên cường và quyết chiến, quyết thắng đã tạo nên sức mạnh vô song để quân, dân ta vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Đây là động lực tinh thần giúp dân tộc Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng, giành được chiến thắng lịch sử, thống nhất đất nước. Bài học này không chỉ mang ý nghĩa lịch sử mà còn là nguồn cảm hứng để TPHCM và cả nước tiếp tục phát triển trong bối cảnh mới, khi đất nước có nhiều cơ hội nhưng cũng đối mặt với những thách thức.
Đối với TPHCM - trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học - công nghệ của cả nước, bài học này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khơi dậy tinh thần yêu nước và ý chí vươn lên trong mọi tầng lớp nhân dân, để xây dựng một thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, đóng vai trò “đầu tàu” trong công cuộc phát triển đất nước. Thành phố cần tiếp tục tổ chức các chương trình giáo dục lịch sử, triển lãm về Đại thắng mùa Xuân 1975 và các hoạt động văn hóa nhằm truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ. Việc này không chỉ củng cố lòng tự hào dân tộc mà còn khuyến khích người dân, đặc biệt là thanh niên, đóng góp ý tưởng, khởi nghiệp, tham gia vào các lĩnh vực kinh tế số, kinh tế xanh, công nghệ cao và đổi mới sáng tạo.
Tinh thần yêu nước là yếu tố quan trọng để TPHCM đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế. Cả nước đang phấn đấu tăng trưởng kinh tế đạt từ 8% trở lên trong năm 2025 (riêng TPHCM là 8,5%) và đạt hai con số trong giai đoạn 2026-2030, hướng tới mục tiêu Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045. Với TPHCM, điều này đòi hỏi một tinh thần quyết tâm vượt qua các điểm nghẽn như thể chế, hạ tầng, nguồn lực…, để tạo ra những bước đột phá. TPHCM cần áp dụng tinh thần “quyết chiến, quyết thắng” trong việc giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội, chẳng hạn như cải cách thủ tục hành chính, thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, đổi mới mạnh mẽ cách thức quản lý, vận hành của bộ máy hành chính gắn với việc thực hiện sắp xếp, tinh gọn...
Song song đó, tinh thần độc lập, tự chủ cũng là một yếu tố quan trọng để TPHCM khẳng định vị thế trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Thành phố cần tạo mọi điều kiện thuận lợi để bạn bè quốc tế và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tham gia vào các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.
Tinh thần tự hào dân tộc cũng được vận dụng trong việc xây dựng hình ảnh TPHCM như một trung tâm kinh tế, văn hóa quốc tế. Để thực hiện điều này, TPHCM có thể tổ chức các sự kiện quốc tế, như hội nghị kinh tế, triển lãm công nghệ, festival văn hóa... nhằm quảng bá hình ảnh một thành phố năng động, sáng tạo, đồng thời giới thiệu các giá trị văn hóa và lịch sử Việt Nam. Những sự kiện này không chỉ giúp TPHCM thu hút đầu tư và nhân tài mà còn củng cố lòng tự hào dân tộc trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài.
Yêu nước gắn liền với việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy mạnh mẽ quan điểm “dân là gốc”. Thành phố cần tiếp tục triển khai các chính sách an sinh xã hội, chăm sóc người có công và hỗ trợ người dân có thu nhập thấp, nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, để không ai bị bỏ lại phía sau. Những chính sách này không chỉ giúp nâng cao chất lượng sống mà còn củng cố niềm tin của người dân vào chính quyền, từ đó tạo nên khối đại đoàn kết vững mạnh.
Bằng cách khơi dậy lòng tự hào dân tộc, thúc đẩy ý chí vượt khó, phát huy tinh thần tự chủ trong hội nhập quốc tế và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, TPHCM có thể hiện thực hóa các định hướng phát triển, từ việc giải phóng sức sản xuất, khơi thông nguồn lực đến xây dựng một thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Những nỗ lực này không chỉ giúp TPHCM hiện nay và TPHCM sau sáp nhập với các tỉnh giữ vững vai trò “đầu tàu” kinh tế mà còn góp phần đưa Việt Nam tiến tới mục tiêu trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/bai-hoc-ve-long-yeu-nuoc-trong-boi-canh-moi-post793469.html