Bài học dịch bạch hầu: Chớ coi thường việc tiêm vắc xin

Theo các chuyên gia y tế, dịch sởi, bạch hầu, ho gà... xuất hiện những năm gần đây đều phần nào đó có liên quan đến tỉ lệ tiêm chủng giảm sút. Do vậy, việc tăng tỉ lệ tiêm chủng với các bệnh đã có vắc xin là biện pháp cấp thiết để hạn chế tác hại gây ra bởi dịch.

Các ca mắc tại đây đều không được tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu đủ mũi, đúng lịch. Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ có xác minh chỉ khoảng 6%. Đây có thể là nguyên nhân lớn khiến dịch có thể bùng phát.

Trả giá đắt

Theo các chuyên gia y tế, bệnh bạch hầu lây qua đường hô hấp với số mắc và tử vong rất cao. Trước đây, bệnh có ở tất cả địa phương trong cả nước, song từ năm 1981 vắc xin bạch hầu được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng nên dịch giảm đi rất nhiều, cả nước chỉ ghi nhận một vài trường hợp lẻ tẻ do không tiêm vắc xin phòng bệnh.

Ông Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho rằng, nhiều năm qua không xảy ra dịch bạch hầu trong phạm vi cả nước, tuy nhiên, vài năm gần đây, dịch bạch hầu quay trở lại, đặc biệt ở miền Trung. Do vậy, nếu chúng ta không chống dịch tốt, không thực hiện tiêm chủng tốt, dịch có thể bùng phát trên diện rộng.

Cũng theo ông Phu, từ các ca mắc bạch hầu thời gian qua cho thấy các ca mắc tại đây đều không được tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu đủ mũi, đúng lịch. Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ có xác minh chỉ khoảng 6%. Đây có thể là nguyên nhân lớn khiến dịch có thể bùng phát, đặc biệt trong điều kiện giao lưu đi lại các địa phương thuận tiện như hiện nay.

Phân tích mối nguy của dịch bạch hầu, GS. TS. Nguyễn Thanh Long, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế thừa nhận, bệnh bạch hầu gia tăng nhanh với số mắc tăng gấp ba lần so với cùng kỳ năm 2019. Bệnh đang có khả năng lan rộng do tỷ lệ miễn dịch cộng đồng ở những vùng có dịch rất thấp.

“Tình hình bệnh bạch hầu có nhiều điểm khác biệt so với các năm trước đây. Cụ thể, diện mắc bệnh rộng hơn, nhiều địa bàn mắc hơn, đối tượng mắc trải rộng mọi lứa tuổi, không riêng ở trẻ em, đặc biệt, tỷ lệ tử vong do bệnh này đến thời điểm hiện nay khá cao”, GS. Long nêu.

Cùng chung lo lắng về dịch bạch hầu, PGS. TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho rằng, trong khi Chương trình tiêm chủng mở rộng luôn cung ứng đầy đủ vắc xin xuống tận các trạm y tế xã nhưng hiện nay các ổ dịch bạch hầu vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc.

Cũng theo chuyên gia này, bạch hầu hiện không chỉ xuất hiện ở những “vùng lõm” về tiêm chủng (nơi cách xa trạm y tế và việc đi lại khó khăn) mà còn xảy ra ở cả ở thành phố lớn, đặt ra thách thức trong việc nâng cao tỷ lệ tiêm chủng.

Lý giải thực tế này, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương nêu, trong giai đoạn chuyển đổi vắc xin 5 trong 1 DPT-VGB-Hib năm 2018-2019, một số cha mẹ e ngại phản ứng sau tiêm vắc xin dẫn đến không cho con đi tiêm chủng hoặc tiêm muộn khiến tỉ lệ tiêm chủng vắc xin này giảm xuống.

“Và với nguyên nhân bất khả kháng do dịch Covid-19, hoạt động tiêm chủng trên toàn quốc đã tạm ngưng trong 3 tuần đầu tháng 4/2020 vừa qua cũng đã ảnh hưởng ít nhiều đến tiến độ tiêm chủng các vắcxin trong chương trình đầu năm nay”, lãnh đạo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương thừa nhận.

Hiệu quả vắc xin là không thể phủ nhận

Thời gian qua, trên một số diễn đàn đã xuất hiện nhiều ý kiến bài xích việc tiêm vắc xin bằng các lập luận như tiêm vắc xin sẽ xảy ra một số biến chứng nguy hiểm như tử vong, sốt, tiêu chảy… Một số quan điểm thì cho rằng trẻ bú mẹ hoàn toàn là đã có vắc xin và không cần tiêm nữa. Còn một số bà mẹ lại cho rằng chỉ cần sống lành mạnh, thuận tự nhiên là cơ thể mặc nhiên đã tự phòng và chữa được bệnh.

Cá biệt, nhiều cha mẹ nghe đến tiêm vắc xin có thể gây ra biến chứng tử vong thì ngay lập tức sợ hãi không cho con tiêm. Có người lo sợ tiêm chủng không an toàn đã đợi tiêm dịch vụ và trong lúc đợi thì con mắc bệnh.

Về những luồng ý kiến trái chiều nêu trên, bà Hồng khẳng định, nhiều nghiên cứu đã chỉ rõ, nhờ vắc xin mà đến nay trên thế giới đã thanh toán được nhiều bệnh truyền nhiễm. Việt Nam đã thanh toán được bệnh bại liệt vào năm 2000, loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh vào năm 2005.

Nếu so sánh tỷ lệ mắc các bệnh đã có vắc xin dự phòng của năm 2010 so với năm 1984 sẽ thấy bệnh bạch hầu giảm 585 lần, bệnh ho gà giảm 937 lần và bệnh sởi giảm 573 lần.

Chuyên gia này cũng khẳng định, các bệnh trong chương trình tiêm chủng mở rộng là những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, cần đạt tỉ lệ miễn dịch cao trong cộng đồng để có thể khống chế bệnh dịch.

"Do vậy, duy trì tỉ lệ tiêm chủng cao hơn 95% trên toàn quốc là mục tiêu quan trọng hàng đầu mà Chương trình Tiêm chủng mở rộng luôn hướng đến ngay cả khi bệnh không xuất hiện. Tuy nhiên, thực tế trong thời gian qua, do nhiều nguyên nhân dẫn đến tỉ lệ tiêm chủng một số vắc xin chưa đạt cao", Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương nêu.

Ở một góc nhìn khác, ông Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho rằng, khi dịch bệnh không còn nhiều như trước nữa thì người dân lại lầm tưởng vắc xin không có tác dụng.

“Dẫu biết rằng vẫn có một tỷ lệ rất nhỏ trẻ bị dị ứng với thành phần nào đó của vắc xin gây ra những tai biến không mong muốn, kể cả trong tiêm chủng dịch vụ, nhưng không thể phủ nhận được thành quả phòng bệnh của vắc xin”, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nêu.

Để khẩn cấp phòng chống dịch bạch hầu đang bùng phát, GS.TS Nguyễn Thanh Long yêu cầu cần tập trung hết sức phòng chống bệnh bạch hầu như chúng ta đã từng cố gắng để phòng chống dịch Covid-19.

Quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long giao Cục Y tế dự phòng phối hợp Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia triển khai ngay chiến dịch tiêm dự phòng bạch hầu trên diện rộng, cho tất cả đối tượng từ 2 tháng tuổi trở lên và nhấn mạnh đây là việc cấp bách.

Theo đó, với trẻ em từ 2- 4 tháng tuổi, tiêm rộng rãi vắc xin phòng bệnh. Tiêm nhắc lại vắc xin 3 trong 1 đối với trẻ từ 18- 24 tháng, sau đó tiếp tục tiêm cho đến 5- 7 tuổi. Với người lớn, triển khai tiêm vắc xin Td (chứa thành phần uốn ván, bạch hầu).

GS. TS Nguyễn Thanh Long cũng yêu cầu cần phải triển khai ngay điều trị dự phòng với người có tiếp xúc mầm bệnh và những người trong khu vực có mầm bệnh.

Đặc biệt, quyền Bộ trưởng yêu cầu Cục Y tế dự phòng phải giám sát việc này chặt chẽ. Trong trường hợp cần thiết, báo cáo Thủ tướng về việc xuất cấp khẩu trang với các địa phương này.

D.Ngân

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/bai-hoc-dich-bach-hau-cho-coi-thuong-viec-tiem-vac-xin-129725-129725.html