Bài cuối: Sẽ có 'phiên bản' FDI mới của Đồng Nai

Căn cứ vào Nghị quyết 50/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương, Đồng Nai tiếp tục đưa chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là yêu cầu hàng đầu trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tỉnh ưu tiên các dự án công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao.

Công ty TNHH sản phẩm máy tính Fujitsu Việt Nam ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2 đầu tư hàng chục triệu USD để thay đổi máy móc hiện đại sản xuất linh kiện điện tử. Ảnh: H.Giang

Theo Sở Kế hoạch - đầu tư, lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tiếp tục được tỉnh ưu tiên mời gọi để góp phần tăng tỷ lệ nội địa hóa cho sản phẩm của tỉnh, vùng và cả nước. Đồng Nai sẽ tập trung thu hút các dự án FDI có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

* Tiên phong trong chọn lọc dự án FDI

Giai đoạn đầu khi mới thu hút đầu tư FDI, Đồng Nai cũng như các tỉnh, thành khác, mục tiêu chính là giải quyết nhu cầu về vốn đầu tư để phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho người dân. Từ năm 2005 đến nay, với định hướng phát triển bền vững, tỉnh đã chủ trương thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên chọn dự án công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, công nghệ cao, dự án công nghiệp hỗ trợ nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa cho sản phẩm và các dự án thuộc lĩnh vực dịch vụ, hạ tầng, giao thông, dự án sử dụng lao động có tay nghề, tạo ra giá trị gia tăng cao... Vì thế, Đồng Nai trở thành nơi cung cấp nguyên phụ liệu đầu vào cho sản xuất công nghiệp, nông nghiệp lớn của cả nước.

Đồng Nai đã quy hoạch, mở rộng thêm gần 10 khu công nghiệp để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp trong nước, FDI muốn đầu tư mới hoặc mở rộng sản xuất. Tỉnh đang gấp rút hoàn thành Khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành để sớm thu hút các doanh nghiệp FDI có công nghệ cao đầu tư vào tỉnh.

Hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 600 doanh nghiệp sản xuất trên lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, trong đó gần 80% là doanh nghiệp FDI. Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đóng góp 60-62% tổng doanh thu trên lĩnh vực công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu. Đạt được kết quả trên là do Đồng Nai đã định hướng trong thu hút dòng vốn FDI trước cả nước hơn 7 năm (năm 2013, Chính phủ với ban hành Nghị quyết 103/NQ-CP về định hướng nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý FDI).

Ông Yoshida Mizuho, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Việt Nam Kaneko (100% vốn Nhật Bản, ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 giai đoạn 2) cho biết: “Qua tìm hiểu, thấy Đồng Nai là nơi có công nghiệp phát triển nên công ty đã đầu tư nhà máy sản xuất vào ngành công nghiệp hỗ trợ để cung ứng sản phẩm cho thị trường nội địa và xuất khẩu qua các nước thuộc ASEAN”. Theo ông Yoshida Mizuho, công ty hoạt động tại Đồng Nai khá thành công vì các doanh nghiệp tại Việt Nam đang có xu hướng tìm nguồn nguyên liệu trong nước để đáp ứng tỷ lệ nội địa hóa cho sản phẩm. Như vậy, hàng hóa xuất khẩu vào những nước mà Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại tự do và hưởng các ưu đãi về thuế quan dễ dàng hơn.

Bên cạnh đó, ngay từ khi thu hút dòng vốn FDI, tỉnh đã có chính sách “đồng hành với doanh nghiệp” tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để họ hoạt động hiệu quả. Vì tỉnh xác định doanh nghiệp FDI hoạt động hiệu quả sẽ đóng góp lớn cho phát triển kinh tế của địa phương và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tỉnh ưu tiên mời gọi doanh nghiệp FDI có công nghệ cao vào đầu tư và mở rộng sản xuất. Đến nay, đã có nhiều tập đoàn xây dựng nhà máy sản xuất tại Đồng Nai và ứng dụng công nghệ cao như: Bosch, Fujitsu, Nestlé, Maggitt, Schaffler...Đồng Nai còn là nơi cung ứng nguyên liệu đầu vào cho nhiều sản phẩm công nghệ cao là: linh kiện máy bay, linh kiện ô tô, linh kiện sản phẩm điện tử, robot, linh kiện cho các loại máy móc hiện đại của thế giới.

* Mở ra nhiều lĩnh vực mới

Bên cạnh việc thu hút đầu tư FDI vào lĩnh vực công nghiệp, tỉnh cũng mở ra nhiều lĩnh vực khác để mời gọi các doanh nghiệp đầu tư vào là du lịch, dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao, hạ tầng kỹ thuật. Tuy nhiên, trên các lĩnh vực, tỉnh đều yêu cầu doanh nghiệp phải ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, sử dụng ít lao động và có giá trị gia tăng cao.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhấn mạnh: “Từ hơn 10 năm nay, Đồng Nai thu hút đầu tư có chọn lọc nên đã gặt hái được một số kết quả đáng kể. Tuy nhiên, thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục khắc phục những hạn chế về chuyển giá, đầu tư chui, vốn ít, giá trị gia tăng thấp. Đồng thời, tỉnh tập trung cải cách thủ tục hành chính, căn cứ vào chỉ số năng lực cạnh tranh hằng năm để có những phương án cải thiện tạo môi trường đầu tư tốt hơn để đón làn sóng FDI công nghệ cao”.

Công ty TNHH Meggitt Việt Nam ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2 (TP.Biên Hòa) ứng dụng công nghệ 4.0 sản xuất linh kiện cho máy bay Airbus A 350 A 380. Ảnh: H.Giang

Theo đó, trong giai đoạn tới, trong thu hút đầu tư, Đồng Nai sẽ chú trọng đến chất lượng dự án. Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch Lê Thành Mỹ cho biết: “Huyện đã có gần 10 khu công nghiệp, trong đó có nhiều khu đã được lấp đầy. Những khu còn lại huyện chỉ ưu tiên thu hút những dự án FDI trên lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao, đem lại giá trị gia tăng lớn”. Mục tiêu của huyện Nhơn Trạch trong thời gian tới sẽ ưu tiên vốn xây dựng hạ tầng kỹ thuật để thu hút đầu tư FDI vào lĩnh vực thương mại dịch vụ, nhà ở xã hội, du lịch.

Các huyện, thành phố khác của tỉnh cũng chú trọng trong việc thu hút đầu tư nhằm lựa chọn được những dự án mang lại hiệu quả cao cho địa phương.

Ông Kho Ngee Seng Roy, Tổng lãnh sự Singapore tại TP.Hồ Chí Minh đánh giá: “Đồng Nai có nửa triệu công nhân đang có nhu cầu về nhà ở nên doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này tiềm năng còn rất lớn. Do đó, thời gian tới sẽ có nhiều doanh nghiệp Singapore tham gia đầu tư nhà ở xã hội tại Đồng Nai”.

Theo ông Okada Hideyuki, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP.Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào tỉnh hầu hết có công nghệ hiện đại. Do đó, sản phẩm làm ra có thể cung cấp cho các tập đoàn đa quốc gia cung cấp cho các doanh nghiệp tại Việt Nam và xuất khẩu sang nhiều nước với đầu ra khá thuận lợi. Vì thế, ngày càng có nhiều doanh nghiệp Nhật đến tỉnh đầu tư vào công nghiệp, thương mại dịch vụ.

* Xem xét kỹ chất lượng dự án

Tuy rằng những năm gần đây, dự án FDI đầu tư vào tỉnh đều được chọn lọc kỹ về mặt công nghệ, lao động, vốn nhưng giá trị gia tăng các dự án mang lại cho tỉnh chưa được chú ý kỹ. Cụ thể, có những dự án vốn đầu tư lớn, nhưng đóng góp cho ngân sách nhà nước thấp, dẫn đến hiệu quả dòng vốn FDI chưa như mong đợi.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, để Việt Nam vượt qua “bẫy” thu nhập trung bình, có một phần đóng góp của đầu tư FDI. Thời gian tới, Việt Nam đa dạng hóa trong thu hút dòng vốn FDI để góp phần thực hiện mục tiêu năm 2050 trở thành nước có nền kinh tế phát triển.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh nhấn mạnh: “Sắp tới, khi mời gọi đầu tư, tỉnh sẽ chú ý nhiều đến công nghệ, lao động, khả năng chuyển giao, kết nối với doanh nghiệp trong nước và đóng góp của dự án cho ngân sách nhà nước. Tỉnh có thể từ chối các dự án có số vốn lớn nhưng giá trị gia tăng thấp để lựa chọn những dự án vốn nhỏ nhưng giá trị gia tăng cao. Đồng thời, tỉnh yêu cầu doanh nghiệp có lộ trình chuyển giao khoa học kỹ thuật”. Thực hiện được những yêu cầu trên thì dòng vốn FDI vào Đồng Nai sẽ đem lại hiệu quả cao và đúng theo yêu cầu của Nghị quyết 50.

Ông Vikrom Kromadit, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Amata (Thái Lan) cho biết: “Đồng Nai có nhiều lợi thế về giao thông, khí hậu hơn những tỉnh, thành khác tại Việt Nam, do đó rất nhiều doanh nghiệp FDI muốn đầu tư vào. Đây là cơ hội để tỉnh có thể lựa chọn được những dự án có chất lượng cao, đóng góp nhiều cho phát triển của tỉnh”.

Công ty TNHH Công nghiệp Kiến Đạt ở khu công nghiệp Agtex Long Bình (TP.Biên Hòa) sản xuất linh kiện cho các loại máy móc hiện đại. Ảnh: H.Giang

Bên cạnh việc thu hút dòng vốn mới FDI có chọn lọc, thì tỉnh cũng chú ý đến việc vận động, yêu cầu các doanh nghiệp FDI đầu tư vào tỉnh từ sớm đã có công nghệ lạc hậu từng bước thay đổi máy móc, dây chuyền sản xuất hiện đại để nâng công suất, chất lượng, giảm lao động đáp ứng các đơn hàng đòi hỏi ngày càng cao của đối tác trong nước, nước ngoài. Nhiều doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh đã thay đổi máy móc, từng bước ứng dụng công nghệ 4.0 vào trong sản xuất như: Công ty TNHH Schaffler Việt Nam ở Khu công nghiệp Amata; Công ty TNHH Maggitt Việt Nam; Công ty TNHH sản phẩm máy tính Fujitsu Việt Nam Khu công nghiệp Biên Hòa 2; Công ty TNHH Hyosung Việt Nam ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 5...

Hương Giang

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/202002/ky-nguyen-moi-trong-thu-hut-fdi-bai-cuoi-se-co-phien-ban-fdi-moi-cua-dong-nai-2988907/