Bài cuối: Đề xuất tăng số lượng ủy viên chuyên trách các Ban Hội đồng nhân dân

Theo Thường trực HĐND thành phố Đà Nẵng, khi thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị, quyền đại diện của người dân trực tiếp thông qua đại biểu HĐND phường và HĐND quận không còn, được thực hiện qua các kênh khác. Tuy nhiên, đại biểu nói chung, ở các tổ nói riêng đa số đều kiêm nhiệm, một số giữ cương vị lãnh đạo trong các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương nên chưa dành nhiều thời gian cho hoạt động HĐND, ảnh hưởng không nhỏ đến việc tiếp nhận, xử lý các ý kiến của người dân đô thị. Vì vậy, một trong những đề xuất nổi bật là xem xét tăng số lượng ủy viên chuyên trách cho các ban HĐND thành phố.

Ban Đô thị HĐND thành phố khảo sát thực tế Dự án Nâng cấp, cải tạo đường ĐT601 và dự án cải tạo, xây dựng hệ thống thoát nước mưa trên địa bàn quận Thanh Khê - Liên Chiểu. Ảnh: Thùy Linh

Nhiều đổi mới phương thức hoạt động

Thực hiện thí điểm mô hình Chính quyền đô thị theo Nghị quyết 119/2020/QH14 của Quốc hội, HĐND thành phố Đà Nẵng đã tích cực đổi mới phương thức hoạt động. Thường trực HĐND thành phố tập trung đổi mới việc tổ chức các kỳ họp theo hướng dành nhiều thời gian cho thảo luận, chất vấn, tập trung vào những vấn đề phát sinh ở cơ sở, cử tri quan tâm. Tại kỳ họp, các đại biểu HĐND thành phố tích cực thảo luận, đặt nhiều câu hỏi chất vấn đối với những nội dung đã được kiểm chứng ở thực tiễn và qua tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân đề đạt, kiến nghị xử lý, nhất là những vấn đề các sở, ngành còn lúng túng và xử lý chậm.

Trong năm 2023, Thường trực HĐND thành phố tổ chức 2 Chương trình “HĐND với cử tri” lần thứ 4 và lần thứ 5, nhằm đánh giá kết quả thực hiện các nội dung kết luận tại các Chương trình “HĐND với cử tri” trước đây; là diễn đàn để các đại biểu tham gia phát biểu ý kiến, lắng nghe, tiếp thu các kiến nghị, vấn đề bức xúc, nổi cộm được cử tri, Nhân dân quan tâm; đồng thời, đề nghị UBND thành phố và các ngành, địa phương có trách nhiệm liên quan báo cáo, giải trình, trực tiếp cam kết thời hạn giải quyết các kiến nghị, bức xúc của cử tri, nhất là các vấn đề cử tri đã kiến nghị nhiều lần nhưng chưa được giải quyết dứt điểm, thỏa đáng. Bên cạnh đó, tổ chức 2 hội nghị TXCT chuyên đề với công nhân lao động, nông dân trên địa bàn; Chương trình “Gặp mặt trẻ em năm 2023”. Đây là những hình thức mới trong giám sát giữa 2 kỳ họp, nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo cử tri và Nhân dân thành phố.

Hoạt động giám sát thực tế tại hiện trường được tăng cường. Công tác dân nguyện, tiếp công dân được tăng cường và thực hiện thường xuyên; ban hành Quy định về tiếp công dân và xử lý đơn của HĐND thành phố kèm theo Quyết định số 01/QĐ-HĐND ngày 10.1.2022, đây là hành lang pháp lý để Thường trực, các Ban HĐND thành phố tổ chức thực hiện trong quá trình tiếp nhận, xử lý, giải quyết đơn thư của công dân, đã đi vào nền nếp; triển khai phần mềm cơ sở dữ liệu tiếp công dân, giải quyết đơn thư dùng chung trên địa bàn thành phố. Việc theo dõi, giám sát giải quyết kiến nghị của cử tri được chú trọng, bám sát từng lĩnh vực, địa bàn và nội dung kiến nghị, bức xúc của cử tri. Trong hoạt động giám sát, giải trình đơn thư, các đại biểu đã phát huy vai trò, trách nhiệm của mình, tham gia tương đối đầy đủ và có nhiều ý kiến xác đáng.

Có cơ chế, chính sách đặc thù

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo Thường trực HĐND thành phố, khithực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị, quyền đại diện của người dân trực tiếp thông qua đại biểu HĐND phường và HĐND quận không còn, thay vào đó được thực hiện thông qua các kênh khác như: đại biểu Quốc hội, Đoàn ĐBQH đơn vị thành phố; Thường trực, các Ban, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND thành phố; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp… Tuy nhiên, số lượng đại biểu nói chung và ở các Tổ đại biểu nói riêng đa số đều hoạt động kiêm nhiệm, một số đại biểu giữ cương vị lãnh đạo trong các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương nên chưa dành nhiều thời gian cho hoạt động của HĐND, ảnh hưởng không nhỏ đến việc tiếp nhận, xử lý các ý kiến của người dân ở đô thị. Kết quả thực hiện kế hoạch giám sát chuyên đề của các Tổ chưa được đại biểu triển khai đồng bộ, có nơi hiệu quả, có nơi vẫn còn ít và chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa bảo đảm tính chuyên sâu, chuyên nghiệp…

Thường trực HĐND thành phố Đà Nẵng xác định, thực hiện hiệu quả mô hình chính quyền đô thị trên địa bàn là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của Đảng bộ và cả hệ thống chính trị. Do đó, cần tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của HĐND thành phố nói chung và đại biểu HĐND thành phố nói riêng trong bối cảnh thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị gắn với xây dựng chính quyền các cấp liêm chính, tinh gọn là rất quan trọng và cần thiết, gắn với mục tiêu sớm hoàn thành chỉ tiêu, nội dung mà Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phốĐà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra.

Trong đó, cùng với tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động, HĐND thành phố sẽ tích cực, chủ động cùng Thành ủy, UBND thành phố trong đề xuất với các bộ, ngành Trung ương tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 theo hướng để thành phố Đà Nẵng chính thức thực hiện mô hình chính quyền đô thị (không còn làm thí điểm), nhất là việc xem xét tăng số lượng ủy viên chuyên trách cho các Ban HĐND thành phố; có cơ chế, chính sách đặc thù để thực hiện hiệu quả mô hình chính quyền đô thị và định hướng phát triển thành phố Đà Nẵng trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, y tế chất lượng cao của khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Lê Trà

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chuyen-muc-hoi-dong-nhan-dan/bai-cuoi%C2%A0de-xuat-tang-so-luong-uy-vien-chuyen-trach-cac-ban-hoi-dong-nhan-dan-i365179/