Bài 3: 'Thanh bảo kiếm' làm trong sạch Đảng

Trong hành trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta xác định: Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ then chốt để phát triển đất nước. Luận điểm này luôn được Đảng ta coi là kim chỉ nam của một Đảng cầm quyền. Đó là kết quả của một quá trình vận động của lịch sử, được thực tế chứng minh là hoàn toàn hợp quy luật phát triển và cũng là thể hiện bản chất của một Đảng cách mạng 'là đạo đức, là văn minh'.

Tư tưởng của người sáng lập

Không phải ngẫu nhiên mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập và rèn luyện Đảng ta lại đặc biệt coi trọng việc Đảng phải tự chỉnh đốn, coi đây là việc làm tất yếu để xây dựng Đảng. Theo Người, chỉ có như vậy Đảng mới mạnh, mới đủ sức lãnh đạo cách mạng. Người khẳng định: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”.

Theo PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh: Bác đặc biệt quan tâm, nhắc nhở toàn Đảng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đây là sự nhạy cảm đặc biệt về chính trị của Người. Bởi khi giành được thắng lợi to lớn, trong Đảng dễ nảy sinh sự chủ quan, thỏa mãn và cả tính kiêu ngạo (theo cách nói của V.I.Lênin). Một bộ phận cán bộ, đảng viên dễ bị cám dỗ vật chất, làm cho biến chất, sa vào hưởng thụ, tham vọng quyền lực, lợi dụng chức quyền để mưu lợi riêng, coi Đảng là nơi để thăng quan, phát tài.

 Ảnh minh họa: TTXVN.

Ảnh minh họa: TTXVN.

Điều này soi vào thực tiễn cách mạng Việt Nam càng đúng, nhất là trong giai đoạn hiện nay. Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” năm 1947, Người đã chỉ ra một số cán bộ, đảng viên trở nên thoái hóa biến chất, vì thế, nguy cơ xa dần, mất dần quần chúng đã đến rất gần, xuất hiện căn bệnh quan liêu, mệnh lệnh, chuyên quyền… Trong bài viết "Nâng cao đạo đức cách mạng quét sạch chủ nghĩa cá nhân" đăng trên Báo Nhân Dân ngày 3-2-1969 nhân kỷ niệm 39 năm Ngày thành lập Đảng, Bác yêu cầu: "Mỗi cán bộ, đảng viên phải đặt lợi ích của cách mạng, của Ðảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết. Phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng, bồi dưỡng tư tưởng tập thể, tinh thần đoàn kết, tính tổ chức và kỷ luật”.

Đặc biệt, trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện rất rõ quan điểm phải coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Người căn dặn: “Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Người cũng căn dặn sau chiến tranh, việc đầu tiên cần làm là củng cố, chỉnh đốn Đảng. Muốn làm được những điều đó thì Đảng phải đoàn kết, thống nhất...

Soi vào thực tiễn hiện nay, những điều Bác viết trong Di chúc còn nguyên tính thời sự. Đoàn kết, thống nhất trong Đảng là cốt lõi tạo nên sức mạnh của Đảng cầm quyền. Đoàn kết, thống nhất phải được thể hiện ở chủ trương, đường lối trên cơ sở tuân thủ một cách nghiêm túc các nguyên tắc tập trung dân chủ; nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; phải thường xuyên làm tốt việc tự phê bình và phê bình trên tinh thần đồng chí thương yêu lẫn nhau, giúp nhau cùng tiến bộ. Đoàn kết, thống nhất cũng là một trong những đặc trưng cơ bản thể hiện bản chất đạo đức, văn minh của Đảng.

Đồng chí Hà Đăng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương trong bài viết “Tự phê bình và phê bình, vũ khí sắc bén để xây dựng, chỉnh đốn Ðảng” đã nhận định: “Những lời chỉ dạy của Bác Hồ trong "Sửa đổi lối làm việc" cũng như trong nhiều bài nói và bài viết sau này đã thật sự đặt nền móng cho việc xây dựng một chế độ tự phê bình và phê bình có nền nếp trong Ðảng ta. Và nhờ sử dụng tự phê bình và phê bình như một vũ khí, Ðảng ta đã gặt hái được nhiều kết quả”.

Về tự phê bình và phê bình trong Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: "Một Ðảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Ðảng hỏng”. Lịch sử đã chứng minh, Đảng ta cũng như Chủ tịch Hồ Chí Minh, người giữ cương vị cao nhất của Đảng đã luôn nhìn thẳng vào sự thật, dám nhận cái sai để khắc phục, sửa chữa. Trong lãnh đạo, Đảng có lúc cũng phạm sai lầm, khuyết điểm, duy ý chí, thiếu tôn trọng quy luật khách quan. Đảng đã nghiêm túc tự phê bình, sửa chữa khuyết điểm để tiếp tục sự nghiệp lãnh đạo cách mạng tiến lên. Sau Xô viết Nghệ-Tĩnh (1930-1931), Đảng kịp thời sửa những sai lầm “tả khuynh”, khôi phục phát triển tổ chức đảng và đội ngũ đảng viên. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, Đảng lãnh đạo tiến hành cải cách ruộng đất đạt những kết quả to lớn. Tuy nhiên trong cải cách ruộng đất, Đảng cũng phạm những sai lầm, khuyết điểm nghiêm trọng. Đó là vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, áp dụng các hình thức đấu tranh không phù hợp… Với dũng khí của một Đảng cách mạng, Đảng đã nhận khuyết điểm, quyết tâm sửa sai, lấy lại lòng tin của nhân dân.

Lý luận của Đảng cầm quyền

Để lãnh đạo, chỉ đạo kháng chiến thắng lợi, Đảng liên tục có những đợt chỉnh huấn hoặc ra những chỉ thị, nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó tập trung nhiều nhất là rèn luyện, xây dựng đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, chống chủ nghĩa cá nhân và sự tha hóa, biến chất. Tại Hội nghị toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII, Đảng ta đã chỉ ra những biểu hiện của tình trạng suy thoái đạo đức, lối sống của một bộ phận đảng viên, coi đó là một trong 4 nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ.

Tiếp sau là đợt chỉnh đốn Đảng có quy mô từ Hội nghị Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII. Hội nghị đã ra Nghị quyết “Một số vấn đề cơ bản và cấp bách về công tác xây dựng Đảng hiện nay”. Một điểm đáng lưu ý là trong báo cáo của hội nghị có nhận định: “Một số cán bộ, đảng viên có biểu hiện phai nhạt lý tưởng cách mạng, một số có biểu hiện cơ hội dưới nhiều hình thức”. Tinh thần chung và sự thống nhất rất cao của Trung ương là quyết tâm xoay chuyển tình hình, thực hiện tốt hơn nhiệm vụ xây dựng Đảng vì sự nghiệp của đất nước, của dân tộc và của Đảng.

Theo đồng chí Hà Đăng: Ðại hội XI và XII của Ðảng đều đặt lên hàng đầu nhiệm vụ xây dựng Ðảng trong sạch, vững mạnh (TSVM), nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Ðảng. Hai Nghị quyết Trung ương 4 của khóa XI và XII đều nhấn mạnh yêu cầu: Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Ðảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Gắn liền với hai nghị quyết này là Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" và "Ðẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh". Qua đó để thấy, Đảng ta đặc biệt quan tâm, coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, coi đây vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, phù hợp thực tiễn khách quan.

Từ thực tiễn cách mạng đúc rút thành lý luận, rồi quay trở lại thực tiễn, Hội nghị Trung ương 4, khóa XII đã đề cập toàn diện nội dung xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Nó được hoạch định rất cụ thể để tất cả mọi đảng viên và nhân dân đều nhìn thấy được. Thậm chí nói như một số chuyên gia thì có thể “sờ thấy, nắm được bởi nó đã mang hơi thở trực tiếp của cuộc sống, không mơ hồ, giáo điều một chút nào”. Nghị quyết về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng của Hội nghị Trung ương 4, khóa XII đưa ra 3 nhận thức sâu sắc về những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; mỗi nhóm có 9 biểu hiện để nhận diện.

GS, TS Phùng Hữu Phú, Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương nhận định những điểm mới phát triển lý luận về xây dựng Đảng của Đảng ta: “Trước đây, trong các văn kiện của Đảng đều thống nhất mục tiêu xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức. Đến Đại hội XII của Đảng, trên cơ sở kế thừa, phát triển Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về xây dựng Đảng, Đảng ta bổ sung mục tiêu xây dựng Đảng về đạo đức... Như vậy, đây là bước phát triển mới tư duy lý luận về xây dựng Đảng phù hợp với yêu cầu khách quan, phù hợp với thực tế”. Thông qua công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, các tổ chức đảng và đảng viên đều phải soi lại mình để sửa chữa những việc làm sai trái. Có thế Đảng ta mới trong sạch, có đủ uy tín để lãnh đạo đất nước tiến lên.

Tăng cường kỷ luật, không có vùng cấm, ngoại lệ

Một trong những luận điểm chỉ đạo xuyên suốt trong công tác xây dựng Đảng được Đảng ta rất coi trọng, đó là: "Lãnh đạo mà không kiểm tra, giám sát thì coi như không có lãnh đạo". Do đó phải thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng. Đặc biệt, liên tiếp trong nhiệm kỳ Đại hội XI và từ Đại hội XII đến nay, Đảng đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị, quy định nhằm tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng, đồng thời triển khai thực hiện quyết liệt.

Điều lệ Đảng quy định: "Kiểm tra, giám sát là những chức năng lãnh đạo của Đảng". Tổ chức đảng phải tiến hành công tác kiểm tra, giám sát. Tổ chức đảng và đảng viên chịu sự kiểm tra, giám sát của Đảng. Công tác kiểm tra, giám sát gắn liền với sự lãnh đạo của Đảng, không những kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện đường lối, chính sách, mà kiểm tra, giám sát chính cả bản thân đường lối, chính sách đó. Đây là công việc của toàn Đảng và từng đảng viên.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trong bài phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng năm 2018 nhấn mạnh: “Cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra các cấp phải nhận thức đầy đủ và sâu sắc hơn nữa tầm quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng… để thấy rõ quyết tâm chính trị của Ðảng trong xây dựng, chỉnh đốn Ðảng. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng để làm cho Ðảng ta ngày càng TSVM, đủ uy tín để lãnh đạo đất nước trong giai đoạn cách mạng mới, góp phần tạo môi trường minh bạch, lành mạnh để phát triển đất nước, củng cố niềm tin, sự ủng hộ của nhân dân đối với Ðảng”.

Kỷ luật đảng là tự giác, nghiêm minh và hoàn toàn không có vùng cấm. Điều này được chứng minh qua thực tiễn. Tại Hội nghị Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng phiên họp thứ 14, ngày 16-8-2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban chỉ đạo, phát biểu nhấn mạnh nguyên tắc: "Không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai". Những con số mà các tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên bị kỷ luật dù rất đau đớn nhưng đã thể hiện sự nghiêm minh của kỷ luật Đảng. Chỉ tính từ năm 2013 đến tháng 6-2019, cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp đã kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật hàng chục nghìn cán bộ, đảng viên. Chỉ từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, đã có khoảng 80 cán bộ cao cấp diện Trung ương quản lý (cả đương chức và nghỉ hưu) bị kỷ luật, thậm chí xử lý hình sự, trong đó có cả Ủy viên Bộ Chính trị. Có thể khẳng định, quan điểm chỉ đạo nhất quán của Đảng là tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý kỷ luật nghiêm minh, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, đã thông suốt.

Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là một quá trình tiếp thu cái tốt, cái tiến bộ để hoàn thiện mình, loại bỏ cái xấu, cái không phù hợp cản trở sự phát triển. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng tổng kết: “Đảng ta có thể tự hào là người kế tục những truyền thống vẻ vang của dân tộc ta, là người mở đường cho nhân dân ta tiến lên một tương lai rực rỡ”.

Phát biểu tại Hội nghị Trung ương 4, khóa XII về nội dung xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Từ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc”.

HOÀNG TIẾN, HUY QUANG, NGUYỄN TUẤN

(còn nữa)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ky-niem-90-nam-ngay-thanh-lap-dang-csvn-3-2-1930-3-2-2020/vung-buoc-duoi-co-dang-quang-vinh/bai-3-thanh-bao-kiem-lam-trong-sach-dang-607780