Bài 2: Xuyên ngày trắng đêm chiến đấu với 'giặc lửa'

Cuối tháng 6/2020, trong 4 ngày liên tiếp các đám cháy ở huyện Diễn Châu (tỉnh Nghệ An) 3 vụ cháy liên tục xảy ra, những người tham gia chữa cháy hốc hác, bơ phờ vì mệt và thiếu nước cũng có những người bị thương.

4 ngày 3 vụ cháy rừng tại một huyện
Đám cháy tại Rú Bạc, xã Sơn Thành, huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) xảy ra vào khoảng 13h30 phút ngày 26/6 nhanh chóng lây lan sang xã Diễn Lợi, huyện Diễn Châu. Lực lượng Kiểm lâm, Công an, Quân đội và các ngành liên quan được huy động 100% quân số cùng với người dân và chính quyền địa phương đến hiện trường đám cháy để dập lửa cứu rừng.

Địa hình núi cao, gió Lào thổi mạnh, lớp thực bì dày, nhiều loại cây trên núi do nắng nóng đã bị chết, khô lâu ngày nên đám cháy bùng phát rất nhanh. Suốt 2 ngày 3 đêm (từ 13h30 phút ngày 26/6 đến 23h ngày 28/6) quần thảo với “giặc lửa” trên núi Rú Bạc, lực lượng chữa cháy đã khống chế dập tắt được ngọn lửa. Do trời nóng, nhiệt độ cao, nhiều người tham gia chữa cháy bị thiếu nước, bị thương rồi ngất đi phải đưa xuống khu vực lán trại dưới chân núi để sơ cứu và nghỉ ngơi…

Liên tiếp các vụ cháy rừng xảy ra khiến cả hệ thống chính quyền cùng lực lượng kiểm lâm phải căng mình cứu rừng

Chưa kịp lấy lại sức thì vào lúc 14h 30 phút ngày 29/6, đám cháy bùng phát trở lại lây lan sang khu vực rừng tại xã Diễn Phú. Lúc này, lực lượng Kiểm lâm huyện Diễn Châu lập tức có mặt tại hiện trường tham gia chữa cháy.

Ông Lê Minh Nguyên – Hạt Trưởng Hạt Kiểm lâm Diễn Châu cho biết, các lực lượng tham gia chữa cháy rừng đã nỗ lực hết sức mình, xuyên rừng, băng khe, lội suối để dập lửa, cứu rừng nhờ vậy mà đến 19h 30 phút ngày 29/6 đám cháy tại khoảnh 7, tiểu khu 897 trên địa bàn xã Diễn Phú, huyện Diễn Châu đã cơ bản được khống chế.

Chưa kịp mừng thì, vào lúc 19h45 phút ngày 29/6 tại xã Diễn An ngọn lửa lại tiếp tục bùng phát tại lô 19,28 khoảnh 2 tiểu khu 896L. Với sự huy động của chính quyền nhân dân cùng các lực lượng, bằng sự kiên trì, nỗ lực khoảng 2 giờ sáng ngày 30/6, ngọn lửa đã cơ bản được không chế.

Những phút giây nghỉ ngơi khi đám cháy rừng mới được khống chế

Chỉ trong vòng 4 ngày 26 đến 29/6, những cánh rừng thông thuộc địa bàn huyện Diễn Châu xuất hiện liên tiếp nhiều vụ cháy rừng, các cán bộ kiểm lâm cùng các lực lượng khác chưa được nghỉ ngơi.

Căng mình bảo vệ những cánh rừng xanh
Ông Trần Minh Hạnh – Chủ tịch UBND xã Diễn Phú cho biết, đám cháy đã thiêu trụi hơn 72 hecta rừng thông, trong đó hơn 20 hecta diện tích rừng bị cháy không có khả năng phục hồi. Thời điểm xảy ra vụ cháy, toàn bộ cán bộ xã, lực lượng dân quân, người dân địa phương được vận động tham gia chữa cháy.

Đám cháy vừa qua xảy ra trên khu vực Rú Bạc, đây là khu vực đồi núi cao, dốc đứng do đó khi tiếp cận hiện trường đám cháy rất khó khăn. Nhiều người vừa lên đến điểm cháy thì đã kiệt sức, vì không đem theo nước lại bị sức nóng của ngọn lửa nên không có cách gì khác là phải xuống núi đi về.

Từng ngồi với một số cán bộ kiểm lâm trong những ngày đầu hè, chúng tôi thấu hiểu phần nào những khó khăn, vất cả và cả những thiệt thòi của những người làm công tác bảo vệ rừng cùng với gia đình mình. Nhiều cán bộ kiểm lâm có vợ là giáo viên hoặc các viên chức ngành nghề khác nhau. Đến hè, ai cũng muốn gia đình mình được nghỉ ngơi, quây quần bên nhau và có những chuyến du lịch đây đó cùng gia đình và bè bạn. Nhưng với họ, những cán bộ kiểm lâm họ không có mùa hè, bởi đây là thời gian mà thường xuyên xảy ra cháy rừng. Họ thậm chí cả tháng trời không có mặt ở nhà vì cháy rừng hết chỗ này lại phải đến chỗ kia, rồi lên phương án khắc phục hậu quả….

Cái khó nhất là vào ban đêm mà đám cháy lại xảy ra ở những nơi không có đường đi hay lối mòn để tiếp cận. Nhiều anh em đã phải uống cả phần nước trong can nhựa dùng để chữa cháy rừng để có sức dập lửa khi đến nơi. Đường rừng nhiều dốc cao nguy hiểm, dây leo, bụi gai chằng chịt khiến nhiều người bị thương trong quá trình chữa cháy nhưng tất cả đều nỗ lực bảo vệ rừng...

Xót xa những rừng thông bị lửa thiêu trụi

Những đám cháy rừng xuất hiện trên địa bàn đều xuất phát từ những cánh rừng thông. Điểm đặc biệt của các vụ cháy rừng thông là tốc độ lửa lan nhanh với diện tích lớn khiến công tác chữa cháy gặp nhiều khó khăn, nguy hiểm. Ông Lê Minh Nguyên cho biết, “Những anh em tham gia chữa cháy rừng thông đôi khi bị lửa “bao vây” kẹt giữa đám cháy nguy hiểm đến cả tính mạng. Vì thế, với những đám cháy rừng thông phải huy động lực lượng đông đảo, phương tiện đầy đủ cũng như các phương án chữa cháy được tiến hành nhịp nhàng mới có thể chống lại “giặc lửa”.

Là cán bộ chuyên trách lâm nghiệp, phụ trách công tác phòng chống cháy rừng ông Nguyễn Xuân Thuận – cán bộ lâm nghiệp xã Diễn Phú, huyện Diễn Châu cho hay, việc dập lửa trên đồi núi cao không hề đơn giản. Vừa phải đồng sức đồng lòng, lại vừa phải phối hợp nhịp nhàng với các lực lượng khác thì việc chữa cháy mới có hiệu quả.

“Để bảo vệ tài nguyên rừng cho Tổ quốc, ngoài lực lượng Kiểm lâm chuyên trách như chúng tôi, cần lắm sự vào cuộc của các cấp, ngành, các lực lương Công an, Bộ đội, dân quân tự vệ và người dân chung tay đồng hành cùng chúng tôi trong công tác giữ gìn, bảo vệ “lá phổi xanh” cho đất nước...”, ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Nghệ An cho hay.

Phủ Quỳ - Trần Thảo

Nguồn Sao Pháp Luật: https://sao.baophapluat.vn/tin-tuc/chi-tiet/bai-2-xuyen-ngay-trang-dem-chien-dau-voi-giac-lua-11638/