Bài 2: Nhân dân chung sức, đồng lòng

Thời gian qua, bằng nhiều chủ trương, giải pháp, cách làm linh hoạt, Hà Tĩnh đã tạo được sự đồng thuận, huy động sức dân, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội. Có được kết quả ấy là nhờ Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh đã làm tốt 3 phần việc: Hiểu lòng dân, làm việc dân cần và định hướng nhân dân tham gia công cuộc kiến thiết, đổi mới.

Lắng nghe dân

Thật tình cờ, chúng tôi về huyện miền núi Hương Sơn vào đúng mùa hươu sao cho "lộc", khắp xóm làng, đến đâu cũng rộn ràng tiếng nói cười như có hội. Mặt trời đứng bóng, gạt giọt mồ hôi nhễ nhại lăn trên gò má, đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Đảng ủy xã Sơn Châu nhã nhặn bảo: “Xin phép các anh, bà con đang nóng lòng đợi, có việc gì ta bàn sau, đã hẹn với dân đừng để dân chờ lâu”.

Vừa đặt chân đến thôn Đông, xã Sơn Châu, Bí thư chi bộ thôn và nhiều bà con đã đứng chờ sẵn tại nhà văn hóa. Như bao lần khác cùng với người dân, trong trang phục giản dị, đầu đội mũ cứng, anh Tuấn vui vẻ, hòa vào chuyện trò như người thân trong gia đình.

Người dân xã Sơn Châu (Hương Sơn, Hà Tĩnh) giới thiệu mô hình vườn cây thanh long cho năng suất cao. Ảnh: Phạm Kiên

Thời gian qua, nhờ tăng cường đối thoại, trao đổi, lắng nghe dân mà xã đã hóa giải được nhiều vụ việc phức tạp, nhiều năm trở lại đây không còn đơn thư khiếu kiện. Ví như cách đây chưa lâu, có hai hộ dân tranh chấp một phần đất khai hoang, mãi không giải quyết được, gửi đơn thư nhiều nơi.

Xác định việc của dân là việc của mình, nhiều lần, cán bộ xã Sơn Châu đến trao đổi, tâm sự và đề xuất: Phần nào còn chồng lấn, tranh chấp lâu nay thì cho xã xin lại để... chia đều cho hai hộ dân. Thấy lợi ích hài hòa, hợp tình, hợp lý, hai hộ dân đã đồng thuận, hóa giải mâu thuẫn bấy lâu. Với hơn 1.000 hộ dân, hơn 30% là đồng bào Thiên Chúa giáo, năm 2014, Sơn Châu là một trong những xã đầu tiên của huyện về đích nông thôn mới (NTM).

Trong suốt nhiều ngày cùng đoàn công tác Báo Quân đội nhân dân về làm việc ở cơ sở, mặc dù đeo khẩu trang kín mít nhưng nhiều người dân vẫn nhận ra đồng chí Nguyễn Đăng Lộc, Trưởng phòng Dân tộc-Tôn giáo, Ban Dân vận Tỉnh ủy Hà Tĩnh. Như gặp lại người thân, ai nấy đều ân tình mời anh vào nhà uống nước chè xanh rồi ôn lại chuyện cũ.

Anh Lộc tâm sự: “Người Hà Tĩnh trọng khách là vậy nhưng thời điểm làm công tác dân vận giải phóng mặt bằng dự án Formosa (thị xã Kỳ Anh), có nơi hễ thấy cán bộ đến là họ cửa đóng then cài, không tiếp, mời lên xã họ cũng không lên. Qua cộng tác viên dư luận xã hội thì mới hay, một bộ phận người dân lâu nay hoài nghi có cán bộ đang trục lợi chính sách. Có người bày tỏ không bằng lòng về cách đền bù giải phóng mặt bằng".

Đồng chí Nguyễn Văn Hảo, Trưởng ban Dân vận Thị ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thị xã Kỳ Anh tiếp lời: “Có nhiều cách để hiểu lòng dân, nhưng quan trọng nhất là cán bộ, đảng viên phải thực sự gương mẫu và thực tâm về với dân. Phải được dân tin tưởng thì dân mới chia sẻ và đồng thuận”.

Sau lần đó, Ban Thường vụ Thị ủy Kỳ Anh đã thành lập 3 đoàn công tác do đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thị ủy làm trưởng đoàn, thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, vận động ở các xã, phường đang thực hiện giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án trọng điểm. Mỗi cán bộ trong Ban Thường vụ theo dõi một địa bàn, tham gia sinh hoạt cùng chi bộ thôn. Hằng tháng, tổ chức gặp mặt, đối thoại với dân để vừa cung cấp thông tin chính thống, vừa lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của dân và giải quyết trực tiếp. Các ngày lễ, tết thì ghé nhà dân thăm hỏi, động viên. Được gần dân, lắng nghe dân nên nhiều vụ việc được giải quyết kịp thời.

Đồng chí Trương Thanh Huyền, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Hà Tĩnh cho biết thêm: “Chúng tôi xác định người dân là chủ thể. Vấn đề là cán bộ làm sao phải hiểu được lòng dân, làm cho dân hiểu, dân tin và vận động dân làm theo thì sự nghiệp cách mạng mới thành công”.

Kinh nghiệm ở Hà Tĩnh cho thấy: Việc tăng cường tiếp xúc, đối thoại, lắng nghe ý kiến nhân dân được xác định là một kênh thông tin quan trọng để kịp thời nắm bắt, giải quyết những vấn đề phát sinh. Đó cũng là tinh thần của Quyết định số 657-QĐ/TU ngày 4-4-2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Theo đó, vào ngày 15 hằng tháng, đồng chí bí thư cấp ủy các cấp, Chủ tịch HĐND, UBND các cấp thực hiện tiếp xúc, đối thoại với nhân dân. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức tiếp công dân gần 6.200 lượt người, trong đó có 113 đoàn đông người. Từ đây, những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong đời sống nhân dân kịp thời được giải quyết.

Làm việc dân cần

Tại buổi làm việc với Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh, chúng tôi gặp lại Thượng tá Phan Huy Tâm, Chủ nhiệm Chính trị Bộ CHQS tỉnh, người có kinh nghiệm nhiều năm đối thoại giải quyết những vụ việc phức tạp trong dân. Theo lời anh Tâm thì mấy năm trước, trục đường liên thôn của xã Phúc Đồng, huyện Hương Khê dài hơn 1km chưa có mương thoát nước nên chỉ một trận mưa là “đường thành sông”. Tại cuộc tiếp xúc, đối thoại với nhân dân của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền xã, một số hộ đề nghị khẩn trương hoàn thiện hạng mục xây mương thoát nước, đường giao thông.

Cán bộ xã Sơn Châu (Hương Sơn, Hà Tĩnh) trao đổi kinh nghiệm huy động sức dân xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Phạm Kiên

Được giao nhiệm vụ đỡ đầu xã Phúc Đồng về đích NTM, Bộ CHQS tỉnh huy động gần 100 cán bộ, chiến sĩ phối hợp với dân quân và nhân dân giúp địa phương phát quang, khơi thông, xây mương thoát nước, chỉnh trang khuôn viên và đổ bê tông sân nhà văn hóa thôn, bảo đảm theo tiêu chí NTM. Từ năm 2010 đến nay, LLVT toàn tỉnh đã huy động hơn 110.000 ngày công tham gia xây dựng NTM trên địa bàn 13 huyện, thị xã, thành phố, tổng trị giá vật tư và ngày công quy đổi ước tính 26,3 tỷ đồng. Đến nay, Bộ CHQS tỉnh đã giúp 5 xã đỡ đầu đạt chuẩn NTM.Đồng chí Nguyễn Viết Dũng, Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Hương Sơn nhận định: “Làm cán bộ thì phải biết nghĩ về lợi ích của dân, việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, việc gì không có lợi cho dân thì hết sức tránh nên có những việc dân đề xuất nhưng chưa đúng thì phải trao đổi cho hài hòa, hợp tình, hợp lý”.

Minh chứng là, vừa qua, nhiều hộ dân ở Hương Sơn không đồng thuận xây dựng nhà máy rác, lại có đối tượng xấu xúi giục, hàng trăm hộ dân bị lôi kéo và tụ tập chống đối. Cán bộ huyện tổ chức thành các đoàn công tác về đối thoại với dân. Một mặt, cán bộ giải thích cho dân hiểu về ý nghĩa thiết thực của việc xây dựng nhà máy xử lý rác; mặt khác, lắng nghe dân, kịp thời điều chỉnh những nội dung chưa phù hợp. Cuối cùng, nhà máy xử lý rác được xây dựng với sự đồng thuận rất cao của nhân dân.

Để làm việc dân cần, nhiều nơi ở Hà Tĩnh, cán bộ lại chủ động tìm hiểu những khó khăn của dân để hỗ trợ. Chuyện là, qua kênh cộng tác viên dư luận xã hội, cán bộ phường Kỳ Long, thị xã Kỳ Anh biết chuyện một bộ phận giáo dân không hài lòng với những quy định khắt khe của linh mục, như: Đám cưới thì không được mở nhạc, không được mời khách; 4 giờ sáng hằng ngày mở nhạc thánh ca và giảng đạo gây ảnh hưởng các hộ xung quanh...

Lãnh đạo phường Kỳ Long đã đến gặp gỡ các linh mục, trao đổi, tâm sự và đề xuất kiến nghị của dân. Để thay đổi quy định của giáo dân là không dễ, nhưng vừa tuyên truyền, vận động, vừa tạo điều kiện cho các linh mục: Lập khu nghĩa trang riêng cho giáo dân, ưu tiên làm đường, hỗ trợ phòng, chống dịch... Thấy được sự quan tâm và chân thành của lãnh đạo phường, các linh mục đã bỏ những quy định cũ, dựng xây nếp sống văn hóa phù hợp với lòng dân.

Sau nhiều ngày làm việc, tiếp xúc với cán bộ, đảng viên các cấp của tỉnh Hà Tĩnh, chúng tôi có thêm dữ liệu để khẳng định: Tinh thần “lắng nghe dân và làm việc dân cần” luôn thể hiện rõ trong lời nói và hành động của mỗi cá nhân, tập thể.

Đó cũng là tinh thần mà đồng chí Hoàng Trung Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh chia sẻ với chúng tôi trước thềm kỷ niệm 65 năm Ngày Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh (15-6-1957 / 15-6-2022): “Mấy năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh xác định tập trung nguồn lực hướng về cơ sở. Thay vì tổ chức lễ kỷ niệm quy mô thì Hà Tĩnh sẽ dành một phần nguồn kinh phí đó và huy động nguồn lực xã hội để giúp dân. Như năm 2021, tỉnh đã xây dựng 41 nhà văn hóa cộng đồng kết hợp với tránh lũ, bão, gần 3.500 nhà ở kiên cố cho các hộ dân với nguồn kinh phí gần 300 tỷ đồng... Qua đó phát huy truyền thống đồng sức đồng lòng của nhân dân cùng cấp ủy, chính quyền địa phương tham gia xây dựng NTM”.

Huy động sức dân

Lẽ thường thứ bảy là ngày nghỉ nhưng với cán bộ xã Mỹ Lộc, huyện Can Lộc, đó là ngày để về với các thôn, tham gia xây dựng NTM. Tất bật trong bộ trang phục bảo hộ lao động sờn vai, đồng chí Trần Sỹ Lương, Chủ tịch UBND xã Mỹ Lộc nói: “Mời các anh về thôn Đại Đồng thực mục sở thị, hôm nay, cán bộ xã cùng nhân dân làm đường giao thông, khơi thông hệ thống thoát nước ở đó”.

Cùng chúng tôi đi trên con đường bê tông thẳng mịn, hai bên đường, hệ thống bờ rào phủ một màu xanh mướt đều tít tắp, anh Lương giới thiệu: “Đại Đồng là thôn kiểu mẫu từ năm 2020, toàn thôn có hệ thống đèn chiếu sáng năng lượng mặt trời, hệ thống camera an ninh trên khắp đường làng. Đây là thành quả của việc huy động sức dân làm NTM”.

Nhìn khung cảnh ấy, ít ai ngờ được, trước đây, Mỹ Lộc hầu hết là vườn tạp, cây cối um tùm mà không có giá trị. Nhiều hộ dân tự phát trồng cây ăn quả, nuôi cá trê nhưng vì theo phong trào, làm nhỏ lẻ, thiếu phương pháp và kỹ thuật nên hiệu quả không cao. Bộ mặt nông thôn có mới nhưng thiếu sự đồng bộ.

Để huy động sức dân cùng làm vườn mẫu, cán bộ xã, thôn đã thành lập đoàn công tác, vừa tuyên truyền, vận động, phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, vừa huy động nguồn lực xã hội, nhờ đó, mô hình vườn mẫu đã được nhân rộng trong toàn xã, huyện. Tính đến nay, Can Lộc đã hoàn thành 100% xã NTM; có 5/16 xã NTM nâng cao; có 113/163 thôn dân cư kiểu mẫu, hơn 1.000 vườn mẫu, hệ thống đường giao thông được đồng bộ hóa.

Đồng chí Võ Xuân Linh, Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Can Lộc khẳng định: “Chúng tôi xác định, trong công cuộc xây dựng NTM, không ai được phép đứng ngoài cuộc. Can Lộc lại có cách làm riêng, đó là dùng người của địa phương này giúp địa phương khác; cán bộ, công chức xã này đến giúp xã khác. Không chỉ trao đổi kinh nghiệm mà còn tạo ra sức thi đua, cạnh tranh, nhà nhà, người người cùng làm NTM.

Khảo sát ở nhiều huyện, thị xã trên địa bàn Hà Tĩnh, chúng tôi thấy rằng, chuyện “Ngày nghỉ dành cho NTM” đã trở thành phong trào sâu rộng trong toàn tỉnh. Việc làm này góp phần khơi dậy, tập hợp các nguồn lực xây dựng NTM, tạo không khí sôi nổi trong các tầng lớp nhân dân, trở thành giá trị văn hóa cốt lõi, bền vững trong xây dựng NTM. Từ đầu nhiệm kỳ mới tới nay, Hà Tĩnh đã huy động cán bộ, đảng viên và nhân dân hiến đất, đóng góp kinh phí, tham gia hỗ trợ ngày công làm mới hơn 1.021km đường giao thông nông thôn, 173,3km rãnh thoát nước, hơn 102km kênh mương nội đồng, làm mới, nâng cấp 10 nhà văn hóa xã, 8 khu thể thao xã, 34 nhà văn hóa thôn...

Từ một tỉnh có nguồn thu ngân sách thấp nhất trong khu vực, Hà Tĩnh đã vươn mình trỗi dậy, được Chính phủ đánh giá thuộc tốp đầu của cả nước trong xây dựng NTM. Với tư duy sáng tạo, quyết liệt trong cách làm, đồng thời tập hợp được sức mạnh của quần chúng nhân dân chung tay xây dựng NTM, Hà Tĩnh hôm nay đã thực sự chuyển mình, thực hiện đúng lời Bác Hồ dạy năm xưa: “Hà Tĩnh phải làm sao cho tình hình nổi bật lên!”.

Hà Tĩnh phấn đấu đến năm 2025 được công nhận “Tỉnh đạt chuẩn NTM”, trong đó có 13/13 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, có ít nhất 3 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao; 100% số xã đạt chuẩn NTM. Hà Tĩnh sẽ tập trung phát huy những thành tựu, bài học kinh nghiệm, cách làm hay từ thực tiễn xây dựng NTM, đồng thời khơi dậy, phát huy tinh thần tự chủ, tự lực, tự cường của người dân.

(còn nữa)

Nhóm PV Báo QĐND

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/bai-2-nhan-dan-chung-suc-dong-long-696680