Bài 2: Năng lực cán bộ quyết định chất lượng giáo dục chính trị

Thực hiện Đề án 'Đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới' (gọi tắt là đề án) của Bộ Quốc phòng, 5 năm qua, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân đoàn 1 đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đổi mới đồng bộ các yếu tố của quá trình giáo dục chính trị (GDCT), trong đó xác định: Đổi mới chủ thể giáo dục là ưu tiên; đổi mới phương pháp là đột phá.

Tập trung lãnh đạo đổi mới, hoàn thiện chủ thể giáo dục

Đại tá Nguyễn Bá Thông, Phó chính ủy Quân đoàn 1, khẳng định: “Việc đổi mới GDCT nhất thiết phải được tiến hành đồng bộ ở tất cả các khâu, các bước, quy trình GDCT; nhất là phải chú trọng đổi mới các nhân tố của quá trình đó. Thế nhưng, căn cứ vào thực tiễn từng đơn vị, ở từng giai đoạn, cấp ủy, người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên xác định những nhân tố ưu tiên, cần tập trung lãnh đạo đột phá đổi mới. Xét về nguyên tắc, trong các nhân tố của GDCT thì nhân tố chủ thể giữ vai trò quyết định đến chất lượng GDCT. Đó là lý do Đảng ủy, Bộ tư lệnh quân đoàn tập trung đổi mới nhân tố này.

Từ quan điểm đó, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân đoàn 1 thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới toàn diện nhận thức, tư duy của các cấp về vai trò, vị trí của đội ngũ cán bộ GDCT; xác định những tiêu chí cần thiết, với yêu cầu cao về phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ GDCT ở mỗi cấp. Đảng ủy cũng ban hành các nghị quyết lãnh đạo về công tác cán bộ, chú trọng xác định chủ trương, giải pháp lãnh đạo kiện toàn đội ngũ cán bộ giảng dạy chính trị bảo đảm đủ về số lượng, có chất lượng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác GDCT.

Duy trì thảo luận chính trị ở Sư đoàn 312, Quân đoàn 1.

Xác định nhiệm vụ nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chính trị là trọng tâm, cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy và cơ quan chính trị các cấp thường xuyên quan tâm, bồi dưỡng, rèn luyện toàn diện về phẩm chất, năng lực thực hiện chức trách, nhiệm vụ cho đội ngũ cán bộ giảng dạy chính trị. Cấp trung, lữ đoàn và tương đương tổ chức bồi dưỡng mỗi quý một lần; cấp sư đoàn và tương đương bồi dưỡng theo nền nếp 6 tháng một lần; duy trì nghiêm túc hoạt động của các tổ giáo viên khi thông qua và phê duyệt bài giảng; bồi dưỡng phương pháp duy trì thảo luận cho cán bộ trung đội. Tổ chức tốt hội thao, hội thi báo cáo viên, giáo viên chính trị giỏi theo quy định. Đến nay, 100% cán bộ chính trị của quân đoàn đảm nhiệm được trên cương vị giáo viên, có hơn 80% đạt khá, giỏi; nhiều đồng chí đạt giải cao trong các cuộc hội thao, hội thi được đơn vị tôn vinh và tổ chức trao đổi kinh nghiệm với đội ngũ cán bộ GDCT ở cơ sở...

Trường Quân sự Quân đoàn rất chú trọng công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên giảng dạy chính trị nói riêng, đội ngũ cán bộ chính trị các cấp nói chung. Đại tá Mã Việt Hùng, Phó chính ủy nhà trường, cho biết: “Hằng năm, nhà trường tổ chức nhiều khóa, đợt bồi dưỡng cho 100% cán bộ GDCT với hai đối tượng chính là giáo viên giảng dạy chính trị và cán bộ chính trị các cấp; tạo điều kiện tối đa để đội ngũ giáo viên được học tập, nâng cao trình độ. Đến nay, đội ngũ giáo viên giảng dạy chính trị của nhà trường có trình độ trên đại học chiếm gần 20%. Công tác bồi dưỡng giáo viên GDCT là hoạt động thường xuyên, được duy trì hằng tuần bắt đầu từ tổ, bộ môn đến khoa. Mục tiêu chính là nâng cao chất lượng soạn giảng, chuẩn bị chuyên đề và tổ chức thục luyện; chuẩn hóa các nội dung để người giảng tăng thêm thời gian thục luyện nên chất lượng được nâng cao”.

Tại Sư đoàn 308, theo Thượng tá Nguyễn Thế Mạnh, Chủ nhiệm Chính trị sư đoàn, để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ GDCT, các tổ giáo viên GDCT được thành lập từ cấp tiểu đoàn đến khối cơ quan trung đoàn. Hoạt động thông qua giáo án được duy trì nền nếp; giáo viên GDCT thường xuyên được tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, kiến thức thông qua các hội thi; cấp trên bồi dưỡng cấp dưới... Bên cạnh đó, sư đoàn đã sử dụng những giảng viên ở các trường sĩ quan về đơn vị thực tế để bồi dưỡng phương pháp sư phạm cho cán bộ GDCT.

Ở Quân đoàn 1, trong 5 năm qua, phong trào tự học, tự bồi dưỡng được duy trì nền nếp, tự giác ở tất cả các cấp với quan điểm: Cấp trên bồi dưỡng cấp dưới; cán bộ GDCT có nhiều kinh nghiệm bồi dưỡng cán bộ trẻ... Việc bồi dưỡng diễn ra thường xuyên, trở thành nền nếp ở mọi cấp.

Đại tá Phạm Quốc Hóa, Chủ nhiệm Chính trị Quân đoàn 1, khẳng định, cùng với việc làm tốt công tác bồi dưỡng, đơn vị quan tâm lựa chọn, gửi cán bộ GDCT đi bồi dưỡng, đào tạo tại các trung tâm, học viện, nhà trường trong và ngoài quân đội. Nhờ đó, đến nay 100% cán bộ GDCT có trình độ đại học, có khả năng sư phạm tốt.

Đột phá đổi mới phương pháp giáo dục

Triển khai thực hiện đề án, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân đoàn 1 xác định đổi mới phương pháp GDCT là khâu đột phá để nâng cao chất lượng GDCT trong giai đoạn hiện nay và quán triệt nghiêm túc đến cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy và cơ quan chính trị các cấp.

Bám sát đề án được Bộ Quốc phòng phê duyệt, các chỉ thị, hướng dẫn của cơ quan cấp trên, Trường Quân sự Quân đoàn 1 cùng với tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên GDCT và cán bộ chính trị các cấp, còn chú trọng đổi mới phương pháp GDCT. Các bài giảng đều được chuẩn bị công phu, bao gồm soạn nội dung bài giảng và thiết kế phần mềm trình chiếu, thực hiện nghiêm quy trình thông qua bài giảng; vận dụng linh hoạt các hình thức giáo dục phù hợp, như: Giới thiệu tập trung theo phương pháp kết hợp giữa truyền thống và hiện đại; 100% các chuyên đề sử dụng phương tiện trình chiếu power point kết hợp nêu vấn đề gợi mở để từng cá nhân tự nghiên cứu học tập. Quá trình giảng dạy là quá trình đối thoại, trao đổi, nêu vấn đề theo hướng phát huy tính tích cực của đối tượng học tập; định hướng vấn đề thảo luận và viết thu hoạch, đánh giá kết quả. Do vậy, chất lượng GDCT được nâng lên rõ rệt so với trước khi thực hiện đề án; kết quả GDCT của nhà trường từ năm 2013 đến nay đều đạt khá, giỏi. Theo Đại tá Phạm Mạnh Hùng, Trưởng khoa Khoa học xã hội và nhân văn: Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường xác định đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng bám sát đối tượng, nghĩa là đối tượng nào thì phương pháp ấy, chứ không dập khuôn, máy móc. Ví dụ, với đối tượng sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp (QNCN), nhà trường tập trung phương pháp thuyết trình kết hợp sơ đồ tư duy. Nhưng với đối tượng hạ sĩ quan, khẩu, tiểu đội trưởng thì tăng cường mô hình trực quan và mô hình hóa bài giảng trên sơ đồ, coi trọng hướng dẫn hành động và phương pháp để sau này anh em về đơn vị trực tiếp nắm và giải quyết tư tưởng, giáo dục, hướng dẫn chiến sĩ, duy trì sinh hoạt và động viên bộ đội hoàn thành tốt nhiệm vụ...

Tìm hiểu ở các đơn vị thuộc Quân đoàn 1, chúng tôi được biết, trước đây GDCT chủ yếu được thực hiện theo phương pháp đọc-chép, giữa người dạy và người học ít có sự tương tác, phản hồi. Từ khi triển khai đề án, những giờ GDCT không còn khô cứng, mà thay vào đó là những giờ lên lớp hết sức sinh động. Người dạy và người học tích cực tương tác, thảo luận, lấy ví dụ sát thực tế từng đối tượng. Quá trình thảo luận cũng là quá trình kiểm tra, phân loại trình độ, nhận thức của người học.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân đoàn 1, khẳng định: “Đến nay, toàn quân đoàn không còn tình trạng GDCT theo lối cũ, đọc-chép; năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ chính trị được nâng lên rõ rệt; tạo chuyển biến rõ nét về chất lượng GDCT của quân đoàn. Đổi mới chủ thể và phương pháp, có nghĩa là đã tạo ra những đột phá đúng đắn để đổi mới toàn diện các nhân tố của quá trình GDCT”.

Bài và ảnh: Nhóm PV CTĐ, CTCT

----------------------------------------

(còn nữa)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/bai-2-nang-luc-can-bo-quyet-dinh-chat-luong-giao-duc-chinh-tri-552151