Bài 2: Chỉ đạo quyết liệt, triển khai đồng bộ các giải pháp (Tiếp theo và hết)
Đất nước ta đang đứng trước nhiều thời cơ, thuận lợi, nhưng cũng nhiều khó khăn, thách thức đan xen, nhiều vấn đề mới đặt ra phải giải quyết. Trong bối cảnh đó, việc xác định đúng các giải pháp cơ bản xây dựng 'thế trận lòng dân' vững chắc là việc làm có ý nghĩa rất quan trọng.
1. Những năm qua, đặc biệt trong sự nghiệp đổi mới, để phát huy mọi tiềm lực, sức mạnh lòng dân tạo động lực tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh (QP, AN) gắn với thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH), nhiều chính sách phù hợp với thực tiễn đất nước, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng và lợi ích chính đáng của nhân dân được Đảng ta ban hành. Đặc biệt, Đảng ta đã có nhiều chủ trương, chính sách ưu tiên chăm lo cải thiện đời sống nhân dân ở những địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số... Sức mạnh của “ý Đảng, lòng dân” đã đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng KT-XH và tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh...
2 . Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc giữ “an dân”, xây dựng “thế trận lòng dân” còn nhiều hạn chế, bất cập. Đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, nhất là ở địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng căn cứ cách mạng. Công tác giải quyết những vấn đề nổi cộm, bức xúc trong nhân dân có nơi, có thời điểm, có vụ việc chưa kịp thời. Đơn thư khiếu nại, tố cáo của người dân không ít trường hợp thiếu kiên quyết, chưa dứt điểm dẫn đến phức tạp, kéo dài, để kẻ xấu xúi giục, kích động và các thế lực thù địch lợi dụng chống phá, gây phân tâm trong xã hội, chia rẽ mối quan hệ mật thiết giữa nhân dân với Đảng, làm suy giảm sức mạnh “thế trận lòng dân”.
Những tồn tại ấy ảnh hưởng không nhỏ đến sự đồng thuận, tinh thần đoàn kết trong xã hội, khiến cho một bộ phận nhân dân suy giảm niềm tin vào Đảng, Nhà nước và chế độ, ảnh hưởng không nhỏ đến xây dựng, củng cố “thế trận lòng dân”. Mặt khác xây dựng “thế trận lòng dân” trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, hội nhập quốc tế, bên cạnh những thuận lợi chúng ta còn gặp không ít khó khăn, trở ngại. Thực tế cho thấy, xây dựng “thế trận lòng dân” vừa là yêu cầu, đòi hỏi khách quan của cách mạng, vừa là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Để phát huy sức mạnh lòng dân, “thế trận lòng dân”, chúng ta cần chỉ đạo quyết liệt, tiến hành đồng bộ những giải pháp cơ bản như sau:
Một là, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của lòng dân, “thế trận lòng dân”. Công tác tuyên truyền, giáo dục phải hướng vào làm cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhận rõ, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc là nội dung xuyên suốt trong “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” và tiếp tục được thể hiện tập trung, nhất quán trong Chiến lược Quốc phòng Việt Nam. Đặc biệt là nội dung văn kiện Đại hội XIII của Đảng tiếp tục xác định: “Thực hiện nghiêm túc quan điểm "dân là gốc";... Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân;... lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu, củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ XHCN...”.
Cùng với tập trung làm cho mọi người dân nhận thức sâu sắc về quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về xây dựng “thế trận lòng dân”, cần làm cho nhân dân hiểu rõ quyền lợi, trách nhiệm của mình, từ đó tự nguyện, tự giác tham gia xây dựng, củng cố “thế trận lòng dân” với tư cách là chủ thể sáng tạo. Công tác tuyên truyền vừa phải triển khai rộng khắp đến từng địa bàn, từng lĩnh vực, từng đối tượng, vừa phải có trọng tâm, trọng điểm, bám sát nhiệm vụ chính trị, hướng mạnh về cơ sở, chú ý địa bàn chiến lược.
Hai là, tiếp tục đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí với tinh thần “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”. Coi đây là biện pháp tốt nhất để củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ, tăng cường sức mạnh “lòng dân”, “thế trận lòng dân”. Đồng thời phải kiên quyết làm trong sạch đội ngũ cán bộ của Đảng, gắn với tăng cường công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh; chú trọng xây dựng, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, nhất là ở cấp cơ sở.
Thực tế cho thấy, tham nhũng chủ yếu rơi vào những người có chức vụ và họ đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi. Mặt khác, tham nhũng, lãng phí thường xảy ra ở những cơ quan, đơn vị, tổ chức buông lỏng lãnh đạo, quản lý; nhất là những người đứng đầu tổ chức, cơ quan, đơn vị thiếu gương mẫu, thiếu trách nhiệm và thiếu quyết tâm. Do đó, cần phải gắn công tác cán bộ, nhất là việc bố trí, sắp xếp, sử dụng cán bộ với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách cần được bổ sung, hoàn thiện chặt chẽ hơn, không tạo ra kẽ hở để cho những cán bộ, đảng viên, công chức thoái hóa, biến chất lợi dụng thực hiện hành vi tham nhũng, lãng phí. Mọi hành vi tham nhũng phải được xử lý nghiêm minh theo kỷ luật của Đảng và pháp luật Nhà nước.
Kinh nghiệm cho thấy, muốn nhân dân tin tưởng, “thế trận lòng dân” vững chắc thì từng tổ chức đảng, đảng viên phải thực sự trong sạch, vững mạnh. Cán bộ, đảng viên phải nêu gương trước quần chúng, trước nhân dân.
Ba là, thường xuyên quan tâm, chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Quan điểm “lấy dân làm gốc” phải là cơ sở cho việc hoạch định đường lối phát triển KT-XH. Mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đều phải hướng đến người dân, lấy phục vụ nhân dân làm mục đích cao nhất. Tiếp tục mở rộng dân chủ, phát huy tâm sức, trí tuệ của toàn dân, nhất là trong xây dựng, ban hành các chủ trương, chính sách cần bám sát thực tiễn, phù hợp với tình hình nhiệm vụ cụ thể, nhất là phải hợp lòng dân, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng, quyền lợi chính đáng của nhân dân. Đồng thời, phải có cơ chế phù hợp để trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, nhân dân đều được bàn, được làm, được kiểm tra, giám sát, phản biện.
Các cấp, các ngành, các địa phương từ Trung ương tới cơ sở theo chức năng, nhiệm vụ cần chủ động, tích cực phối hợp đồng bộ, chặt chẽ để hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân ứng dụng khoa học-công nghệ vào phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống. Cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng các cấp và cả hệ thống chính trị phải đi sâu, đi sát cơ sở, nắm bắt, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, bất cập phát sinh trong đời sống nhân dân.
Bốn là, đẩy mạnh hơn nữa công tác dân vận (CTDV) theo hướng đổi mới, sáng tạo, thiết thực nhằm củng cố, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân. Bác Hồ đã dạy: “... Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Thấm nhuần lời dạy của Người, chúng ta cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với CTDV trong tình hình mới. CTDV cần bám sát mục tiêu: Nâng cao trách nhiệm, đổi mới cơ chế, phương thức, phối hợp chặt chẽ, tạo sự đồng bộ, thống nhất, nâng cao hiệu quả CTDV của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị. Nội dung, phương thức tiến hành CTDV cần đổi mới mạnh mẽ, hướng mạnh về cơ sở để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân; góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Gắn CTDV với công tác xây dựng Đảng và chức năng, nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị.
CTDV của quân đội tiếp tục đổi mới theo phương châm hướng mạnh về cơ sở, chú trọng địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đồng bào tôn giáo. Hình thức tiến hành CTDV phải đổi mới thường xuyên, phát hiện, xây dựng, nhân rộng nhiều mô hình dân vận sáng tạo, hiệu quả. Cơ chế phối hợp giữa các đơn vị quân đội với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương cần tiếp tục hoàn thiện nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng trong CTDV.
Năm là, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống “tự diễn biến”,“tự chuyển hóa” trong nội bộ gắn với tăng cường đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; kiên quyết làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Một nội dung có tính quyết định thành bại của cuộc đấu tranh phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là ý thức tự giác rèn luyện, tu dưỡng, nâng cao khả năng “tự bảo vệ”, tăng cường “sức đề kháng” trước những tác động tiêu cực của mỗi cán bộ, đảng viên. Song hành với đó là công tác tuyên truyền, giáo dục, quản lý và rèn luyện của tổ chức thông qua thực hiện nguyên tắc, kỷ luật Đảng và pháp luật Nhà nước.
Cùng với đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, chúng ta phải đẩy mạnh cuộc đấu tranh làm thất bại âm mưu và thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Đấu tranh phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ phải được kết hợp chặt chẽ với đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình”. Kết quả cuộc đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” góp phần rất quan trọng để ngăn chặn, loại trừ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Ngược lại, phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” hiệu quả là điều kiện để đẩy mạnh đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, phản bác các quan điểm sai trái, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, củng cố niềm tin trong nhân dân, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN trong tình hình mới.