Bác sĩ Hoàng Công Lương nói gì về kết quả điều tra bổ sung?

Trước bản kết luận điều tra bổ sung của cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Hòa Bình, BS Hoàng Công Lương đã khiếu nại.

Sau khi nhận được bản kết luận điều tra bổ sung vụ án “Vô ý làm chết người, Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, xảy ra trong sự cố y khoa làm tử vong 09 người tại BVĐK tỉnh Hòa Bình vào ngày 29/5/2017, BS Lương đã có ý khiếu nại gửi lãnh đạo Đảng nhà nước và cơ quan chức năng.

BS Lương cho hay: Trong bản kết luận này, cá nhân tôi bị truy tố về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Vụ án đã được xét xử sơ thẩm từ ngày 15/5/2018-05/6/2018, sau đó được trả hồ sơ điều tra bổ sung.

BS Hoàng Công lương cùng 2 bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm

"Tôi là bị can trong vụ án “Vô ý làm chết người, Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, xảy ra trong sự cố y khoa (tồn dư hóa chất sau sửa chữa hệ thống nước RO dùng cho chạy thận nhân tạo) làm tử vong 09 người tại BVĐK tỉnh Hòa Bình vào ngày 29/5/2017, trong đó đối với cá nhân tôi bị truy tố về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Vụ án đã được xét xử sơ thẩm từ ngày 15/5/2018-05/6/2018, sau đó được trả hồ sơ điều tra bổ sung.

Ngày 04/7/2018, tôi nhận được Bản kết luận điều tra bổ sung của cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Hòa Bình. Trong bản kết luận điều tra bổ sung, cơ quan Cảnh sát điều tra vẫn đề nghị truy tố tôi về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiệm trọng” theo Khoản 2 Điều 285 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1999, nay là Khoản 3 Điều 360 BLHS năm 2015"."

BS Lương hoàn toàn không đồng ý với bản kết luận này và xin được khiếu nại, tố cáo những việc làm không đúng của cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Hòa Bình. Cụ thể, bị can này khiếu nại về kết quả điều tra bổ sung.

Trong kết luận điều tra có nêu “Cho đến thời điểm xảy ra sự cố, tại Đơn nguyên thận nhân tạo Hoàng Công Lương là bác sỹ duy nhất được phân công làm việc cỗ định tại Đơn nguyên thận, hưởng chế độ lương, phụ cấp thủ thuật và các chế độ khác theo quy định tại Đơn nguyên (các bác sỹ khác được luân chuyển định kỳ giữa Hồi sức tích cực và Đơn nguyên thận theo phân công của lãnh đạo khoa)”. Nội dụng kết luận này là không đúng. "Thực tế, tôi và hai bác sỹ khác (bác sỹ Phạm Thị Huyền, bác sỹ Quách Thế Tùng) được chấm công-hưởng lương cố định tại Đơn nguyên thận nhân tạo (Đơn nguyên thận nhân tạo có 3 bác sỹ và 10 điều dưỡng được tính lương theo các phòng, ban của bệnh viện) nhưng tôi và các bác sỹ khác cũng đều được luân chuyển làm việc định kỳ giữa Hồi sức tích cực (HSTC) và Đơn nguyên thận nhân tạo; các chế độ lương, phụ cấp và các chế độ khác của các bác sỹ đều được hưởng như nhau.

Do phải trả tiền thuê máy thận (7,7 USD /ca chạy thận) nên hạch toán kinh tế hàng tháng của Đơn nguyên thận nhân tạo không đủ chi trả lương và các khoản phụ cấp khác cho cán bộ tại Đơn nguyên. Lãnh đạo bệnh viện thống tính lương và các khoản phụ cấp khác của cán bộ tại Đơn nguyên thận nhân tạo (03 bác sỹ và 10 điều dưỡng) theo các phòng, ban của bệnh viện. Việc chấm công-hưởng lương tại Đơn nguyên thận nhân tạo là thủ tục để chi trả lương hàng tháng theo hướng dẫn của Phòng Tài chính – Kế toán về hoạt động trả lương cho khoa HSTC (trong đó bệnh viện hỗ trợ khoa HSTC trả lương cho 03 bác sỹ và 10 điều dưỡng tại Đơn nguyên thận nhân tạo dựa trên bảng chấm công hàng tháng của Đơn nguyên), còn thực tế làm việc tại khoa HSTC thì các bác sỹ đều luân phiên nhau xuống làm việc tại Đơn nguyên thận nhân tạo. Ví dụ: tháng 5/2017, bác sỹ Nguyễn Mạnh Linh chấm công ở HSTC nhưng làm việc ở Đơn nguyên thận nhân tạo, bác sỹ Quách Thế Tùng chấm công ở Đơn nguyên thận nhân tạo nhưng làm việc ở HSTC. Chính vì vậy, dựa vào bảng chấm công để quy kết tôi làm việc cố định tại Đơn nguyên thận nhân tạo là hoàn toàn không đúng", BS Lương nói.

Trong kết luận điều tra có trích dẫn công văn trả lời cơ quan Cảnh sát điều tra của Sở Y tế Hòa Bình: “Bác sỹ Hoàng Công Lương đủ điều kiện hành nghề và chữa bệnh độc lập, bác sỹ Phạm Thị Huyền và bác sỹ Nguyễn Mạnh Linh chưa đủ điều kiện để hành nghề khám chữa bệnh độc lập”. Bị can Hoàng Công Lương cho rằng: "Nội dung kết luận này là không đúng. Thực tế, tại thời điểm xảy ra sự cố ngày 29/5/2017, tôi và bác sỹ Phạm Thị Huyền đã được cấp Chứng chỉ hành nghề và có thể khám chữa bệnh độc lập. Riêng bác sỹ Nguyễn Mạnh Linh đã đủ điều kiện cấp Chứng chỉ hành nghề, nhưng do phải chờ đợt cấp của Sở Y tế nên phần nào thiệt thòi cho bác sỹ này. Song, về trình độ chuyên môn, điều kiện đáp ứng nghiệp vụ khám chữa bệnh của bác sỹ Linh là đã đủ thời gian và vững vàng về chuyên môn của bác sỹ đa khoa.

Tôi và bác sỹ Phạm Thị Huyền ký cùng vào các y lệnh của bác sỹ Nguyễn Mạnh Linh trên cơ sở bác sỹ Linh đã thăm khám bệnh nhân và ký nhận vào bệnh án (thực hiện vai trò giám sát của bác sỹ có Chứng chỉ hành nghề đối với bác sỹ chưa có Chứng chỉ hành nghề theo quy định trong Luật Khám bệnh, Chữa bệnh). Thực tế khách quan cho thấy việc các bác sĩ ký cùng y lệnh ở khoa HSTC là trên cơ sở hội ý chuyên môn, chia sẻ nghiệp vụ khám chữa bệnh (ví dụ: bác sỹ Phạm Thị Huyền và bác sỹ Trịnh Thị Hồng Hạnh ký y lệnh cùng nhau hay trường hợp bác sĩ Quách Thị Dung ký cùng y lệnh với bác sỹ Bùi Thanh Tuấn..v.v…).

Bệnh nhân trong sự cố được khẩn trương cấp cứu

Về việc cơ quan điều tra quy kết tôi chủ trì giao ban tại Đơn nguyên thận nhân tạo để xác định tôi có chức vụ, quyền hạn được giao tại Đơn nguyên thận nhân tạo là không phù hợp. Đơn nguyên thận nhân tạo là một bộ phận của khoa Hồi sức tích cực nên không có hoạt động giao ban của khoa lâm sàng theo quy định. Việc họp giao ban của Đơn nguyên là rất ít và đó là những việc liên quan đến công việc cần phổ biến, hoạt động chung của Đơn nguyên thận nhân tạo nên chỉ được giao ban khi có Trưởng khoa chủ trì và phổ biến. Do vậy, thực tế tại Đơn nguyên thận nhân tạo, bác sỹ và điều dưỡng tại Đơn nguyên hàng ngày sẽ hội ý với nhau để thực hiện công việc trong ngày mà không được coi là hoạt động giao ban.

Về phân buồng điều trị của bác sỹ tại Đơn nguyên: Thực tế, hàng ngày các bác sỹ chúng tôi hội ý cùng nhau và chia nhau về các buồng bệnh làm việc và không có ai là trưởng nhóm; tôi nhiều tuổi hơn nên thường nhường cho các bác sỹ khác nhận buồng bệnh trước; việc phân buồng điều trị không liên quan đến vấn đề quản lý; các bác sĩ vẫn qua lại các phòng chia sẻ cùng nhau ở cả 3 buồng bệnh.

Việc ký xác nhận đề xuất sửa chữa hệ thống RO2 hoặc bất cứ trang thiết bị nào ở Đơn nguyên thận nhân tạo. Tại phiên tòa vừa qua đã chứng minh các tài liệu chứng cứ trong nhiều lần ký xác nhận đề xuất sửa chữa trước đây, có nhiều bác sĩ và điều dưỡng của Đơn nguyên cũng ký đề xuất, mà không phải lãnh đạo khoa, lãnh đạo đơn nguyên hay được lãnh đạo khoa giao nhiệm vụ ký đề xuất".

Ngoài ra, trong kết luận điều tra có nêu “Sáng 29/5/2017 bị can Hoàng Công Lương chưa được người có trách nhiệm cho biết hệ thống nước RO số 2 đã đảm bảo an toàn để đưa vào sử dụng. Mà Lương chỉ nghe điều dưỡng viên Đỗ Thị Điệp nói với mọi người trong Đơn nguyên thận là hệ thống nước đã sửa xong. Hoàng Công Lương không báo cáo, trao đổi với ai về việc hệ thống lọc nước sau sửa chữa đã đảm bảo an toàn chưa trước khi ra y lệnh chạy thận”.

Bác sĩ Lương khẳng định, tôi không đồng ý với kết luận này. Thực tế, chiều ngày 28/5/2017, kỹ thuật viên Trần Văn Sơn, cán bộ phòng Vật tư-Thiết bị y tế đã bàn giao hệ thống RO2 sau sửa chữa cho điều dưỡng Đỗ Thị Điệp và sáng 29/5/2017, trước giao ban của phòng Vật tư-Thiết bị y tế, anh Trần Văn Sơn cũng đã báo cáo trưởng phòng là ông Trần Văn Thắng là hệ thống RO2 đã sửa chữa xong, ông Thắng đã chỉ đạo Sơn hoàn thiện thủ tục giấy tờ để làm thanh toán (thủ tục hành chính), điều này đã được anh Trần Văn Sơn, ông Trần Văn Thắng khai nhận ngay tại phiên tòa sơ thẩm và đã được thể hiện ở trang 6 trong Bản kết quả điều tra bổ sung ngày 04/7/2018.

Đầu giờ làm việc sáng 29/5/2017, điều dưỡng Điệp đã thông báo cho tất cả cán bộ Đơn nguyên thận nhân tạo là hệ thống RO2 đã sửa xong, có thể hoạt động bình thường và đã được phòng Vật tư-Thiết bị y tế bàn giao. Sau đó các điều dưỡng khởi động hệ thống RO2, quan sát thấy hệ thống hoạt động bình thường, đồng hồ đo độ dẫn điện (điều kiện bắt buộc và duy nhất) trong giới hạn an toàn. Tiếp theo, các điều dưỡng tiến hành rửa máy thận, test máy thận, chạy thử máy thận thấy hệ thống hoạt động bình thường; các bác sỹ thăm khám bệnh nhân thấy các bệnh nhân đủ điều kiện lọc máu, các bác sỹ và điều dưỡng hội ý và thống nhất lọc máu cho bệnh nhân.

Như vậy, trước khi lọc máu cho bệnh nhân, các bác sỹ và điều dưỡng đã kiểm tra sự an toàn của thiết bị, thăm khám bệnh nhân an toàn đủ điều kiện chạy thận và có sự thống nhất kết hợp trước khi kết nối máy thận với bệnh nhân (lọc máu). Việc báo cáo tình trạng thiết bị sau sửa chữa, hoàn thiện các thủ tục thanh lý hợp đồng là trách nhiệm của phòng Vật tư-Thiết bị y tế, phòng Tài chính kế toán và phía đơn vị được bệnh viện thuê sửa chữa, không thuộc trách nhiệm của Đơn nguyên thận nhân tạo. Không có quy định nào bắt buộc bác sỹ Đơn nguyên thận nhân tạo phải báo cáo Trưởng khoa mỗi khi chạy thận nhân tạo chu kỳ cho bệnh nhân.

Nam Anh

Nguồn ĐS&PL: http://doisongphapluat.com/xa-hoi/y-te/bac-si-hoang-cong-luong-noi-gi-ve-ket-qua-dieu-tra-bo-sung-a236119.html