Bắc Kinh phản pháo Ngoại trưởng Mỹ về bẫy nợ Trung Quốc

Trung Quốc đáp lời Ngoại trường Mỹ Mike Pompeo là thiếu hiểu biết khi nhắc đến 'bẫy nợ' của Trung Quốc.

Báo chí Trung Quốc mới đây đã có phản ứng một cách mạnh mẽ trước việc Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo chỉ trích các khoản đầu tư của Trung Quốc là "tốt một cách đáng ngờ".

Ngoại trường Mỹ Mike Pompeo lần đầu chỉ trích bẫy nợ đầu tư Trung Quốc.

Tờ China Daily gọi bài phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ là "vừa thiếu hiểu biết vừa thâm độc" khi mô tả chính sách đầu tư của Bắc Kinh.

"Những tuyên bố ngông cuồng như vậy là những gì chúng tôi đã biết trước đối với các thành viên trong chính quyền của (Tổng thống Mỹ) Trump, vốn dĩ không dựa trên sự thật" - China Daily viết hôm 21/10.

Tờ báo Trung Quốc cho rằng, những phát biểu như của ông Pompeo vừa qua chỉ càng "bóc trần" ý đồ bắt nạt của Mỹ trong khu vực.

Tờ này nêu rõ: "Washington liên tục cố gắng áp đặt chiến thuật cũ kỹ và uể oải của họ trong việc ghim sâu những ngờ vực về động cơ của Trung Quốc trong Vành đai - Con đường, nhằm cản trở sự tiến bộ của sáng kiến".

Trong khi đó, tờ Global Times (Hoàn cầu Thời báo), tiếp lời với việc gọi bài phát biểu của ông Pompeo là "thiếu tôn trọng", đồng thời cáo buộc Mỹ "cố gắng gây chia rẽ" Trung Quốc và Mỹ Latinh.

“Nhiều nước tại khu vực đã thất vọng về Mỹ và muốn chấm dứt tình trạng phụ thuộc vào họ. Các quốc gia khu vực Mỹ Latin hiểu rõ bản thân cần cân nhắc lợi ích như thế nào” - bài viết phản pháo.

Hiện nay, với nguồn vốn đầu tư khổng lồ, Trung Quốc những năm gần đây đang trở thành đối tác thương mại quan trọng của nhiều nước trong khu vực như Chile, Argentina và Brazil.

Sáng kiến Vành đai- Con đường của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hướng đến các dự án mạng lưới giao thông rộng khắp nhằm kết nối châu Á, châu Âu, Trung Đông và châu Phi. Giới đầu tư Trung Quốc vung tiền không tiếc tay và có các điều kiện cho vay dễ dãi. Vì vậy, các dự án thuộc sáng kiến này đều nằm ở những nơi có vị trí địa lý cực kỳ trọng yếu về cả an ninh quốc phòng.

Tuy nhiên, dự án do Trung Quốc xây dựng khi đi vào hoạt động không sinh lợi, không giúp chính quyền nước đi vay trả được nợ và khiến họ ngập trong nợ nần, buộc phải trao quyền kiểm soát các dự án trọng yếu này cho Trung Quốc.

Ví dụ đơn giản nhất là Sri Lanka - nước đang phải vật lộn với những khoản nợ khổng lồ từ Trung Quốc và đã buộc phải gán một hải cảng và khu vực chung quanh cho Bắc Kinh để giảm bớt nợ.

Không những dự án giao thông mà các dự án đầu tư nhà ở của Bắc Kinh cũng "có vấn đề" khi bị cho là dự án di dân Trung Quốc sang nước ngoài vì giá nhà quá cao đối với người dân bản địa.

Khi lần đầu tiên chỉ trích các dự án đầu tư của Trung Quốc, ông Mike Pompeo đã cho rằng, các công ty quốc doanh Trung Quốc đang thể hiện sự thiếu minh bạch, không vận hành bằng thị trường và không nhằm mục đích mang tới lợi ích cho người bản địa, đơn cử là người dân tại Panama. Thay vào đó, các công ty này chỉ muốn gặt hái lợi ích cho chính quyền Trung Quốc.

“Khi Trung Quốc ngỏ lời, không phải lúc nào họ cũng quan tâm đến lợi ích của nhân dân đất nước các bạn. Khi họ xuất hiện với những đề nghị hấp dẫn đến khó tin, thường thì đúng là các bạn không nên tin” - cổng thông tin Bộ Ngoại giao Mỹ dẫn lại phát biểu của ông Pompeo.

Trước Mỹ, Australia cũng đã chỉ trích "bẫy nợ" của Trung Quốc và bị truyền thông Bắc Kinh phản pháo.

Thượng nghị sĩ Australia Concetta Fierravanti-Wells

Thượng nghị sĩ Australia Concetta Fierravanti-Wells hôm 8/10 đã đưa ra một lời cảnh báo đối với các quốc gia láng giềng về các khoản đầu tư béo bở của Trung Quốc. Theo đó, Trung Quốc đã dụ dỗ các nước nghèo ở Thái Bình Dương như Vanuatu, Tonga và Quần đảo Soloman bằng những khoản vay ưu đãi mà họ không có khả năng chi trả. Bà gọi đó là chính sách "ngoại giao bẫy nợ" của Trung Quốc nhằm tăng cường ảnh hưởng trong khu vực.

Chiêu "ngoại giao bẫy nợ" của Trung Quốc tuy không có ảnh hưởng trực tiếp và tức thời như tấn công quân sự, nhưng không hề thua kém về mặt hiệu quả.

Trước đó, bà Fierravanti-Wells từng chỉ trích Trung Quốc đầu tư xây dựng "những tòa nhà vô dụng" và "những con đường chẳng dẫn tới đâu" tại các quốc đảo Thái Bình Dương.

Trước lời nhận định này, Đại sứ quán Trung Quốc tại Australia ra thông báo: "Phát biểu vừa qua của bà Thượng nghị sĩ lại nhắc đến lời cáo buộc "bẫy nợ" đầy sáo rỗng. Bà ấy đã cố chứng minh cho những lí lẽ vô căn cứ của mình bằng cách viện dẫn lời Thủ tướng Tongan Akilisi Pohiva, và lấy ví dụ về cảng Hambantota của Sri Lanka.

Tuy nhiên, Thủ tướng Pohiva đã làm rõ điều này trong thông báo trước đó. Ông đã khẳng định rằng Trung Quốc chưa bao giờ dọa sẽ lấy tài sản của Tonga để gán nợ, và chính phủ hai bên vẫn tiếp tục duy trì đối thoại về việc trả khoản vay ưu đãi ấy.

Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe cũng đã công khai tuyên bố rằng Sri Lanka không rơi vào bẫy nợ do những khoản nợ lãi suất cao của Trung Quốc gây ra, đồng thời khẳng định Sri Lanka không trao toàn bộ quyền kiểm soát các cảng biển chiến lược cho Trung Quốc".

Cơ quan đại diện của Bắc Kinh khẳng định rằng việc Trung Quốc giúp đỡ các quốc gia Thái Bình dương "không có ràng buộc về chính trị", và nói rằng bất cứ nỗ lực nào nhằm cản trở việc làm trên "đều sẽ thất bại".

Tuyên bố nhấn mạnh: "Các vị không thể kì vọng được người khác tôn trọng bằng cách 'bôi tro trát trấu' người khác. Liệu khoản hỗ trợ của Trung Quốc có hiệu quả hay không, và liệu nó sẽ là miếng bánh ngọt hay cạm bẫy, tất cả đều phải để người dân và chính phủ của các quốc đảo Thái Bình Dương (vay nợ trung Quốc) tự nhận xét".

Kim Hoa

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/bac-kinh-phan-phao-ngoai-truong-my-ve-bay-no-trung-quoc-3367807/