Bắc Giang nâng cao chất lượng tổ chức đảng, đảng viên – kinh nghiệm từ thực tiễn

Thực hiện nghị quyết đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, các cấp ủy, tổ chức đảng trong Đảng bộ tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng tổ chức đảng, đảng viên. Theo đó, mô hình tổ chức đảng được sắp xếp, kiện toàn gắn với sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu quả hơn; phương thức lãnh đạo, lề lối làm việc của các cấp ủy, tổ chức đảng có đổi mới; số lượng, chất lượng đội ngũ đảng viên được nâng lên góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng; thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị.

Buổi sinh hoạt chi bộ điểm ở Chi bộ thôn Đống Cao, xã Tư Mại, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Tư liệu.

Những kết quả tích cực

Nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng

Ban Thường vụ Tỉnh ủy thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác giáo dục chính trị, tư tưởng đối với cán bộ, đảng viên, gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII), Kết luận số 21-KL/TW về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”; quy định nêu gương của cán bộ đảng viên và quy định về những điều đảng viên không được làm. Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 10-CT/TU về “Nâng cao chất lượng kiểm điểm, tự phê bình và phê bình các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong sinh hoạt cấp ủy, chi bộ”; Chỉ thị số 26-CT/TU về “Chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc và nâng cao trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới”. Chỉ đạo đội ngũ cán bộ, đảng viên thực hiện nghiêm việc đăng ký học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và cam kết không vi phạm biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Sắp xếp các mô hình tổ chức đảng phù hợp với tình hình thực tiễn

Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc thực hiện việc rà soát, sắp xếp lại các mô hình tổ chức đảng để bảo đảm hoạt động hiệu quả; trong đó có 9/10 huyện, thành phố đã thành lập chi bộ chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai trực thuộc cấp ủy cấp huyện; huyện Việt Yên thành lập Đảng bộ Khối doanh nghiệp huyện trực thuộc Huyện ủy; thành lập các tổ chức đảng mới kịp thời sau khi chia tách, sáp nhập, sắp xếp các cơ quan, đơn vị, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế; giải thể chi bộ công an - quân sự xã và thành lập chi bộ công an xã, phường, thị trấn. Sau khi được thành lập, chất lượng hoạt động của các tổ chức đảng được nâng lên. Các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, lực lượng vũ trang, doanh nghiệp nhà nước thực hiện nghiêm việc đồng chí thủ trưởng làm bí thư cấp ủy; các đồng chí cấp phó tham gia cấp ủy của cơ quan, đơn vị.

Xây dựng, sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc của cấp ủy

Ngay sau đại hội đảng nhiệm kỳ 2020-2025, các cấp ủy, tổ chức đảng trong Đảng bộ tỉnh căn cứ quy định, hướng dẫn thi hành Điều lệ Đảng và văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cấp ủy cấp trên đã chủ động rà soát, xây dựng và thực hiện nghiêm quy chế làm việc. Quy chế làm việc của cấp ủy đã nêu rõ chức năng, nhiệm vụ, không trùng chéo, rõ nhiệm vụ, quyền hạn của tập thể cấp ủy và cá nhân cấp ủy viên, chế độ làm việc, mối quan hệ giữa cấp ủy, tổ chức đảng với chính quyền, các đoàn thể, thủ trưởng cơ quan, đơn vị. Các đồng chí ủy viên ban thường vụ cấp ủy cấp trên trực tiếp duyệt quy chế làm việc của cấp ủy cấp dưới trước khi ban hành và thường xuyên chỉ đạo thực hiện nghiêm quy chế làm việc ở những nơi được phân công phụ trách. Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quy định về chức năng, nhiệm vụ của chi bộ thôn, tổ dân phố trực thuộc đảng ủy xã, phường, thị trấn; Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, mối quan hệ công tác của đảng đoàn, ban cán sự đảng trực thuộc Tỉnh ủy; ban hành quy chế làm việc mẫu của đảng đoàn, ban cán sự đảng trực thuộc Tỉnh ủy; đồng thời, chỉ đạo các ban cán sự đảng, đảng đoàn rà soát, sửa đổi, bổ sung và thực hiện nghiêm quy chế làm việc. Quy chế làm việc của đảng đoàn, ban cán sự đảng đã xác định rõ mối quan hệ giữa đảng đoàn, ban cán sự đảng với tập thể lãnh đạo, thủ trưởng cơ quan; với các ban, cơ quan tham mưu của Tỉnh ủy; với các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy; với đảng ủy (chi ủy) và các tổ chức đoàn thể trong cơ quan.

Thực hiện tốt nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng; nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, chi bộ

Các cấp ủy, tổ chức đảng trong Đảng bộ tỉnh thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị; chú trọng cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết công việc; góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của các cấp ủy, tổ chức đảng. Công tác xây dựng và ban hành nghị quyết có nhiều đổi mới, phù hợp với thực tiễn, từng bước khắc phục tình trạng rập khuôn, sao chép của cấp trên; đổi mới quy trình xây dựng, tổ chức thực hiện nghị quyết, coi trọng thảo luận dân chủ, phát huy sức mạnh của tập thể cấp ủy, các tổ chức chính trị - xã hội và của nhân dân tham gia xây dựng nghị quyết, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị. Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch tổ chức nghiên cứu, tổng kết thực tiễn trên một số lĩnh vực của tỉnh trong nhiệm kỳ 2020-2025, trong đó chỉ đạo nghiên cứu, tổng kết thực tiễn 6 nội dung. Các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy ban hành kế hoạch tổ chức nghiên cứu, tổng kết thực tiễn nhiệm kỳ 2020-2025; đồng thời chỉ đạo các chi, đảng bộ cơ sở, cơ quan, đơn vị lựa chọn từ 1 đến 2 nội dung để tổng kết thực tiễn. Qua tổng kết thực tiễn rút ra bài học kinh nghiệm, luận cứ khoa học, cơ sở thực tiễn để các cấp ủy đề ra chủ trương, quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo, phù hợp, thúc đẩy phát triển địa phương, cơ quan, đơn vị.

Việc đổi mới nội dung, hình thức, nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, chi bộ được các cấp ủy, tổ chức đảng quan tâm chỉ đạo thực hiện, tiêu biểu như: Thành ủy Bắc Giang, Huyện ủy Việt Yên, Lục Ngạn ban hành Đề án nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ giai đoạn 2021-2025; Huyện ủy Sơn Động ban hành Chỉ thị về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ và sinh hoạt chuyên đề ở các chi bộ thôn, tổ dân phố; Huyện ủy Việt Yên, Lục Nam ban hành văn bản chỉ đạo sinh hoạt chi bộ mẫu, chi bộ điểm... Các cấp ủy đảng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức sinh hoạt chuyên đề về thực hiện nhiệm vụ chính trị, các vấn đề nổi cộm, bức xúc ở địa phương, đơn vị. Việc chấm điểm, đánh giá chất lượng sinh hoạt chi bộ được các cấp ủy quan tâm chỉ đạo thực hiện; các chi bộ sau khi sinh hoạt hằng tháng, chi ủy (bí thư nơi không có chi ủy) tự chấm điểm, đánh giá chất lượng sinh hoạt chi bộ và báo cáo cấp ủy cấp trên; kết quả chấm điểm, đánh giá chất lượng sinh hoạt chi bộ là căn cứ đánh giá, xếp loại chất lượng chi bộ hằng năm.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy phân công các đồng chí tỉnh ủy viên dự sinh hoạt với đảng ủy xã, phường, thị trấn và chi bộ thôn, tổ dân phố; chỉ đạo các đồng chí cấp ủy viên cấp huyện, cấp cơ sở và cán bộ, công chức các ban, cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện dự sinh hoạt với cấp ủy cơ sở và các chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở tại đơn vị được phân công phụ trách; chỉ đạo ban hành hướng dẫn việc dự sinh hoạt đảng ủy xã, phường, thị trấn và chi bộ thôn, bản, tổ dân phố của cán bộ, công chức các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy.

Tập trung khắc phục những hạn chế, yếu kém

Hằng năm, các cấp ủy, tổ chức đảng căn cứ kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng cấp ủy, tổ chức đảng; tiến hành rà soát, xác định rõ những mặt còn tồn tại, hạn chế và những hạn chế được cấp ủy cấp trên chỉ ra hoặc gợi ý kiểm điểm (nếu có) để xây dựng kế hoạch khắc phục; đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, phấn đấu xây dựng cấp ủy, tổ chức đảng đạt hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. Việc khắc phục những hạn chế, yếu kém được thực hiện theo phương châm: Các cấp ủy, tổ chức đảng tự khắc phục là chính, có sự chỉ đạo, hướng dẫn của cấp ủy cấp trên trực tiếp. Đồng thời, phát huy vai trò, trách nhiệm của đồng chí ủy viên ban thường vụ cấp ủy cấp trên trực tiếp trong chỉ đạo khắc phục hạn chế, yếu kém của tổ chức đảng cấp dưới được phân công phụ trách. Một số cấp ủy cấp huyện thành lập các tổ công tác chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch khắc phục tồn tại, hạn chế của các chi, đảng bộ cơ sở trực thuộc.

Kinh nghiệm từ thực tiễn

Một là, các cấp ủy, tổ chức đảng cần nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng tổ chức đảng, đảng viên; đề ra các nhiệm vụ, giải pháp phải phù hợp, cụ thể để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đạt hiệu quả; thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác chính trị, tư tưởng trong toàn đảng bộ và các tầng lớp nhân dân; thực hiện đồng bộ, toàn diện các nhiệm vụ công tác xây dựng Đảng, xác định rõ xây dựng đảng bộ trong sạch, vững mạnh về đạo đức là nhiệm vụ trọng tâm; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên là nhiệm vụ then chốt và xuyên suốt trong cả nhiệm kỳ.

Hai là, xây dựng sự đoàn kết thống nhất trong nội bộ cấp ủy, ban thường vụ, nhất là đoàn kết trong thường trực cấp ủy, đoàn kết thống nhất trong Đảng, cơ quan, đơn vị, sự đồng thuận trong nhân dân và chấp hành nghiêm quy chế làm việc; thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ; thường xuyên tự phê bình, phê bình trong sinh hoạt cấp ủy, ban thường vụ, thường trực cấp ủy; tăng cường và củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

Ba là, các cấp ủy, tổ chức đảng lãnh đạo, chỉ đạo phải có tư duy, tầm nhìn dài hạn và khả năng dự báo chính xác tình hình; phải quyết tâm, quyết liệt, có khát vọng, có tinh thần vươn lên, đổi mới sáng tạo; đồng thời trong chỉ đạo phải cụ thể, hiệu quả, rõ người, rõ việc, rõ thời gian hoàn thành gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cá nhân và phải linh hoạt, sáng tạo để bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn.

Bốn là, các cấp ủy đảng cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng tổ chức đảng, đảng viên, gắn với lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị; thường xuyên sâu sát cơ sở để nắm chắc tình hình, từ đó chỉ đạo xử lý kịp thời những vấn đề phức tạp phát sinh ngay từ cơ sở.

Năm là, phát huy dân chủ, sức mạnh của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh phù hợp với yêu cầu thực tế của địa phương. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền có năng lực, trình độ chuyên môn, lý luận chính trị đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Sáu là, cấp ủy, tổ chức đảng cấp trên tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc, hướng dẫn cấp ủy, tổ chức đảng cấp dưới trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; kịp thời sơ kết, tổng kết, đánh giá rút kinh nghiêm, đề ra những giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo đạt kết quả; phát hiện chấn chỉnh, xử lý vi phạm từ sớm, từ xa. Đồng thời, phát hiện, biểu dương, khen thưởng và nhân rộng các điển hình, mô hình, cách làm mới, hiệu quả, các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc.

Nguyễn Đăng Liệu

Nguồn Xây Dựng Đảng: http://www.xaydungdang.org.vn/thoi-su-chinh-tri/bac-giang-nang-cao-chat-luong-to-chuc-dang-dang-vien-kinh-nghiem-tu-thuc-tien-19962