ASEAN tăng cường quyền được tiếp cận giáo dục cho nhóm trẻ em khuyết tật

Trong 2 ngày 13 và 14/12, tại Đà Nẵng, Ủy ban liên Chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR) phối hợp với UNICEF tổ chức Hội thảo AICHR về tăng cường giáo dục cho trẻ khuyết tật với sự tham gia của các chuyên gia và đại diện từ các cơ quan chuyên ngành liên quan của ASEAN, các tổ chức phi chính phủ, tổ chức người khuyết tật…

Toàn cảnh hội thảo

Đây là hội thảo liên ngành đầu tiên của ASEAN tập trung vào quyền giáo dục của trẻ khuyết tật.

Phát biểu khai mạc, Đại sứ Nguyễn Thị Nhã - Đại diện Việt Nam tại AICHR - nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cung cấp cơ hội học tập cho nhóm trẻ em dễ tổn thương nhưng thường bị loại trừ này trong việc xây dựng một Cộng đồng ASEAN hướng tới người dân, lấy người dân làm trung tâm và bao trùm. Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa, Trưởng ban chỉ đạo Quốc gia về giáo dục cho trẻ khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, khẳng định cam kết của Chính phủ Việt Nam trong việc tăng cường tiếp cận giáo dục cho trẻ khuyết tật và kêu gọi hợp tác hơn nữa giữa các nước ASEAN trong lĩnh vực này. Phó Trưởng đại diện UNICEF Việt Nam, bà Yoshimi Nishino, nhấn mạnh giáo dục hòa nhập là mục tiêu của giáo dục cho trẻ khuyết tật và cam kết của UNICEF trong hợp tác với chính phủ để đảm bảo rằng “không ai bị bỏ lại.”

Hội thảo hướng đến tìm ra các giải pháp nhằm tăng cơ hội tiếp cận và từng bước nâng cao chất lượng giáo dục cho trẻ khuyết tật

Trong hai ngày diễn ra hội thảo, các đại biểu tham dự sẽ thảo luận về tình hình hiện tại và các nhu cầu giáo dục của trẻ khuyết tật trong khu vực và phương hướng thúc đẩy hợp tác khu vực để phát triển chương trình nghị sự về vấn đề này. Thảo luận tại hội thảo chỉ ra rằng trẻ khuyết tật sẽ phát huy tiềm năng khi được tạo điều kiện để tham gia vào trường học và xã hội và ghi nhận các nỗ lực thúc đẩy quyền giáo dục cho trẻ khuyết tật. Tuy nhiên, vấn đề vẫn chưa được giải quyết triệt để và vẫn cần cách tiếp cận liên ngành và nỗ lực chung không chỉ của các cơ quan chuyên ngành và Chính phủ ASEAN mà còn của các bên liên quan trong khu vực và trên thế giới, và mỗi cá nhân trong xã hội. Do đó, ASEAN hoan ngênh và khuyến khích sự tham gia của các bên liên quan trong quá trình tham vấn và triển khai chính sách. Nhiều đại biểu cũng nhắc đến các công ước quốc tế và cam kết khu vực như Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, Tuyên bố ASEAN về nhân quyền, Công ước Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật, Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em là những văn kiện nền tảng để tăng cường hợp tác về vấn đề này.

Tại Việt Nam, theo số liệu thống kê, có khoảng 1,3 triệu trẻ khuyết tật trong tổng số 6,7 triệu người khuyết tật. Việt Nam là nước đầu tiên của châu Á và là nước thứ hai trên thế giới ký cam kết thực hiện Công ước quốc tế về quyền trẻ em vào năm 1991; Cam kết về việc mở rộng cơ hội GDCM; Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật; Cam kết thực hiện 7 lĩnh vực ưu tiên trong “Khuôn khổ hành động thiên niên kỷ Biwako hướng tới một xã hội hòa nhập, không vật cản vì quyền của người khuyết tật”.

Diễn đàn là nơi các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia về giáo dục chia sẻ các vấn đề cần quan tâm, các kinh nghiệm, cũng như những khó khăn, thách thức về giáo dục trẻ khuyết tật từ các quốc gia trong khu vực ASEAN để từ đó có được những giải pháp nhằm tăng cơ hội tiếp cận và từng bước nâng cao chất lượng giáo dục trẻ khuyết tật ở mỗi quốc gia, đáp ứng yêu cầu của luật pháp các nước thành viên và phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật, đưa ra những khuyến nghị nhằm thúc đẩy các nỗ lực tăng cường tiếp cận giáo dục cho trẻ khuyết tật có hiệu quả và thành công hơn nữa trong khu vực ASEAN.

Vũ Lê

Nguồn Công Thương: http://baocongthuong.com.vn/asean-tang-cuong-quyen-duoc-tiep-can-giao-duc-cho-nhom-tre-em-khuyet-tat.html