ASEAN chạy đua phát hành trái phiếu xanh

Các nước ASEAN đang hướng tới mục tiêu tăng cường tài chính xanh trong bối cảnh khu vực này đang phải đối mặt với mối đe dọa từ tình trạng biến đổi khí hậu.

Tờ Nikkei cho biết một số thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã và đang phát hành trái phiếu xanh (trái phiếu phát triển bền vững) để tài trợ cho các dự án thân thiện với môi trường.

Theo báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), lượng trái phiếu xanh đang lưu hành tại các thị trường chủ chốt ở ASEAN và Đông Á đạt 478,7 tỷ USD vào cuối tháng 3/2022, tăng 51,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cũng theo báo cáo trên, ASEAN và Đông Á chiếm 18,1% tổng lượng trái phiếu xanh đang lưu hành trên toàn cầu, chỉ sau châu Âu. Giá trị trái phiếu xanh lên tới 333,6 tỷ USD tính đến cuối quý I/2022, chiếm 69,7% lượng trái phiếu phát triển bền vững trong khu vực.

Trung Quốc sở hữu thị trường trái phiếu xanh lớn nhất, chiếm tới 66% lượng cổ phiếu trái phiếu xanh của cả khu vực. Tính đến hết quý I/2022, tổng lượng trái phiếu bền vững đang lưu hành tại Trung Quốc đạt 238,8 tỷ USD.

Thị phần của ASEAN có thể nhỏ hơn, song ADB cho rằng các thị trường của khối “vẫn có nhiều phạm vi tăng trưởng hơn” ở châu Á, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu đang có xu hướng chuyển đổi carbon thấp.

Năm 2017, Malaysia đã phát hành sukuk xanh để tài trợ cho các dự án nhà máy điện Mặt Trời quy mô lớn. (Nguồn: World Bank)

Thái Lan

Chính phủ Thái Lan đã phát hành trái phiếu phát triển bền vững vào năm 2020, chủ yếu nhằm hỗ trợ phục hồi hậu đại dịch. Khu vực tư nhân nước này đi đầu với việc Ngân hàng TMB Thanachart phát hành trái phiếu đầu tiên liên quan đến các mục tiêu môi trường, xã hội và quản trị (ESG) vào năm 2018.

Kể từ đó, phát hành trái phiếu phát triển bền vững từ các công ty tư nhân - ví dụ nhà sản xuất thực phẩm Thai Union và nhà điều hành hệ thống tàu điện Skytrain - đã tăng từ mức 10,12 tỷ Baht (286,1 triệu USD) vào năm 2018 lên mức 153 tỷ Baht vào năm 2021.

Đợt phát hành trái phiếu xanh của chính phủ Thái Lan đã thu hút lượng đặt mua lên tới 60,9 tỷ Baht, cao gấp ba lần so với mức chào bán. Kết quả khả quan này là do nhu cầu quốc tế về đầu tư xanh bị kìm hãm, đặc biệt là ở các nền kinh tế đang phát triển ở Đông Nam Á.

Theo báo cáo của Climate Bonds Initiative và ADB, Thái Lan “có vị trí tốt” để tối đa hóa sự hấp dẫn của khu vực đối với các nhà đầu tư nhờ có thị trường trái phiếu đã phát triển chín muồi, đứng thứ hai Đông Nam Á sau Malaysia.

Báo cáo thường niên của Văn phòng Quản lý Nợ công Thái Lan (PDMO) năm 2021 cho thấy, tính từ năm 2020, tổng lượng trái phiếu xanh của chính phủ và các doanh nghiệp nhà nước đã đạt 127 tỷ Baht. Số tiền thu về đã được phân bổ cho hai dự án, song chỉ một trong số đó đủ tiêu chuẩn dự án xanh.

Khoảng 30 tỷ Baht, chiếm 24% tổng lượng tiền thu được từ các đợt phát hành trái phiếu này, đã được tài trợ một phần cho dự án Orange Line - tuyến đường sắt Đông-Tây kết nối các vùng ngoại ô của Bangkok với trung tâm thành phố.

Singapore

Giống như Thái Lan, Singapore đang đặt mục tiêu phát hành trái phiếu cho cơ sở hạ tầng đường sắt nhằm khuyến khích nhiều người đi tàu hơn và giảm sự phụ thuộc vào ô tô. Các dự án thuộc loại này bao gồm mạng lưới đường sắt Vùng Jurong ở phía Tây Singapore, vốn được kỳ vọng sẽ giúp giảm 80% lượng khí thải giao thông đường bộ vào khoảng giữa thế kỷ này.

Hồi tháng Hai, Singapore thông báo rằng các cơ quan chính phủ sẽ phát hành 35 tỷ USD Singapore trái phiếu xanh từ nay đến năm 2030 để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng công thân thiện với môi trường nhằm mang lại lợi ích môi trường lâu dài cho các thế hệ cư dân hiện tại và tương lai.

Hồi tháng Sáu, Singapore đã công bố khung quản lý đối với các đợt phát hành trái phiếu chính phủ xanh, từ sử dụng số tiền thu được, đánh giá và lựa chọn các dự án đủ điều kiện, cách tiếp cận để quản lý số vốn huy động được, cũng như phân bổ vốn sau phát hành và báo cáo kết quả.

Bộ trưởng Tài chính Indranee Rajah khẳng định: “Các khoản đầu tư của chúng tôi vào các dự án xanh đáp ứng đủ tiêu chí sẽ tạo điều kiện giúp Singapore chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp”.

Bà Indranee cho hay: “Chúng tôi hy vọng tăng cường tính thanh khoản thị trường đối với trái phiếu xanh, thu hút các tổ chức phát hành, nguồn vốn và các nhà đầu tư xanh, đồng thời thúc đẩy nguồn tài chính phát triển bền vững trong khu vực”.

Singapore cũng đang thăm dò sử dụng trái phiếu để tài trợ cho các dự án thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó có bảo vệ bờ biển. Là một quốc đảo có diện tích nhỏ, Singapore đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi tình trạng nước biển dâng do hiện tượng Trái đất ấm lên.

Hồi tháng Sáu, cơ quan xếp hạng tín dụng Fitch cho rằng các kế hoạch phát hành trái phiếu xanh của Singapore sẽ được hỗ trợ bởi các động thái xây dựng bảng phân loại xanh nhằm giúp các nhà cung cấp tài chính điều chỉnh các khoản đầu tư và cho vay trên cơ sở đánh giá tác động đến môi trường.

Singapore đặt mục tiêu cắt giảm một nửa lượng khí thải vào năm 2050 so với mức đỉnh dự kiến đạt được vào năm 2030, bằng cách phát triển kinh tế theo hướng bền vững, tiến tới đạt mục tiêu trung hòa carbon.

Jingwei Jia, Phó giám đốc Fitch, nhận định: “Trái phiếu chính phủ xanh của Singapore phù hợp với hệ thống phân loại xanh ASEAN, song thách thức của hệ thống này là liệu nó có phù hợp với hệ thống phân loại xanh của Liên minh châu Âu (EU) hay không”.

Bà Jia giải thích: “Vẫn còn phải xem liệu những khoản đầu tư này có thực sự hỗ trợ chương trình nghị sự về khí hậu của chính phủ để đạt được mục tiêu trung hòa carbon hay không. Cơ chế phân loại hiện tại của EU tập trung vào các hoạt động mang tính chất xanh thuần túy và không ưu tiên cho các hoạt động chuyển đổi sang trung hòa carbon”.

Philippines

So với châu Âu, các nước ASEAN vẫn phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch trong trung hạn. Do đó, các hoạt động chuyển đổi carbon thấp từ các nhiên liệu này như khí đốt tự nhiên nhiều khả năng được đưa vào bảng phân loại khu vực. Điều này trở thành thách thức đối với việc hài hòa hóa các chương trình nghị sự bền vững của hai khối.

Trong khi các tiêu chuẩn của EU thường được coi là chuẩn mực, các nước thành viên ASEAN đang tìm ra con đường đi riêng của mình để đóng góp vào hành động chống biến đổi khí hậu.

Sau khi công bố Lộ trình Tài chính Bền vững vào năm 2021, Philippines vào đầu năm nay đã phát hành trái phiếu xanh đầu tiên của mình, trong đó một phần để “tài trợ cho các dự án giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu”.

Cụ thể, Philippines đã phát hành 1 tỷ USD trái phiếu xanh với thời hạn 25 năm vào tháng Ba và tiếp tục phát hành 70,1 tỷ Yen (600 triệu USD) trái phiếu xanh với nhiều kỳ hạn cho thị trường Nhật Bản vào tháng Tư vừa qua.

Phát biểu hồi tháng 3/2022, cựu Bộ trưởng Tài chính Philippines Carlos Dominguez cho biết: “Đợt trái phiếu phát triển bền vững đầu tiên của chúng tôi đã thu hút nhu cầu mạnh nhất, làm nổi bật niềm tin mạnh mẽ của các nhà đầu tư vào cam kết của chính phủ trong việc thúc đẩy phát triển bền vững và giảm thiểu biến đổi khí hậu, đặc biệt là cam kết cắt giảm 75% phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030”

Malaysia và Indonesia

Malaysia và Indonesia - hai nước có dân số Hồi giáo lớn - đã có nhiều đợt phát hành trái phiếu Hồi giáo (susuk) xanh. Năm 2017, Malaysia phát hành sukuk xanh để tài trợ cho các dự án nhà máy điện Mặt trời quy mô lớn.

Theo Ủy ban Chứng khoán Malaysia, từ năm 2017 đến cuối năm 2021, các tập đoàn của nước này đã phát hành hơn 8,3 tỷ Ringgit (1,9 tỷ USD) sukuk xanh, trở thành nhà phát hành susuk xanh lớn nhất thế giới.

Trong khi đó, theo một báo cáo hồi tháng Ba của Climate Bond Initiative, Indonesia đã phát hành 6,3 tỷ USD trái phiếu xanh từ năm 2018 đến năm 2021. Số trái phiếu này bao gồm sukuk xanh vào năm 2018, được phát hành sau khi chính phủ ra quy định về trái phiếu xanh Hồi giáo, trái phiếu thông thường và trái phiếu xanh vào năm trước đó.

Hồi tháng 2/2022, Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati nhấn mạnh rằng trái phiếu xanh đóng vai trò là nguồn tài chính thay thế cho ngân sách nhà nước, đồng thời giúp chính phủ đạt được các mục tiêu cắt giảm phát thải khí carbon, trong đó có mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2060.

Số tiền thu được từ phát hành trái phiếu xanh đã được Indonesia phân bổ cho một loạt dự án cơ sở hạ tầng xanh - trong đó hầu hết thuộc sở hữu nhà nước - bao gồm năng lượng tái tạo, vận tải carbon thấp, quản lý nước bền vững, và cơ sở hạ tầng nước bền vững.

Hồi tháng Hai, bà Indrawati cho hay sukuk xanh của Indonesia đã trở thành một công cụ hấp dẫn thu hút khá nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư.

(theo Nikkei)

Hữu Chiến

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/asean-chay-dua-phat-hanh-trai-phieu-xanh-189967.html