Áp lực tăng lãi suất huy động

Sau thời gian dài duy trì ở mức thấp kỷ lục, đà giảm lãi suất huy động chậm lại. Áp lực lãi suất tăng, Ngân hàng Nhà nước vẫn đang nỗ lực ổn định lãi suất, duy trì trạng thái bơm thanh khoản ra thị trường thông qua thị trường mở (OMO).

Sức ép lãi suất lại tăng

Từ sau cuộc họp ngày 25/2 giữa Ngân hàng Nhà nước (NHNN) với các ngân hàng thương mại (NHTM) về lãi suất trên thị trường, đã có 30 đơn vị hạ lãi suất huy động từ 0,1 - 1,05%/năm. Tuy nhiên, ghi nhận thị trường, sau đợt giảm lãi suất dồn dập từ tháng 2, đà giảm lãi suất đã chững lại. Trong tháng 4, đã xuất hiện trở lại các ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm tại một số kỳ hạn, nhất là các kỳ hạn ngắn. Tháng 6 vừa qua, rất ít ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất và đều trong biên độ nhẹ. Cụ thể 3 ngân hàng là LPBank, Bac A Bank và VPBank giảm lãi suất; HDBank và GPBank điều chỉnh tăng; NCB tăng lãi suất một số kỳ hạn, nhưng đồng thời cũng giảm ở một số sản phẩm tiền gửi khác.

Bước vào tháng 7/2025, đã xuất hiện động thái điều chỉnh lãi suất huy động đầu tiên từ Techcombank. Cụ thể, Techcombank đã tăng lãi suất huy động thêm từ 0,1 - 0,2%/năm cho các kỳ hạn từ 1 - 36 tháng, áp dụng đối với hình thức gửi tiết kiệm trực tuyến.

Lãi suất tiền gửi cao nhất tại các ngân hàng hiện dao động từ 6 - 9,65%/năm. Để được hưởng mức lãi suất này, khách hàng phải đáp ứng các điều kiện đặc biệt. ABBank dẫn đầu lãi suất đặc biệt, với mức 9,65%/năm cho khách hàng mở mới/tái tục các khoản tiền gửi tiết kiệm từ 1.500 tỷ đồng trở lên, kỳ hạn 13 tháng. PVcomBank cũng áp dụng lãi đặc biệt 9%/năm cho kỳ hạn 12 - 13 tháng khi gửi tiền tại quầy. Điều kiện áp dụng là khách hàng phải duy trì số dư tối thiểu 2.000 tỷ đồng. HDBank áp dụng lãi suất 8,1%/năm cho kỳ hạn 13 tháng và 7,7%/năm cho kỳ hạn 12 tháng, với điều kiện duy trì số dư tối thiểu 500 tỷ đồng.

Khách hàng giao dịch ngoại tệ tại Agribank trên phố Láng Hạ, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Khách hàng giao dịch ngoại tệ tại Agribank trên phố Láng Hạ, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Lãi suất tiền gửi nhiều khả năng sẽ tăng từ cuối năm 2025. Dự báo này được đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế dự kiến phục hồi mạnh vào cuối năm 2025 - đầu 2026, kéo theo nhu cầu vốn tăng trở lại và các áp lực về tỷ giá, lạm phát bắt đầu hiện diện rõ nét hơn.

Theo số liệu của NHNN, đến 18/6, dư nợ tín dụng toàn hệ thống đạt 16,73 triệu tỷ đồng, tăng 7,14% so với cuối năm 2024, trong khi tốc độ tăng trưởng cùng kỳ năm ngoái chỉ khoảng 3,87%. "Tăng trưởng tín dụng trong năm nay sẽ đạt 17 - 18%, được thúc đẩy bởi: sự phục hồi của ngành sản xuất và tiêu dùng nội địa, và việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Dựa vào các yếu tố trên, chúng tôi dự báo lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các NHTM lớn sẽ dao động quanh mức 5,5 - 6%/năm trong năm 2025" - MBS Research dự báo.

Căng thẳng địa chính trị kéo dài, rủi ro thương chiến vẫn hiện hữu và kỳ vọng về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) giảm lãi suất tiếp tục lùi xa đã đặt ra không ít thách thức tạo áp lực lên tỷ giá các nước mới nổi, trong đó có VND. Điều hành tỷ giá và lãi suất là bài toán khó đối với bất kỳ ngân hàng trung ương nào. Muốn kiềm chế tỷ giá, buộc phải tăng lãi suất. Tuy nhiên, lãi suất tăng cao sẽ gây khó khăn cho sản xuất.

Lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh

Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất vay qua đêm trên thị trường liên ngân hàng, nơi các nhà băng vay mượn lẫn nhau, ngày 30/6 tăng lên 6,45%/năm, gần gấp 4 lần so với cách đây một tuần. Từ mức 1,62% vào ngày 24/6, lãi suất qua đêm tăng dần lên qua các phiên.

Tương tự, lãi suất các kỳ hạn dài hơn cũng đi lên. Mức lãi kỳ hạn 1 tuần từ 2,3% cách đây 1 tuần lên 6,53%; kỳ hạn 2 tuần từ 3,87% lên 5,62%. Lãi suất kỳ hạn 1 tháng cũng tăng lên 5,18% 1 năm, từ mức 3,45%.

Lãi suất tăng nhanh trên thị trường liên ngân hàng thể hiện nhu cầu thanh khoản của hệ thống. Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Huân (Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh), trong bối cảnh hiện nay, chính sách tiền tệ phải linh hoạt “nới lỏng có kiểm soát”, tức sẵn sàng hỗ trợ khi kinh tế suy yếu, nhưng rút lại kịp lúc khi dấu hiệu quá nóng. Tuy nhiên, cần cảnh giác vòng xoáy tín dụng - lạm phát: khi tín dụng tăng tốc, giá tài sản tăng, phải thẩm định kỹ rủi ro lạm phát tiềm ẩn.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, NHNN có thể tận dụng các công cụ vĩ mô thận trọng như: hạn chế tỷ lệ cho vay trên giá trị trong bất động sản, kiểm soát dư nợ lĩnh vực rủi ro…, ngăn tích tụ bong bóng tài sản thời kỳ tiền rẻ.

Bên cạnh đó, NHNN nên phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa để kiểm soát lạm phát. Nếu giá cả có xu hướng tăng do cầu kéo, có thể cần chính sách tài khóa thắt chặt (giảm bội chi) hỗ trợ, thay vì để gánh nặng hoàn toàn lên lãi suất. Ngược lại, khi kinh tế suy yếu và lạm phát thấp, có thể tăng chi đầu tư công để kích cầu, phối hợp hạ lãi suất của NHNN. Sự đồng bộ chính sách sẽ tăng hiệu quả, giảm chi phí kiềm chế lạm phát lên từng công cụ riêng lẻ.

Ông Nguyễn Quang Huy, CEO Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Nguyễn Trãi, đánh giá, mặt bằng lãi suất hiện đã ở mức thấp nhất 15 năm, phổ biến 4,5 - 5,5% với huy động và 8 -9% với cho vay. “Dư địa giảm thêm không còn nhiều. Các ngân hàng đang chuyển sang giai đoạn bình ổn và tinh chỉnh lãi suất” - ông Huy nói.

Vững tay chèo lái trong cơn xoáy lãi suất toàn cầu

Trong bối cảnh lãi suất liên ngân hàng tăng nhanh, NHNN đã bơm ròng tổng cộng hơn 90.000 tỷ đồng qua nghiệp vụ OMO trong khoảng một tuần trở lại đây. Cụ thể, NHNN đã cho hệ thống ngân hàng vay hơn 52.904 tỷ đồng qua kênh OMO trong phiên 30/6. Lãi suất trúng thầu cùng ở mức 4%/năm, xác lập kỷ lục mức hỗ trợ thanh khoản hàng phiên cao nhất từ trước đến nay. Vào hai phiên 26/6 và 27/6, NHNN đã bơm ròng 39.858 tỷ đồng.

Tuy nhiên, quan sát từ giới chuyên gia, với các hợp đồng trúng thầu OMO chủ yếu ở kỳ hạn 7 - 14 ngày, lượng tiền NHNN hỗ trợ cho hệ thống ngân hàng chỉ mang tính chất ngắn hạn và sẽ sớm được hút trở lại trong những phiên giao dịch đầu tháng 7 khi nhu cầu hỗ trợ thanh khoản hệ thống giảm dần.

Theo định hướng điều hành lãi suất thấp nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế của Chính phủ, các ngân hàng có khả năng sẽ tiếp tục giữ mặt bằng lãi suất thấp trong ngắn hạn. Trong báo cáo phân tích mới đây, VPBankS cho rằng với nền tảng tăng trưởng năng động và chính sách linh hoạt, tín dụng được kỳ vọng sẽ tiếp tục bám sát mục tiêu 16% trong khi NHNN vẫn bảo đảm kiểm soát chặt chẽ chất lượng tài sản.

NHNN vẫn vận hành chính sách tiền tệ với tinh thần linh hoạt, thận trọng. OMO được sử dụng như bệ đỡ để điều chỉnh thanh khoản, giúp lãi suất qua đêm trên liên ngân hàng tiếp tục ở mức thấp. Trong nước, song song với các can thiệp ngoại hối có kỳ hạn để điều tiết thị trường, NHNN ưu tiên mở rộng tín dụng thương mại với lãi suất ưu đãi cho DN nhỏ và vừa, vừa hỗ trợ đà tăng trưởng, vừa giữ lạm phát dự kiến quanh 3,5 - 4,5% trong tầm kiểm soát.

Theo kết quả điều tra các tổ chức tín dụng của NHNN mới đây, Các tổ chức tín dụng kỳ vọng đến cuối năm 2025, mặt bằng lãi suất sẽ cơ bản ổn định, không thay đổi đáng kể so với cuối năm 2024. Điều này phản ánh nỗ lực của ngành ngân hàng trong việc duy trì môi trường lãi suất thấp để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đồng thời bảo đảm sự ổn định tài chính.

Chính sách tiền tệ toàn cầu đang phân hóa mạnh mẽ, tạo áp lực lên Việt Nam trong điều hành lãi suất và tỷ giá. Việc nâng cao năng lực dự báo, điều hành linh hoạt và phối hợp chính sách một cách đồng bộ sẽ là nền tảng để Việt Nam giữ vững ổn định vĩ mô. Nếu giá cả có xu hướng tăng do cầu kéo, có thể cần chính sách tài khóa thắt chặt (giảm bội chi) hỗ trợ, thay vì để gánh nặng hoàn toàn lên lãi suất. Đây chính là chìa khóa để kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá và hướng tới tăng trưởng nhanh, bền vững trong trung và dài hạn.

PGS.TS Nguyễn Hữu Huân - Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh

Thảo Nguyên

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ap-luc-tang-lai-suat-huy-dong.757827.html