Áp dụng dự báo khí hậu mùa vụ và bảo hiểm tiên tiến đối với nông nghiệp ở Đông Nam Á

Tại Hà Nội, Trung tâm Nông nghiệp Nhiệt đới Quốc tế (CIAT), Tổ chức khí tượng thế giới (WMO) và Đại học Southern Queensland (USQ) đã khởi động dự án 'De-RISK Đông Nam Á'.

Đây là hoạt động trong khuôn khổ hợp tác giữa CIAT, WMO và USQ, được tài trợ bởi chương trình Sáng kiến Khí hậu Quốc tế (IKI) của chính phủ CHLB Đức. Tham dự hội thảo có đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam; các cơ quan nông nghiệp và khí tượng thủy văn, các tổ chức nghiên cứu và học thuật từ bốn nước Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar; các cơ quan tư nhân và các tổ chức phi chính phủ quốc tế.

Đại diện các cơ quan nông nghiệp và khí tượng thủy văn, các tổ chức quốc tế, các trường đại học và các công ty tư nhân trong nước và quốc tế.

Khai mạc hội thảo, TS. Dindo Campilan, Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp Nhiệt đới Quốc tế (CIAT) khu vực Châu Á nhận định nông dân và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp tại Đông Nam Á phải đối mặt với nhiều thách thức để đạt được sinh kế bền vững và nuôi trồng có lợi nhuận. Khu vực Đông Nam Á được xếp hạng là một trong những vùng dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu do đô thị hóa và tập trung vốn kinh tế dọc theo bờ biển và vùng đồng bằng, cũng như sự phụ thuộc kinh tế vào nông nghiệp và tài nguyên thiên nhiên. Giảm tính dễ bị tổn thương của họ đối với rủi ro khí hậu đòi hỏi các phương pháp tiếp cận tích hợp nhằm giải quyết các chiến lược quản lý rủi ro và các chiến lược chuyển giao rủi ro tiên tiến.

Đại diện WMO, TS. Robert Stefanski, Trưởng phòng Khí tượng Nông nghiệp.

Đại diện WMO, TS. Robert Stefanski, Trưởng phòng Khí tượng Nông nghiệp cung cấp thông tin cụ thể hơn về dự án, bao gồm mục tiêu, các hoạt động, đối tác và kế hoạch triển khai nhằm xây dựng các hệ thống quản lý rủi ro khí hậu sử dụng các tiến bộ trong dự báo khí hậu mùa vụ như một phương pháp tiếp cận gia tăng hiệu quả đối với sự thay đổi khí hậu dài hạn.

Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, TS. Chu Văn Chuông, Vụ phó Vụ Hợp tác Quốc tế có khái quát tình hình khí hậu nông nghiệp, nông thôn của Việt Nam. Ông mong muốn các hệ thống quản lý rủi ro sẽ được kết hợp với các sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp tiên tiến cho các nhà sản xuất nhỏ và kinh doanh nông nghiệp trong ngành cà phê, đường, gạo, sắn, cao su, sữa và chăn nuôi gia súc ở 4 nước Đông Nam Á chính: Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar.

Hội thảo cũng đã nghe về lợi ích của dự án nhằm:

TS. Chu Văn Chuông, Vụ phó Vụ Hợp tác Quốc tế - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Việt Nam.

- Chuẩn bị tốt hơn cho nông dân sản xuất nhỏ trong tương lai bằng cách phát triển và cung cấp dự báo khí hậu mùa vụ phù hợp và đáng tin cậy. Những công cụ dự báo này cũng sẽ giúp chính phủ và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.

- Tăng cường khả năng phục hồi của nông dân sản xuất nhỏ bằng cách sử dụng các dự báo khí hậu mùa vụ hiệu quả và kiến thức chiến lược về biến đổi khí hậu để khuyến khích việc sử dụng các hệ thống bảo hiểm mới.

- Tạo quyền sở hữu lâu dài của dự án bằng cách chuyển các hệ thống và cách tiếp cận cho cộng đồng khoa học và người dùng cuối, bao gồm chính phủ và doanh nghiệp nông nghiệp.

- Liên kết tốt hơn rủi ro khí hậu với các hệ thống bảo hiểm nông nghiệp bằng cách phát triển các phương pháp sử dụng mô hình rủi ro biến đổi khí hậu/bảo hiểm hiệu quả cho nông nghiệp.

TS. Pablo Imbach, người đứng đầu dự án De-RISK Đông Nam Á.

“Sáng kiến này là cơ hội để chuyển đổi nông hộ nhỏ ở Đông Nam Á bằng cách quảng bá sản phẩm bảo hiểm sáng tạo và sinh kế nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua các dịch vụ khí hậu phục vụ hàng ngàn nông dân sản xuất nhỏ”, Tiến sĩ Pablo Imbach, người đứng đầu dự án phía CIAT cho biết.

Thông qua “Dự án De-RISK Đông Nam Á”, CIAT, USQ và WMO đang khỏa lấp một khoảng trống quan trọng trong quản lý rủi ro khí hậu cho nông nghiệp trong khu vực.

Quỳnh Trang

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/doanh-nghiep/ap-dung-du-bao-khi-hau-mua-vu-va-bao-hiem-tien-tien-doi-voi-nong-nghiep-o-dong-nam-a-924930.html