Áo dài cách tân và câu chuyện quốc phục
Tà áo dài tha thướt tôn lên vẻ đẹp người phụ nữ Việt Nam, và cũng vì thế mà áo dài liên tục được cải tiến bởi các nhà thiết kế. Từ đó, cũng có ý kiến cho rằng nếu cách tân nhiều quá thì sẽ không còn là áo dài truyền thống, vì đó chỉ là thời trang. Bên cạnh tà áo dài thì câu chuyện 'quốc phục' cũng nhận được nhiều ý kiến.
Tại một buổi giao lưu cách đây 1 tháng do Bảo tàng Áo dài phối hợp cùng Trà Sử Quán và Câu lạc bộ Vầng trăng tri thức (TPHCM), nhà nghiên cứu lịch sử Trần Đình Sơn đã giới thiệu lược sử phát triển của áo dài, đồng thời chia sẻ xoay quanh nội dung “áo dài là di sản tinh thần quý giá của dân tộc”.
Nhiều ý kiến cho rằng trang phục áo dài thể hiện dấu ấn văn hóa, cần được bảo tồn và phát huy. Tuy nhiên, áo cần được may đúng chuẩn mực bởi nếu đã là trang phục truyền thống được xem là “quốc phục” thì cần phải tôn trọng. “Áo dài truyền thống có mẫu quy định rõ ràng, chừng mực. Còn áo dài cách tân có nhiều mẫu mã phù hợp với đời sống hiện tại, phù hợp với nhiều bạn trẻ” - ông Sơn nói. Trong khi đó, bà Hoàng Thị Ngọc Thương (giáo viên ở Phú Nhuận, TPHCM) cho rằng áo dài truyền thống là phải đo may. Áo dài cách tân hoặc bán may sẵn chỉ là thời trang.
“Theo thời gian, áo dài cách tân thành ngàn vạn mẫu mã. Các bạn trẻ muốn mặc áo dài cách tân kiểu gì cũng được nhưng không được gọi đó là áo dài, hãy xem nó là thời trang thông thường” - bà Thương nêu quan điểm.
Tất nhiên đó cũng chỉ là một góc nhìn, người tán đồng, người không. Nhưng điểm chung nhất chính là áo dài không thể sử dụng tùy tiện. Có người đã dẫn ra việc trong một giải chạy bộ có văn nghệ sĩ mặc áo dài tham gia chạy, là không phù hợp. Đồng ý với ý kiến này, bà Thương nói thêm: Mỗi ngành nghề có trang phục riêng. Học sinh có áo học sinh, thể dục có quần áo thể dục. Tập võ có trang phục của võ. Không nên quảng bá áo dài trong chạy marathon cả vì vướng, làm sao chạy được. Người đó chỉ cố làm cho mình nổi bật chứ không phải vì yêu mến chiếc áo dài.
Trước buổi giao lưu kể trên ít ngày, có một sự kiện liên quan rất đáng chú ý. Trong khuôn khổ Lễ hội Đền Hùng và Tuần lễ Văn hóa - Du lịch đất Tổ năm 2023, diễn ra từ ngày 20 đến 29/4/2023, UBND TP Việt Trì (tỉnh Phú Thọ) và Phuonglly Media phối hợp tổ chức trình diễn thời trang, để xác lập 3 kỷ lục Guinness Việt Nam. 3 kỷ lục gồm áo dài “Non sông gấm vóc” dài nhất Việt Nam với chiều dài 178m; cung đường trình diễn dài nhất Việt Nam với hơn 500m tại cầu Vàng (Phú Thọ) và số lượng người mặc áo dài tham dự sự kiện văn hóa, nghệ thuật đông nhất Việt Nam gần 4.000 người.
Nhà thiết kế Phương Hồ cho biết, chiếc áo dài “Non sông gấm vóc” có chiều dài tà áo 178m, được thực hiện gần 2 tháng. Áo gồm phần thân và phần tà với 30 mảnh ghép lại. Mỗi mảnh vải của phần tà được vẽ, thêu tay, đính đá, pha lê… tạo nên các họa tiết văn hóa, lịch sử, danh lam thắng cảnh của Việt Nam. Xen kẽ là hình ảnh hoa sen được thực hiện bằng chất liệu vải gấm, xếp nổi 3D đẹp mắt. Để vận chuyển từ TPHCM đến Phú Thọ, tà áo dài phải chia nhỏ ra, đến nơi phải thuê máy may, nhân viên nối ráp tà, là phẳng.
Kể lại sự kiện này để thấy, áo dài luôn là cảm hứng sáng tạo của các nhà thiết kế Việt Nam. Họ có thể bay bổng trong giấc mơ làm cho tà áo dài Việt đẹp hơn, hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, đó là một quá trình bền bỉ, không dễ gì với tới thành công. Kể cả không ít mẫu thiết kế mới do cách tân quá đà đã gây ra phản ứng thiếu tích cực.
Cùng với áo dài, thời gian qua vấn đề “quốc phục” cũng nhận được nhiều ý kiến. Nếu như với nữ, áo dài dễ thuyết phục, thì với nam “quốc phục” là gì? Trên thực tế thì tới nay vẫn không có câu trả lời.
Mới đây, với mong muốn góp phần lan tỏa những giá trị văn hóa tốt đẹp đến sinh viên nói riêng và người trẻ nói chung, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM đã tổ chức Ngày hội Việt phục với tên gọi khá dễ thương: “Tóc xanh - Vạt áo”. Tại ngày hội, nhiều bạn trẻ đã khoác lên mình những chiếc áo được nhìn nhận là truyền thống, lưu lại những khoảnh khắc ấn tượng.
Nói như ông Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế thì việc phục hồi chiếc áo dài được khởi xướng từ cố đô Huế đã cho thấy sức lan tỏa đến cộng đồng, nhất là trong giới trẻ. Họ chính là những người thực hiện nhiều hoạt động góp phần khẳng định giá trị của Việt phục thông qua việc đón nhận, phát triển và quảng bá chiếc áo truyền thống của dân tộc.
Tuy nhiên, “quốc phục” phải chăng chỉ là áo dài (cho cả nam và nữ)? Đó vẫn là vấn đề được tranh luận. Dẫu vậy, trang phục mà ông cha ta từng sử dụng mang tính thẩm mỹ cao cũng như sự tiện dụng của nó vẫn đã và đang được nhiều người quan tâm; với tinh thần hướng về nguồn cội rất đáng trân trọng.
Chiếc áo dài Việt Nam ở mỗi thời kỳ đều có nét đặc trưng riêng biệt. Một số nghiên cứu cho rằng áo dài bắt nguồn từ áo Giao lĩnh (khoảng năm 1744), là kiểu dáng sơ khai nhất của áo dài Việt Nam. Áo Giao lĩnh được may rộng, xẻ hai bên hông, cổ tay rộng, thân dài chấm gót. Thân áo được may bằng 4 tấm vải kết hợp mặc cùng thắt lưng màu và váy đen. Đây là kiểu áo cổ chéo gần giống với áo tứ thân. Tiếp đó, dưới thời chúa Nguyễn Phúc Khoát (khoảng thời gian trước năm 1765), có áo Ngũ thân. Tuy nhiên, áo Ngũ thân chỉ phổ biến dưới thời Vua Gia Long (trước năm 1820), thịnh hành cho tới đầu thế kỷ XX. Sau đó, cuộc đột phá lớn nhất dược cho là “Áo dài Lemur”, được cải biến từ áo ngũ thân do họa sĩ Cát Tường sáng tạo vào năm 1939. Áo dài Lemur chỉ có hai vạt trước và sau, vạt trước dài chấm đất, áo được may ôm sát cơ thể, tay thẳng và có viền nhỏ. Khuy áo được mở sang bên sườn. Tiếp đó, còn phải kể đến áo dài Lê Phổ, áo dài Raglan... Nhìn chung, qua những lần cải tiến đều mong muốn tôn lên vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/ao-dai-cach-tan-va-cau-chuyen-quoc-phuc-5718621.html