Android P so găng với iOS 12, phần thắng thuộc về ai?

Google ra Android P, Apple đáp lại bằng iOS 12, cuộc chiến 'bên tám lạng, người nửa cân' xem ra bất phân thắng bại.

Tuy chỉ cách nhau 14 km ở thung lũng Silicon nhưng Apple và Google là hai thế giới đối lập nhau. Trong khi Android OS là nền tảng mở thì iOS đóng hoàn toàn.

Cạnh tranh giữa hai nền tảng Android và iOS càng trở nên rõ rệt hơn khi Google ra mắt Android P còn Apple đáp lại bằng iOS 12.

Theo lộ trình, iOS 12 sẽ có mặt trên iPhone vào tháng 9 tới, còn điện thoại Android P sẽ xuất hiện trong tháng 9 hoặc tháng 10.

Tai thỏ và điều khiển cử chỉ

Lợi thế tạm nghiêng về iOS 12. Thực ra iPhone X không phải chiếc smartphone đầu tiên có tai thỏ và hỗ trợ điều khiển cử chỉ, nhưng nhờ iPhone X mà hai đặc tính này trở nên phổ biến.

Essential Phone là chiếc điện thoại đầu tiên có tai thỏ, còn Palm Pre hỗ trợ điều khiển cử chỉ từ năm 2009 khi ra mắt cùng hệ điều hành WebOS.

Android P đi sau vì đến giờ mới được Google trang bị tính năng điều khiển cử chỉ và hỗ trợ tai thỏ. Thực tế, Android P không hỗ trợ cử chỉ hoàn toàn, nó vẫn phải dựa vào nút Back khiến trải nghiệm không được như iPhone X.

Đổi lại, Android P hỗ trợ tai thỏ toàn diện hơn, có thể đặt ở trung tâm, cạnh góc, trên hoặc dưới màn hình đều được.

Google Assistant ưu việt hơn Siri

Ở mục này, Android P ghi điểm với khả năng nhận lệnh chính xác dù Siri được nâng cấp khá nhiều trên iOS 12. Trợ lý giọng nói trên iPhone giờ đây có thể đoán trước nội dung người dùng tìm kiếm.

iOS 12 thêm ứng dụng Shortcuts mới cho phép người dùng thiết lập hồ sơ riêng khi nói từ khóa nhất định. Chẳng hạn khi nói từ “về nhà”, Siri sẽ truy xuất hồ sơ gồm gửi tin nhắn thông báo cho chồng (hoặc vợ), mở đài hay nghe và bắt đầu tìm kiếm lộ trình về nhà ít tắc đường nhất.

Xét toàn diện, Siri đang thụt lùi so với Google Assistant. Tại hội nghị I/O hồi tháng 5, Google công bố phát triển thêm sáu giọng nói mới cho Google Assistant. Giờ đây, trợ lý này có thể xử lý chuỗi câu hỏi phức tạp, một nhóm lệnh hoặc dạy trẻ cách cư xử.

Google cũng “huấn luyện” Assistant phản ứng giống người thường hơn thông qua hội thoại ngắn, tự đặt bàn ăn hoặc thiết lập cuộc hẹn cho chủ nhân.

Trong khi đó, dù xuất hiện từ năm 2011 trên iPhone 4S, Siri gần như không được nâng cấp lớn trong suốt 7 năm qua.

iMessage không đối thủ

iMessage là ứng dụng nhắn tin được đánh giá cao nhất hiện nay.

Về ứng dụng nhắn tin, iMessage tỏ ra không có đối thủ và càng được tối ưu tốt hơn trên iOS 12. iMessage hỗ trợ Animoji, thanh toán P2P, gọi FaceTime từ ứng dụng, nhắn tin với người dùng iMessage qua Wi-Fi, nhắn tin SMS liên nền tảng giữa iPhone với iPad và máy Mac.

Trong khi đó, Google Hangouts lại rất hạn chế và gần như không được đầu tư thích đáng. Ứng dụng nhắn tin Android Messages chỉ hỗ trợ điện thoại, không hỗ trợ máy tính. Còn Google Duo tuy gọi tốt video trên điện thoại nhưng lại không hỗ trợ máy tính và không liên kết với các ứng dụng tin nhắn khác của Google như Hangouts hoặc Messages.

Thực tế ảo - sân chơi của Android P

Trải nghiệm AR trên iPhone 8 Plus và Pixel 2 Nền tảng Android được đánh giá tốt hơn về khả năng hỗ trợ thực tế ảo.

iOS 12 có thêm tính năng AR nhiều người chơi rất thú vị, cho phép người chơi và bạn bè có thể tương tác cùng nhau trong không gian ảo, như chơi Lego hoặc chơi bóng bàn cùng nhau.

Google tiến xa hơn khi cho phép người dùng Android P và iPhone chơi cùng nhau trên nền tảng chung Cloud Anchors.

Mở khóa bằng khuôn mặt

Android P và iOS 12 đều hỗ trợ mở khóa bằng khuôn mặt nhưng Face ID của Apple an toàn hơn.

Tính năng Face Unlock của Android P được đánh giá là tiện lợi nhưng kém an toàn so với mở khóa vân tay.

Trong khi đó, Face ID là tính năng độc quyền của Apple và iPhone X là chiếc iPhone đầu tiên được trang bị camera nhận diện khuôn mặt ở phần trước.

Face ID an toàn hơn Face Unlock và có thể xếp ngang hàng với mở khóa bằng võng mạc. Tuy nhiên, tính năng mở khóa võng mạc chỉ xuất hiện trên smartphone cao cấp của Samsung như Galaxy S9.

Apple Maps đấu với Google Maps

Phần thắng nghiêng về Android P dù ứng dụng bản đồ iPhone Maps có chức năng dẫn đường liên tục. Google Maps tiến xa hơn khi cung cấp nhiều lớp thông tin sâu hơn mà người dùng mong muốn.

Chống nghiện smartphone

iOS 12 kiểm soát tốt tính năng chống làm phiền.

Vẫn còn quá sớm để nói iOS 12 hay Android P tốt hơn ở điểm này. Cả hai đều có tính năng giúp người dùng không bị làm phiền vào ban đêm. Ngoài ra, cả hai đều cho phép người dùng quản lý thời gian sử dụng thiết bị sao cho hiệu quả.

Ở thời điểm hiện tại, khó có thể nói iOS 12 tốt hơn hay Android P tốt hơn. Phần mềm thay đổi rất nhanh, Apple và Google có thể gây ngạc nhiên bằng các tính năng để đời.

Tuy nhiên, xét trên mọi khía cạnh, Google có nhiều xung lực phát triển hơn nhờ phần mềm được cải tiến liên tục, chức năng trợ lý giọng nói và AR đa người chơi hỗ trợ bất cứ smartphone nào.

Apple đã có khởi đầu tốt với Siri nhưng không biết tận dụng lợi thế dẫn đầu. Tuy vậy, tính năng AR hỗ trợ nhiều người chơi trong iOS 12 được đánh giá cao, nhất là trong bối cảnh AR đang là xu thế. Ngoài ra, iOS 12 tiếp tục khẳng định vị thế ở mở khóa bằng khuôn mặt và điều khiển cử chỉ.

Gia Nguyễn

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/android-p-so-gang-voi-ios-12-phan-thang-thuoc-ve-ai-post849691.html