Ấn tượng với phản biện, tranh luận của đại biểu

Dự thính phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021 hôm qua, 31.10, nhiều đại biểu đánh giá cao việc Quốc hội lựa chọn chuyên đề này để giám sát tối cao rất trúng, đúng những nội dung trọng tâm xã hội đang quan tâm. Báo cáo giám sát phản ánh đúng tình hình, việc trình bày báo cáo giám sát tóm tắt, cô đọng, kết hợp chiếu videoclip về kết quả giám sát nên thấy được sự sống động của những con số và phản ánh trong báo cáo giám sát rất khách quan, chân thực. Phiên thảo luận tại hội trường khá sôi nổi, trách nhiệm, đặc biệt rất ấn tượng với cách phản biện, tranh luận của một số đại biểu.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Dương NGUYỄN TRƯỜNG NHẬT PHƯỢNG:Sống động của những con số qua trình chiếu videoclip kết quả giám sát

Tôi đồng tình và đánh giá cao việc Quốc hội lựa chọn thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để giám sát tối cao, được tiến hành trên quy mô phạm vi rất rộng tại thời điểm này là rất trúng, đúng những nội dung trọng tâm mà xã hội đang quan tâm. Báo cáo giám sát đã phản ánh đúng tình hình, chỉ rõ những hạn chế, kiến nghị. Việc trình bày báo cáo giám sát tóm tắt, cô đọng; kết hợp chiếu videoclip về kết quả giám sát nên thấy được sự sống động của những con số và phản ánh trong báo cáo giám sát rất khách quan, chân thực.

Phiên thảo luận tại hội trường khá sôi nổi, trách nhiệm, đặc biệt rất ấn tượng với cách phản biện, tranh luận của một số ĐBQH. Có những đại biểu phát biểu rất hay, tranh luận lại đánh giá của báo cáo giám sát về những vấn đề liên quan đến lãng phí về biên chế và đề xuất những giải pháp cần tháo gỡ những nút thắt, tạo cơ chế, thể chế để một số địa phương đặc thù có cơ hội bứt phá... cho thấy đại biểu rất quan tâm đến nội dung giám sát tối cao này và trăn trở với tình hình phát triển của đất nước.

Phiên thảo luận cũng có sự tranh luận ngay cả giữa các đại biểu phát biểu, rất sinh động và làm sáng tỏ thêm vấn đề, đồng thời chỉ rõ nhiều bất cập, hạn chế trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, như: công tác tham mưu, ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật và quy chuẩn, tiêu chuẩn, đơn giá, định mức kinh tế - kỹ thuật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính chưa đạt yêu cầu đề ra; lãng phí, thất thoát trong khu vực công vẫn xảy ra; còn nhiều vụ việc sai phạm trong đầu tư, đấu thầu, thẩm định giá, quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản, tài chính công, tài sản công, gây thất thoát, lãng phí rất lớn…

Để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tôi đồng tình với quan điểm tại phiên thảo luận nhiều ĐBQH đề xuất, đó là: cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, công tác điều tra, xét xử việc thực hiện chính sách pháp luật về tiết kiệm, chống lãng phí...

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Hà Giang CHÚNG THỊ CHIÊN:
Xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu

Tôi đánh giá rất cao việc Quốc hội lựa chọn chuyên đề thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là nội dung giám sát tối cao, với quy mô và huy động lực lượng lớn tham gia. Các Đoàn ĐBQH, HĐND các tỉnh, thành phố đã cùng tham gia giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại địa phương.

Bên cạnh những kết quả tích cực, qua giám sát cũng cho thấy công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021 trong tất cả các lĩnh vực được giám sát đều có những vướng mắc, bất cập, lãng phí đòi hỏi phải sớm có các giải pháp chấn chỉnh, khắc phục. Để thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đạt hiệu quả tích cực hơn, cần nhận thức đúng đắn, sâu sắc về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đồng thời, xác định rõ trách nhiệm, nhất là của người đứng đầu đối với việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Lãng phí trong vấn đề sử dụng đất đai được cử tri và nhiều đại biểu quan tâm tại phiên thảo luận. Giai đoạn 2016 - 2021, tại nhiều địa phương trên cả nước đã có hàng nghìn hécta đất sử dụng sai mục đích, bỏ hoang hóa, vi phạm pháp luật dẫn đến nhiều hệ lụy, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của đất nước, cuộc sống của người dân. Tôi mong rằng, Chính phủ hoặc các bộ, ngành quan tâm đến vấn đề lãng phí trong sử dụng đất, nhất là dự án treo, quy hoạch treo; khẩn trương rà soát và tháo gỡ vướng mắc cho người dân trong vùng dự án treo, quy hoạch treo, giảm bớt những khó khăn; kiên quyết thu hồi, hủy bỏ những dự án treo chậm tiến độ, đánh thuế cao đối với những diện tích đất không sử dụng.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Hà Nam ĐẶNG THANH SƠN:
Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cần chủ động và tự giác

Trước hết, tôi đánh giá cao Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021 đã cho thấy thực trạng lãng phí đang có mặt ở mọi lĩnh vực, gây ra nhiều thất thoát lớn cho đất nước. Kết quả hoạt động giám sát chuyên đề này bước đầu đã có tác động làm chuyển biến cả về nhận thức và trách nhiệm của các cấp, ngành trong thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Tại phiên thảo luận, các ĐBQH đã một lần nữa làm rõ hơn thực trạng thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chỉ rõ nguyên nhân, đề xuất, kiến nghị các giải pháp thiết thực với mục tiêu sớm xây dựng môi trường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nhất là ở khu vực công. Trong nhiều giải pháp các ĐBQH đưa ra, tôi đặc biệt ấn tượng với nhóm giải pháp được nhiều đại biểu tập trung, đó là: cần tăng cường giáo dục ý thức, xác định rõ trách nhiệm đối với việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu; cần xây dựng môi trường văn hóa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chủ động, tự giác hơn để dần dần việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành nền nếp, ý thức sâu rộng.

Tôi cho rằng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là việc làm rất cần thiết và liên tục, nhất là trong bối cảnh nước ta đang cần nhiều nguồn lực để khắc phục hậu quả của dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu, tạo đà khôi phục và phát triển kinh tế.

Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Hà Tĩnh ĐÀO THỊ ANH NGA:
Tăng cường hơn nữa tính chủ động trong giám sát của HĐND các cấp

Dưới sự điều hành linh hoạt, khoa học của chủ tọa, tại phiên thảo luận, các ĐBQH đã chỉ rõ nhiều bất cập, hạn chế trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tôi hoàn toàn đồng tình với đề xuất của các ĐBQH là cần nhận thức đúng đắn, sâu sắc về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, công tác điều tra, xét xử việc thực hiện chính sách pháp luật về tiết kiệm, chống lãng phí…; nhanh chóng hoàn thiện đề án việc làm để bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, không để xảy ra tình trạng nơi cần người thì thiếu, nơi việc ít lại quá nhiều người, hay bố trí không đúng chuyên môn.

Bên cạnh đó, cần đặc biệt chú trọng việc bồi đắp, nâng cao ý thức, đạo đức; tăng cường “hậu” giám sát những vấn đề như: dự án chậm tiến độ, đất đai còn để hoang hóa, việc đấu thầu, chỉ định thầu, mua sắm tài sản công chưa đúng mục đích; tiếp tục xử lý các trường hợp vi phạm, thiếu trách nhiệm gây lãng phí lớn… Đặc biệt, tăng cường hơn nữa tính chủ động trong hoạt động giám sát của HĐND các cấp; HĐND cần nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả hoạt động giám sát ở địa phương, trong đó có việc phòng chống tham nhũng, lãng phí, kiến nghị các giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện pháp luật trên địa bàn…

HẢI THANH - DIỆP ANH - ĐÀO CẢNH - TRỌNG HIẾU thực hiện

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-quoc-hoi-va-cu-tri/an-tuong-voi-phan-bien-tranh-luan-cua-dai-bieu-i305455/