'Án tử' dành cho taxi công nghệ?

Trong Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô của Bộ Giao thông Vận tải trình Chính phủ lần thứ 6, có đề cập nội dung xóa sổ hoàn toàn 'xe hợp đồng điện tử' loại dưới 9 chỗ ngồi. Việc khai tử taxi công nghệ, phát triển taxi truyền thống liệu có đúng với quy luật cạnh tranh lành mạnh, công bằng của nền kinh tế thị trường?

Taxi công nghệ như Grap sẽ gặp khó vì quy định mới?

Cạnh tranh là tất yếu

Không thể phủ nhận, sự xuất hiện của các hãng GrabTaxi, GrabBike, GrabExpress ứng dụng công nghệ tại 31 tỉnh thành, đã giúp 175.000 đối tác tài xế và các hợp tác xã vận tải có cơ hội mở rộng hoạt động, tăng thu nhập cho lao động nhàn rỗi. Đặc biệt, khách hàng được phục vụ tốt hơn.

Anh Nguyễn Xuân Tưởng, sống tại khu đô thị Mỹ Đình (Hà Nội), từng lái Grab chia sẻ: “Taxi công nghệ ra đời đã “giết chết” taxi truyền thống bởi đây là dịch vụ vận tải hiện đại, an toàn, người dân được hưởng nhiều ưu đãi. Chất lượng xe, thái độ phục vụ cũng tốt hơn. Chính vì vậy, theo đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải, “cào bằng” xe Grab và taxi truyền thống, không còn xe taxi điện tử, là hoàn toàn không nên”.

NGƯT.GS.TS Từ Sỹ Chùa, giảng viên cao cấp Trường ĐH Giao thông Vận tải cho rằng thay đổi trong Dự thảo Nghị định 86 rất khác so với các lần trước. Hiện, có mấy luồng ý kiến khác nhau: Luồng thứ nhất cho rằng, thay đổi theo như Dự thảo trong Nghị định là đúng. Có nghĩa, với taxi công nghệ, muốn hoạt động, phải được lắp “mào”, đồng hồ tính điểm như taxi truyền thống.

Luồng ý kiến thứ hai, không đồng tình, bởi thời đại công nghệ số 4.0, đang khuyến khích áp dụng khoa học công nghệ vào mọi lĩnh vực, không thể vì lợi ích nhóm mà bắt taxi công nghệ quay trở về taxi truyền thống.

Thực tế, taxi truyền thống tồn tại từ lâu và có mặt tại bất cứ thành phố nào trên thế giới. Trong khi đó, có nơi hào hứng, có nơi không đón nhận, hờ hững với taxi công nghệ. Sau hơn 2 năm thí điểm ở Việt Nam, taxi công nghệ có nhiều cái được và chưa được.

Được ở đây là khi xuất hiện, taxi công nghệ được khách hàng quan tâm, săn đón, trải nghiệm. Từ sự thành công của Uber, sau đó là Grab, có thể khẳng định đây là loại hình dịch vụ vận tải đem đến nhiều lựa chọn, đa dạng hóa loại hình dịch vụ, khách hàng được hưởng lợi. Ngược lại, taxi truyền thống ra đời lâu, vì thế, cạnh tranh là tất yếu bởi sự xuất hiện của cái mới trong lòng cái cũ tất có sự cạnh tranh.

Không nên xóa sổ taxi công nghệ, bắt loại hình vận tải này vận hành như taxi truyền thống, đó là ý kiến của nhiều người dân cũng như chuyên gia. Bởi lẽ, taxi công nghệ phát triển phù hợp với thời đại, giá thành thấp hơn.

Cần môi trường kinh doanh lành mạnh

“Mặc dù hiệu quả sản xuất kinh doanh của taxi truyền thống chưa cao, chưa phải là loại hình dịch vụ vận tải hoàn hảo nhưng sự có mặt mọi lúc, mọi nơi, rất thông dụng, thuận tiện. Song, nếu đưa taxi công nghệ vào quản lý như taxi truyền thống là không được. Cách quản lý rập khuôn máy móc, gắn mào cho taxi công nghệ là không nên. Khoa học kỹ thuật phát triển, trong thời đại 4.0, nên chăng sẽ nhận diện taxi công nghệ bằng logo gắn cửa xe hoặc lên kính, không cần gắn đồng hồ tính tiền và gắn mào như taxi truyền thống” - GS.TS Từ Sỹ Chùa nêu quan điểm.

Anh Phạm Văn Quyết, quê Nghĩa Hưng (Nam Định) 11 năm lái xe taxi Thăng Long chia sẻ: “Tôi thấy taxi công nghệ còn bộc lộ nhiều hạn chế. Xe truyền thống chịu sự quản lý theo pháp luật, tốn nhiều loại phí. Tuyển dụng lái xe nghiêm ngặt, thậm chí phải có tiền đặt cọc xe cho công ty, hàng tháng trả lãi, gốc. Trong khi với taxi công nghệ, miễn là anh có bằng lái, xe của cá nhân hay thuê, mượn, không cần biết, chỉ cần được cung cấp mã là hoạt động. Không có chủ đầu tư, không chịu sự quản lý nên lái xe không có sự ràng buộc về pháp luật. Do vậy, khi bị cướp, tai nạn, không hề có đơn vị chủ quản gánh trách nhiệm, tự lái xe giải quyết. Ở đây cả người lái và hành khách đều bị thiệt”.

Hiện thu nhập của taxi công nghệ cũng qua thời hoàng kim. Họ có nhiều khách, đông xe, cạnh tranh vất vả hơn nhưng đóng phí khoảng 30%/tổng thu nhập, tùy theo thâm niên. Nếu lái xe truyền thống chạy được số tiền 1 triệu đồng thì hưởng cả, trong khi lái xe công nghệ phải kiếm hơn 1,5 triệu đồng mới thu về 1 triệu đồng.

Công việc vất vả, không chở khách xa được vì giá thành rẻ, chiều về khó bắt khách bởi xe không mào, không ai biết mà vẫy. Nếu không làm việc cật lực thì lái xe chẳng có thu nhập. Thêm vào đó, tiền khách hàng trả trong tài khoản, cuối tháng sẽ được trả vào tài khoản, nếu công ty ảo đó làm ăn thua lỗ, xóa luôn cả mạng như sự biến mất của các công ty đa cấp thì lái xe sẽ mất trắng. Đây là lý do tại sao anh Quyết vẫn chạy taxi truyền thống.

“Nhà nước phải tạo được môi trường kinh doanh công bằng, công khai, minh bạch, đảm bảo hài hòa 4 lợi ích gồm: Quyền lợi khách hàng, người lao động (lái xe), doanh nghiệp cung ứng dịch vụ và cuối cùng là lợi ích của Nhà nước thông qua việc nộp thuế. Bốn lợi ích này có thể xung đột nhau, chưa có sự hài hòa, vì thế cần có môi trường kinh doanh chung hòa lợi ích. Vừa rồi, 3 hãng taxi Thành công, Ba Sao, Sao Hà Nội sáp nhập thành G7 Taxi với gần 3.000 xe, hoạt động ở 12 quận nội thành Hà Nội đã khẳng định thương hiệu, khách hàng quan tâm và tin dùng, các lợi ích được đảm bảo hài hòa” - GS.TS Từ Sỹ Chùa khẳng định.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/an-tu-danh-cho-taxi-cong-nghe-3959647-b.html