An ninh nguồn nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu

Do tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng suy giảm cả nguồn nước mặt và nguồn nước ngầm. Trong khi đó, mực nước biển có xu hướng dâng cao, triều cường và xâm nhập mặn ngày càng gia tăng. Cùng với quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa, sự gia tăng dân số, nhu cầu về nước cho sản xuất, đời sống tiếp tục tăng nhanh đã và đang đe dọa đến an ninh nguồn nước ở Việt Nam.

Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Hòa, Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam cho biết: Việt Nam có hơn 2.360 con sông, 108 lưu vực sông, trong đó có 16 lưu vực sông, với diện tích lưu vực lớn hơn 2.500 km2. Tổng lượng nước mặt trung bình vào khoảng 830 tỷ m3/năm (nguồn nước dưới đất khoảng 63 tỷ m3/năm) và tập trung chủ yếu trên một số lưu vực sông lớn. Tuy nhiên, khoảng 63% tổng dòng chảy sông ngòi Việt Nam đến từ các nước láng giềng, riêng với khu vực sông Mê Công, tỷ lệ này đã chiếm tới 90% và lưu vực sông Hồng là hơn 50%.

Đáng chú ý, theo chỉ tiêu đánh giá của Hội Tài nguyên nước quốc tế, quốc gia được coi là thiếu nước nếu không đạt 4.000 m3/người/năm. Với dân số Việt Nam như hiện nay, bình quân đầu người Việt Nam chỉ nhận được khoảng 3.370 m3/người/năm từ nguồn nước nội sinh. Trong khi đó, phần lớn người dân Việt Nam vẫn suy nghĩ nguồn nước là vô tận, chưa hiểu đúng về vai trò của nước và mối nguy hại khi thiếu nước. Ngay như đồng bằng sông Cửu Long, cơ cấu sử dụng nước cho nông nghiệp chiếm khoảng 75%, cho nên nếu ý thức về sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn nước không được đầy đủ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến an ninh nguồn nước. Vì vậy, nguy cơ thiếu nước đối với Việt Nam không chỉ còn là dự báo, mà đã hiện hữu ở rất nhiều vùng, miền khắp cả nước…

Bên cạnh đó, Việt Nam là một trong năm quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH, các tác động bất lợi nêu trên sẽ gia tăng lên một mức độ báo động cao hơn, trầm trọng hơn. Nhiều vấn đề về tài nguyên nước hiện chỉ tiềm ẩn ở dạng các nguy cơ, thì có thể trở thành hiện thực nhanh hơn. Tác động của BĐKH đến Việt Nam mang tính toàn diện. Tuy nhiên, do điều kiện địa hình của nước ta khá đa dạng, phong phú, vì thế tác động của BĐKH đến mỗi vùng miền có những đặc điểm và mức độ khác nhau. Như khu vực đồng bằng Bắc Bộ và ven biển miền trung thời gian qua phải chịu các đợt khô hạn kéo dài hoặc mưa tập trung với cường suất lớn đã gây nên hạn hán và lũ lụt; đồng thời còn chịu tác động của vấn đề nước biển dâng, bão lụt dẫn đến ngập mặn và sạt lở bờ biển.

Còn tại Nam Bộ, đây là khu vực khá bằng phẳng với địa chất yếu và khá thấp, dễ bị ngập lụt và xâm nhập mặn, trong khi đó khu vực này là vùng có lượng mưa ở mức trung bình, nhưng nguồn nước bổ cập từ nước ngoài về khá lớn. Mực nước biển dâng cao như dự báo vào năm 2030 sẽ có khoảng 45% diện tích tại khu vực này có nguy cơ nhiễm mặn cực độ; năng suất lúa sẽ giảm khoảng 9% so với hiện nay…

GS, TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) đánh giá, Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức lớn về an ninh nguồn nước do quá trình công nghiệp hóa; khai thác năng lượng dòng chảy và mở rộng diện tích tưới tiêu nông nghiệp của những nước thượng nguồn đang gây khó khăn cho Việt Nam. Theo số liệu thống kê, nhu cầu nước cho sản xuất và tiêu dùng tăng nhanh, nếu như năm 1990 khoảng 50 tỷ m3/năm, thì đến năm 2010 khoảng 72 tỷ m3/năm và dự báo nhu cầu nước đến năm 2020 là 80 tỷ m3/năm. Lượng mưa hằng năm khá cao nhưng phân bổ không đồng đều theo không gian và thời gian. Điển hình như nơi mưa nhiều như vùng Bạch Mã (Thừa Thiên - Huế) lên đến 8.000 mm/năm, trong khi đó khu vực Phan Rang (Ninh Thuận), Phan Rí (Bình Thuận) lượng mưa chỉ từ 400 đến 700 mm/năm.

Ngoài ra, hiện tượng suy thoái đất diễn ra nhanh dưới tác động của BĐKH, nước biển dâng, trong đó tình trạng sa mạc hóa ở các tỉnh Nam Trung Bộ và sụt lún làm ngập lụt vùng đồng bằng sông Cửu Long ảnh hưởng lớn đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều dòng sông bị ô nhiễm nặng nề, chất lượng nước ngày càng xấu đi do chất thải hữu cơ và vô cơ, dư lượng thuốc hóa học dùng trong nông nghiệp, rừng bị chặt phá trái phép, làm thủy điện... làm hạn chế việc điều tiết nguồn nước. Dự báo, đồng bằng sông Cửu Long có 828 nghìn ha đất bị nhiễm mặn; vùng trung du và miền núi Bắc Bộ có gần 2,3 triệu ha bị suy thoái, có nguy cơ trượt lở; vùng duyên hải Nam Trung Bộ có gần 56 nghìn ha đất bị nhiễm mặn, 759 nghìn ha bị hoang hóa, sa mạc hóa trong những thập kỷ tới.

Nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước ở Việt Nam trong bối cảnh BĐKH, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Hòa cho rằng, trước hết cần có sự hợp tác chặt chẽ và thiện chí giữa các quốc gia để cùng bảo vệ, chia sẻ, khai thác công bằng, hiệu quả nguồn tài nguyên nước. Cần có hệ thống chính sách, pháp luật, chiến lược về tài nguyên nước hoàn chỉnh nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng nước hợp lý, tiết kiệm và phòng, chống có hiệu quả các tác hại của nước do nhân tai gây ra. Bên cạnh đó, phải thay đổi nhận thức và hành động ở mỗi địa phương, mỗi ngành, đoàn thể, cá nhân trong bảo đảm an ninh nguồn nước... Các nhà quản lý, nhà khoa học phải đưa ra nhiều thông tin, giải pháp hữu ích liên quan đến việc bảo đảm an ninh nguồn nước trong bối cảnh BĐKH rõ rệt như hiện nay…

Các chuyên gia, các nhà khoa học cũng cho rằng: Cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, thông tin về tài nguyên nước đến mọi người dân, doanh nghiệp; tăng cường công tác điều tra, quy hoạch tài nguyên nước, nhất là tập trung thanh tra, kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về tài nguyên nước. Mở rộng hợp tác quốc tế và thực hiện các giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề khai thác, sử dụng bền vững nguồn nước sông Hồng và Mê Công với các nước thượng nguồn một cách hợp lý và hiệu quả…

KHÁNH HUY

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/item/32864102-an-ninh-nguon-nuoc-trong-boi-canh-bien-doi-khi-hau.html