Ấn Độ tiếc nuối Su-57 khi thấy J-20 tại 'điểm nóng'?
Một tấm ảnh vệ tinh đã cho thấy việc Trung Quốc triển khai tiêm kích tàng hình thế hệ thứ năm Chengdu J-20 tới khu vực tranh chấp với Ấn Độ.
Trước diễn biến leo thang căng thẳng trên, truyền thông Nga cho rằng các quan chức quố phòng Ấn Độ có lẽ đã bắt đầu lấy làm tiếc vì trước đó họ đã quyết định đình chỉ dự án hợp tác với Moskva trong việc chế tạo máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 FGFA của riêng mình, cũng như từ chối mua Su-57.
Lý do dẫn tới nhận định trên nằm ở sự xuất hiện của 2 tiêm kích tàng hình Chengdu J-20 của Không quân Trung Quốc cùng một lúc, tại địa điểm mà Quân đội Ấn Độ không có hệ thống phòng không cũng như không quân đủ mạnh.
Ban đầu Bộ tư lệnh Không quân Trung Quốc không bình luận về việc điều động máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm của mình đến khu vực biên giới tranh chấp với Ấn Độ, tuy nhiên sau khi hình ảnh vệ tinh xuất hiện thì họ đã lưu ý rằng thực sự điều đó đã xảy ra.
Hiện tại Không quân Ấn Độ chỉ được trang bị tiêm kích thế hệ 4, trong đó mạnh nhất là Su-30MKI, tuy nhiên phương tiện tác chiến này bị đánh giá không thể chống lại máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm của Trung Quốc.
Nhưng nếu trước đó New Delhi đã đặt hàng một lô tiêm kích thế hệ 4,5 Su-35 hay thậm chí là Su-57 thế hệ thứ năm thì rất có thể kịch bản sẽ rất khác, trang Avia-pro của Nga nhận định.
Cần phải làm nói thêm rằng trong tương lai gần, Ấn Độ sẽ nhận được các hệ thống phòng không S-400 Triumf, điều này cho phép họ chống lại Trung Quốc tương đối hiệu quả, tuy nhiên New Delhi vẫn từ chối mua máy bay chiến đấu của Nga, cho rằng chúng có chất lượng và giá thành không đáp ứng yêu cầu.
Thay vì đặt niềm tin vào tiêm kích Nga, Ấn Độ đã quyết định đặt niềm tin vào chiến đấu cơ Rafale từ Pháp và New Delhi vừa nhận 5 chiếc đầu tiên, dự kiến chúng sẽ sớm được đưa tới khu vực biên giới để đối đầu cùng J-20.
Kịch bản tinh hoa của nền công nghiệp quốc phòng Trung Quốc và Pháp đối đầu trực tiếp sẽ khiến cho giới truyền thông phải đặc biệt quan tâm.