Ấn Độ: Bùng nổ bạo lực nhằm vào người Hồi giáo

Bạo lực đẫm máu nhất suốt nhiều thập kỷ đã bùng nổ ở thủ đô New Delhi của Ấn Độ trong hơn một tuần qua, cướp đi mạng sống của 46 người tính đến ngày 2/3 - AP cho biết. Đảng cầm quyền bị cáo buộc có định kiến nhằm vào người Hồi giáo.

Đạo luật mới đang gây nhiều tranh cãi tại Ấn Độ

Chính sách “người Ấn Độ giáo trên hết”

Bạo lực bắt đầu từ những tranh cãi liên quan đến luật công dân mới có hiệu lực từ hôm 23/2. Luật này thay đổi quá trình cấp quốc tịch Ấn Độ, nới lỏng các điều khoản để cho phép người dân thuộc các nhóm tôn giáo thiểu số như Ấn Độ giáo, Sikh, Phật giáo, Thiên chúa giáo... từ các nước Hồi giáo láng giềng như Afghanistan, Bangladesh hay Pakistan có thể nhập quốc tịch Ấn Độ, nhưng các điều khoản này lại không dành cho người Hồi giáo.

Từ khi được thông qua vào tháng 12/2019, Luật đã dẫn đến sự căng thẳng và các cuộc ẩu đả giữa người Hồi giáo và người Ấn Độ giáo làm hàng trăm người bị thương, nhiều người mang vết thương do súng bắn, các vụ cướp bóc, ném đá, đốt phá diễn ra khắp nơi nhằm vào các cửa hàng, nhà riêng, đền thờ Hồi giáo, trường học.

Thủ đô New Delhi trở thành trung tâm các cuộc phản đối do sinh viên và các lực lượng quan trọng trong cộng đồng Hồi giáo đứng đầu chống lại Luật Công dân, bày tỏ sự bức xúc của họ với những chính sách “người Ấn Độ giáo trên hết” của Thủ tướng Narendra Modi và chính phủ - AP cho biết.

Những người chỉ trích cho rằng, luật công dân này đầy định kiến với người Hồi giáo và làm suy yếu hiến pháp phi tôn giáo của Ấn Độ.

Đảng Bharatiya Janata theo chủ nghĩa dân tộc của Thủ tướng Narendra Modi nói rằng luật này cần thiết để giúp các nhóm thiểu số đang thiệt thòi ở Ấn Độ, đồng thời phủ nhận rằng họ có định kiến với 180 triệu người Hồi giáo ở nước này.

Cuối tuần trước, trang RFI của Pháp cho biết: Khu chợ Gokalpuri ở phía Đông Bắc New Delhi gần như bị phá hủy hoàn toàn, những gì không bị đốt cháy thì bị đánh cắp hoặc đập phá. Đây là khu phố nghèo, nơi cư trú của nhiều người buôn bán tự do và công nhân, có người mất tất cả những gì đã tích lũy cả đời.

Theo những người bán hàng, 160 trên tổng số 224 cửa hàng tại đây bị phá hủy. Một doanh nhân nói tổng số thiệt hại có thể vượt qua 6 triệu euro, khung cảnh như ngày tận thế. Trong khu phố này, nhiều trạm xăng và xe cá nhân bị đốt.

Các cửa hàng của người theo đạo Hồi đặc biệt là đối tượng của các vụ tấn công, trong khi đó các cửa hàng của người theo Ấn Độ giáo bên cạnh lại không bị đụng tới.

Xúi giục phe phái

Cho đến giờ, ông Modi hầu như im lặng trước các cuộc bạo loạn. Theo AP, Bộ trưởng Nội vụ Ấn Độ Amit Shah đã cáo buộc các đảng đối lập xúi giục bạo loạn bằng cách lan truyền thông tin giả về Luật Công dân. Trong số các tin giả đó, rộ lên mạng xã hội hôm 1/3 là thông tin nói rằng, các nhóm vũ trang đang diễu hành ở New Delhi, vừa đi vừa hô khẩu hiệu, và nhiều ngôi nhà đã bị phóng hỏa, gây nên sự sợ hãi lan ra trong xã hội.

Cuối cùng cảnh sát đã liên hệ với các lãnh đạo cả của Hồi giáo và Ấn Độ giáo, đề nghị họ giúp duy trì trật tự trong các khu vực của mình. Cảnh sát cũng đưa ra các tuyên bố và một số nghị sĩ liên tiếng đảm bảo với người dân rằng mọi chuyện vẫn diễn ra bình thường.

Tuần trước, Cao ủy Nhân quyền LHQ Michelle Bachelet nói rằng, Luật Công dân thông qua từ tháng 12/2019 đã “gây quan ngại to lớn”, và bà cũng bày tỏ sự lo lắng trước cáo buộc cảnh sát không hành động gì khi người Hồi giáo bị các nhóm khác tấn công. “Tôi kêu gọi tất cả các lãnh đạo chính trị ngăn chặn bạo lực” - Reuters dẫn lời bà Bachelet phát biểu hôm 27/2 tại Hội đồng Nhân quyền LHQ ở Geneva.

Tòa án Tối cao Ấn Độ ngày 2/3 mở xét xử vụ kiện của các nạn nhân bạo loạn, cáo buộc các lãnh đạo của đảng Bharatiya Janata cầm quyền có những phát biểu mang tính thù ghét. Một số nạn nhân cáo buộc ông Kapil Mishra, lãnh đạo địa phương của đảng Bharatiya, người mất ghế hội đồng bang Delhi trong bầu cử gần đây, là người xúi giục bạo lực.

Trong một cuộc mít tinh tuần trước, ông Mishra lên tiếng yêu cầu cảnh sát dập tắt các cuộc phản đối do người Hồi giáo đứng đầu ở New Delhi hoặc bất kỳ nơi nào khác, hoặc ông và chính ông sẽ làm điều đó. Vài giờ sau phát biểu trên, ẩu đả nổ ra giữa người Hồi giáo và Ấn Độ giáo, họ tấn công nhau bằng súng và kiếm, bằng các thanh sắt và rìu, khiến đường phố tan hoang như chiến tranh. Bạo lực dịu đi hôm 27/2, nhưng New Delhi vẫn như trên bờ vực bùng nổ.

Trong bối cảnh đó, lại xảy ra việc luân chuyển thẩm phán S. Muralidhar, thẩm phán cao cấp của Tòa án Tối cao Delhi, người đang xem xét vụ kiện liên quan đến các vụ bạo loạn lần này. Ông Muralidhar cũng đã chỉ trích chính phủ và cảnh sát không hành động để dẹp yên tình hình.

Bộ trưởng Tư pháp Ravi Shankar Prasad nói rằng, việc luân chuyển là thông thường và đã được Tòa án Tối cao xem xét từ đầu tháng Hai. Trong khi đó, lãnh tụ đảng Quốc đại đối lập Manish Tiwari phát biểu, mỗi luật sư và thẩm phán ở Ấn Độ cần phản đối mạnh mẽ cái mà ông gọi là âm mưu thô bạo xúc phạm đến nền tư pháp.

Bộ trưởng Thông tin và Phát thanh Prakash Javadekar lên tiếng cho rằng, chính những bài phát biểu gây bức xúc ở các cuộc biểu tình phản đối Luật Công dân vài tháng qua cũng như sự ủng hộ ngầm của một số lãnh đạo đối lập đã gây ra các vụ bạo lực lần này. “Cuộc điều tra đang được tiến hành” - ông nói.

Bạo loạn lần này kéo dài nhất trong cả chuỗi dài những xung đột cộng đồng suốt hàng chục năm qua ở Ấn Độ. Tháng 8/2019, Thủ tướng Narendra Modi đã rút quyền tự trị của bang Jammu và Kashmir và bị cáo buộc rằng ông đang nhằm đến việc siết chặt quyền kiểm soát của chính phủ ở vùng đất mà Pakistan cũng tuyên bố chủ quyền này.

Suốt nhiều tháng, chính phủ đã áp dụng sự hạn chế nghiêm khắc ở Kashmir, như cắt đường điện thoại và Internet, nhưng gần đây một số biện pháp đã được nới lỏng.

Theo

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/the-gioi/an-do-bung-no-bao-luc-nham-vao-nguoi-hoi-giao-4068687-b.html