Ấn Độ ấn định thời điểm ra mắt của máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 nội địa

Cùng với các dòng máy bay chiến đấu hạng nhẹ Tejas Mk I và Mk II, Ấn Độ đang đẩy mạnh quá trình phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 nội địa với tên gọi AMCA.

Theo trang tin Ấn Độ The Hindu, quá trình phát triển chương trình AMCA do Cơ quan phát triển Công nghệ không quân thuộc Bộ Quốc phòng Ấn Độ thực hiện. Từ các thông tin sơ bộ, nguyên mẫu máy bay AMCA sẽ sử dụng 2 động cơ phản lực General Electric-414 và có chuyến bay thử đầu tiên vào năm 2032. Tuy nhiên, các thông tin liên quan tới quá trình phát triển chương trình AMCA ở thời điểm hiện tại chưa được tiết lộ.

Một quan chức quốc phòng Ấn Độ giấu tên cho biết, Không quân Ấn Độ đã quyết định sẽ không theo đuổi chương trình phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 FGFA hợp tác với Nga để tập trung nguồn lực cho AMCA. Hiện tại, chương trình FGFA đang bị hoãn vô thời hạn do các bất đồng giữa Nga và Ấn Độ liên quan tới chuyển giao công nghệ và hợp tác sản xuất.

Mô hình máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 nội địa của Ấn Độ AMCA. Ảnh: The Times of India.

Cùng với đó, Không quân quốc gia Nam Á này sẽ không nhập khẩu các máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 từ nước ngoài vì giá thành quá cao.

Mới đây, Không quân Ấn Độ từng công bố thông tin về việc sẽ đưa vào trang bị máy bay chiến đấu tương lai AMCA vào năm 2035. Tuy nhiên, với mốc thời gian bay thử lần đầu tiên được ấn định vào năm 2032, khả năng AMCA chỉ có thể sẵn sàng phục vụ Không quân Ấn Độ vào những năm cuối của thập kỷ 2030.

Gần đây, Ấn Độ luôn coi trọng việc phát triển máy bay chiến đấu thế hệ 5, không chỉ thực hiện dự án nghiên cứu chung máy bay chiến đấu thế hệ 5 hạng nặng với Nga, mà còn tự nghiên cứu một loại máy bay chiến đấu thế hệ 5 hạng trung để thay thế máy bay chiến đấu Mig-21, Mig-29 và Mirage 2000.

Theo các thông tin được công khai, AMCA có hình dáng khá giống các mẫu máy bay chiến đấu Su-57, F-22 hay KFX. Cụ thể, AMCA sử dụng thiết kế giấu khoang vũ khí trong thân máy bay. Khoang chứa này có thể chứa được tổng cộng 5 tên lửa đối không tầm trung hoặc 2 quả bom và 2 tên lửa.

Để đạt yêu cầu của máy bay chiến đấu phân khúc thế hệ thứ 5, máy bay AMCA của Ấn Độ được thiết kế áp dụng công nghệ tàng hình, khả năng tác chiến điện tử mạnh, trang bị radar mảng định pha chủ động, tổ hợp trinh sát quang điện - hồng ngoại và khả năng cơ động cao. Về mặt hỏa lực, AMCA mang được tên lửa đối không tầm ngắn - ngoài tầm nhìn, đạn tấn công mặt đất tự dẫn chính xác cao PGM, đạn tấn công trực tiếp JDAM. Tuy nhiên, các yêu cầu kỹ thuật trên phải đáp ứng việc được sản xuất tại Ấn Độ và có giá thành phải chăng.

TUẤN SƠN (theo The Hindu)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/tin-tuc/an-do-an-dinh-thoi-diem-ra-mat-cua-may-bay-chien-dau-the-he-thu-5-noi-dia-599724