Ấm nồng chè sắn khi đông về

Chớm đông, Hà Nội lạnh se sắt. Những ngày này, các 'tín đồ ăn vặt' lại nhớ tới một món chè 'huyền thoại' của đất Hà thành, đó là chè sắn. Món chè bình dị nhưng mang hương vị rất riêng mà không nơi nào có được.

Nhớ ngày còn nhỏ, mỗi khi đông đến, các bà các mẹ ở khu phố cũ nơi tôi sống lại mua ít sắn về nấu chè cho cả nhà cùng ăn. Sắn mua về, được rửa sạch rồi dùng dao khứa đến phần thịt sắn, lột sạch vỏ, đem ngâm trong chậu nước muối loãng khoảng vài tiếng để thải hết độc tố.

Sau khi ngâm xong, sắn được rửa lại và cho vào nồi nước luộc cho tới khi chín. Có một kinh nghiệm nhỏ, các bà các mẹ thường cho xíu muối vào nồi sắn luộc để miếng sắn khi nấu chè sẽ đậm vị hơn.

Chả mấy chốc, nồi sắn luộc đã tỏa hương thơm thơm trong gian bếp nhỏ. Các bà các mẹ thường chú ý canh lửa sao cho miếng sắn vừa chín tới, không sượng mà không quá mềm. Sắn chín được vớt ra để nguội rồi thái thành từng miếng vuông nho nhỏ vừa ăn.

Lúc này, các bà các mẹ tranh thủ rang lạc chín vàng. Bọn trẻ chúng tôi thường lân la xin được nhận nhiệm vụ xát vỏ, giã lạc giúp mẹ để nếm trước một ít lạc rang nóng ròn. Củ gừng ré vàng tươi được mẹ rửa sạch, cạo vỏ, thái sợi để riêng.

Ảnh tư liệu

Sau khi chuẩn bị nguyên liệu đã xong, các bà các mẹ bắc nồi nước lên bếp, cho đường vào nấu sôi lên. Để chè có vị ngọt dịu, thanh mát, người nội trợ khéo thường dùng đường thốt nốt. Khi nồi nước đường sôi lên, ta cho gừng thái sợi vào nấu cùng. Sau đó, ta cho phần sắn đã thái nhỏ vào nồi, khuấy đều, riu lửa nhỏ cho sắn ngấm đường.

Lúc này, ta hòa tan bột năng với chút nước lã rồi chế từ từ vào nồi chè. Các bà các mẹ thường dặn con gái, vừa chế bột năng vừa khuấy nhẹ tay cho tới khi thấy chè sanh sánh là được. Đây là thời điểm quan trọng để quyết định nồi chè sánh hay loãng. Sau khi chế bột năng, đun cho nồi chè sôi lên là có thể bắc xuống.

Các bà các mẹ múc chè sắn ra bát rồi giục chồng con ăn ngay cho nóng. Những miếng sắn nho nhỏ ẩn hiện trong bát chè sanh sánh hanh vàng. Lạc rang giã dập thơm thơm được rắc lên trên cùng vài sợi dừa tươi trắng nõn. Múc một thìa nhỏ, từ từ thưởng thức.

Ta cảm nhận vị ngọt dịu dàng của đường thốt nốt, vị béo, bùi của sắn quyện cùng với lạc rang, thêm chút cay the, ấm nồng của gừng tươi. Vừa đỡ bát chè trên tay vừa nhẩn nha thưởng thức món chè với hương vị riêng có...

Thời gian trôi, mỗi khi mùa đông về trên phố, ta lại nhớ hương vị bát chè sắn của mẹ ngày nào. Có những chiều, cả nhóm bạn ngồi xúm xít bên nhau trong con ngõ nhỏ xíu, chờ bà chủ quán múc những bát chè nóng hôi hổi dậy lên vị gừng ra từng chiếc bát nhỏ. Dường như, mùa đông bớt lạnh đi bao phần khi ta ủ bát chè ấm nóng trong hai tay. Vừa ăn, vừa ngắm bao người ngược xuôi trên phố.

Đến Hà Nội vào mùa đông, nếu muốn thưởng thức chè sắn, bạn có thể tới các hàng chè nổi tiếng ở phố Trần Xuân Soạn, chợ Phan Phù Tiên, phố Lương Định Của. Nhưng có lẽ, hàng chè sắn ở phố Lý Quốc Sư được nhiều người nhắc đến hơn cả. Chè sắn ở đây không quá ngọt, chuẩn vị truyền thống, nhiều người ăn đến 2 bát vẫn thòm thèm.

Trời se se lạnh... và ta lại tìm về hàng chè sắn nơi phố cũ thân thương.

Vy Anh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/am-nong-che-san-khi-dong-ve-216674.html