Ấm lòng hành trình trở về quê hương

Trưa 21-7, nhiều ánh nhìn đổ dồn về chiếc máy bay mang số hiệu VN122 đang từ từ đáp xuống Sân bay quốc tế Đà Nẵng. 168 trong số gần 600 người con Đà Nẵng trong hành trình trở về quê hương đã hạ cánh an toàn trong niềm mong ngóng, chờ đợi của nhiều người. Dịch bệnh bủa vây, khó khăn dồn dập, được trở về bình an trong sự chào đón, hỗ trợ của chính quyền khiến những đôi mắt mòn mỏi, âu lo bỗng nhiên rưng rưng, ngấn lệ.

Người Đà Nẵng trở về từ Thành phố Hồ Chí Minh làm thủ tục tại Sân bay quốc tế Đà Nẵng. Ảnh: PHAN CHUNG

Lưng mang ba-lô, hai tay nắm lấy tay của hai con, anh Lê Quang Trung (trú quận Cẩm Lệ) bước nhanh hơn khi lên xe trung chuyển cùng hai bé Gia Bảo (10 tuổi), Quý Lâm (8 tuổi). Lập nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh hơn 10 năm, đi đi về về không biết bao nhiêu lần nhưng chưa lần nào anh bước vội khi về đến quê nhà như lần này. Từ một quản đốc tại công ty may, anh chuyển xuống làm thợ chính vào cuối năm 2020 và đến tháng 5-2021 chính thức nghỉ việc. Covid-19 bùng phát, công ty giảm đơn hàng nên cho hàng loạt công nhân nghỉ việc.

“Vợ cũng không có việc làm, cả nhà loay hoay không biết phải làm thế nào. Trong khi ở quê thì mẹ già đau ốm. Mỗi lần bà gọi điện vào là lòng mình như lửa đốt. Người ngoài đó thì lo trong này, còn trong này thì lo đủ thứ, liệu những ngày tiếp theo mình có an toàn hay không, còn đủ tiền để cầm cự hay không”, anh Trung chia sẻ. Khi nhận được cuộc điện thoại của Hội Đồng hương Cẩm Lệ tại Thành phố Hồ Chí Minh xác nhận đón về quê, cả nhà mừng rơi nước mắt. Không hàng hóa, quà cáp như những lần trước, hành trang về quê lần này của cả nhà chỉ vẻn vẹn mấy bộ áo quần xếp vội.

Là người con xa quê gần 20 năm, lần này ông Phan Công Sang (quê xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) quyết định để vợ và hai con về quê, khi dịch bệnh tại Thành phố Hồ Chí Minh đang diễn biến phức tạp. Ông Sang làm công nhân tại công ty sản xuất đồ gỗ, mỹ nghệ với mức lương 8 triệu đồng/tháng. Giữa tháng 6, ông Sang là F1 phải nghỉ việc để cách ly tập trung đến hết tháng. Đầu tháng 7 ông được đi làm trở lại nhưng qua ngày thứ 4, công ty dừng hoạt động. Vợ ông ở nhà nội trợ và nhận trông 3 trẻ nhỏ là con của công nhân cùng xóm trọ để kiếm thêm thu nhập. Tuy nhiên khi công nhân trong xóm trọ nghỉ việc, họ không thuê bà nữa.

“Mỗi tháng hơn 5 triệu đồng tiền thuê trọ, thêm chi phí ăn uống, sinh hoạt. Nay thu nhập bị cắt hoàn toàn, cả nhà đang không biết tính toán sao cho những ngày tiếp theo thì may mắn nhận được thông tin thành phố Đà Nẵng hỗ trợ người dân về quê. Tôi mạnh dạn đăng ký theo số điện thoại công bố và thật may mắn là mình nằm trong danh sách được chọn”, ông Sang cho biết. Theo kế hoạch, vợ và hai con sẽ về quê tránh dịch một thời gian, bản thân ông Sang vừa được một công ty nhận vào làm, bố trí ăn, ở tại chỗ để hạn chế tiếp xúc, lây nhiễm. “Giai đoạn này có được việc làm và an toàn là may mắn. Tôi hy vọng mình sẽ bình an trong những ngày tháng tới để làm việc, kiếm ít tiền lo cho gia đình sau khi dịch bệnh được kiểm soát”, ông Sang chia sẻ thêm.

“Thật may mắn được trở về” là cảm xúc của người mẹ đã bước sang tuổi 59, bà Bùi Thị Bốn (trú huyện Hòa Vang). Tháng 5-2021, bà Bốn cùng con trai vào Thành phố Hồ Chí Minh thăm người thân. Trong thời gian này, không may con bị tai nạn phải nhập viện điều trị hơn 1 tháng. Giữa bốn bề dịch giã bủa vây, người mẹ phải xoay xở đủ thứ, vừa mượn tiền bà con ngoài quê gửi vào lo viện phí, lại tất tả ngược xuôi chăm con và đề phòng không lây nhiễm Covid-19. “Giữa khó khăn dịch bệnh, không có đâu bằng quê nhà. Quê hương dang rộng tay đón cả nhà, miễn phí máy bay lại còn hỗ trợ tiền mặt, tình cảm đong đầy sao kể hết”, bà Bốn xúc động chia sẻ.

Bác sĩ Nguyễn Văn Đẩu, Chủ tịch Hội đồng hương Đà Nẵng tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, khi kế hoạch đưa đón bà con đồng hương về quê được UBND thành phố Đà Nẵng thông qua, Hội đồng hương Đà Nẵng tại Thành phố Hồ Chí Minh thông báo bằng nhiều kênh khác nhau và công khai số điện thoại của các đầu mối là Chủ tịch Hội đồng hương các quận, huyện thuộc thành phố Đà Nẵng để người dân đăng ký.

“Cảm xúc chung của nhiều bà con là lao động nghèo, khó khăn đang làm việc, mưu sinh tại Thành phố Hồ Chí Minh khi nhận được thông tin và hỗ trợ về quê đều hết sức vui mừng. Dịch bệnh có sức ảnh hưởng rất lớn và chỉ người trong cuộc mới thấu hiểu, cảm nhận hết những khó khăn, mất mát, nguy cơ họ phải đối mặt. Chúng tôi biết chính quyền, nhân dân Đà Nẵng đang căng sức chống dịch. Hành động đưa đón bà con đồng hương về quê lần này là rất kịp thời, ý nghĩa nhân văn”, bác sĩ Đẩu cho biết.

Trong ngày, 2 chuyến bay tiếp theo chở gần 400 người cũng đã về đến sân bay Đà Nẵng lúc 16 giờ 20 và 19 giờ 20.

Đà Nẵng đang căng mình chống dịch. Giữa thời điểm này, chút bình yên, ấm áp cho những người con xa quê là được trở về an toàn sau những tháng ngày mưu sinh vất vả...

ĐẠI BÌNH

Nguồn Đà Nẵng: http://www.baodanang.vn/channel/5399/202107/am-long-hanh-trinh-tro-ve-que-huong-3885214/