Ai được, ai mất?

Nỗi ám ảnh về những vụ án mạng do tranh chấp đất đai trong gia đình khiến chúng tôi không khỏi lo lắng, trăn trở khi nhận được những lá đơn tương tự. Song song với đó là câu hỏi: Ai được, ai mất trong những vụ tranh chấp như thế này cứ mãi lặp lại trong tâm trí chúng tôi.

Câu chuyện thứ nhất là của ông Lê Văn Tề (92 tuổi), ở thôn Nội Thượng, xã An Viên (Tiên Lữ, Hưng Yên). Trong đơn gửi Báo Quân đội nhân dân, ông trình bày việc gia đình có mảnh đất diện tích 6 miếng (đơn vị diện tích người dân thường gọi, một miếng bằng 36m2) tại thôn Nội Thượng, được thừa kế trực hệ nhiều đời và sinh sống ổn định, hợp pháp qua hàng trăm năm (phần đất số 1). Khoảng năm 1961-1962, mẹ ông Lê Văn Tề mua thêm mảnh đất có diện tích 3 miếng của người dân ở liền kề (phần đất số 2). Sau đó, hai mảnh đất này được gộp lại và đứng tên ông tại thửa 157, tờ bản đồ số 9, hồ sơ địa chính số 299 được đo vẽ năm 1986. Năm 1998, địa phương đo vẽ lại thì mảnh đất này nằm ở thửa số 131, hồ sơ địa chính số 364.

Sau nhiều năm sinh sống ổn định, nộp tiền sử dụng đất đầy đủ thì đến ngày 12-11-2006, họ Lê ở thôn Nội Thượng có đơn đòi lại phần đất số 1 của gia đình ông Lê Văn Tề. Vụ việc đang trong quá trình giải quyết thì một số người họ Lê tự ý đập phá cổng, bếp, phòng ăn, nhà tắm, nhà vệ tinh, bể nước ăn… và xây dựng công trình trái phép trên phần đất số 1. Đến ngày 13-8-2008, Chủ tịch UBND huyện Tiên Lữ lúc đó là ông Đoàn Xuân Việt ký Quyết định số 824/QĐ-CT chia cho họ Lê 71,04m2 để xây dựng và 48m2 làm ngõ đi chung, khiến gia đình ông Tề khiếu nại đến nay.

Phần nhà do bà Nguyễn Thị Chanh trông nom, quản lý bị phá dỡ.

Cũng vì việc tranh chấp này mà gia đình ông Lê Văn Tề và dòng họ Lê ở thôn Nội Thượng không còn qua lại với nhau hàng chục năm nay. Còn gia đình ông Lê Văn Tề phải lập một ban thờ khác để thờ cúng tổ tiên thay vì sang nhà thờ họ ở ngay cạnh thắp hương, lễ tạ. Bởi thế, dịp Tết hay mỗi lần giỗ tổ thì dòng họ Lê chẳng thể đông đủ và không khí cũng có phần nặng nề, kém vui.

Quá trình tìm hiểu tại địa phương, xung quanh các yếu tố phức tạp của vụ việc, chúng tôi cũng được ông Phạm Sinh Mừng, Chủ tịch UBND xã An Viên và ông Nguyễn Văn Long, Trưởng phòng Nghiệp vụ 1 (Thanh tra tỉnh Hưng Yên) chia sẻ suy nghĩ, tâm tư khi giải quyết sự việc của gia đình ông Lê Văn Tề. Đó không phải là khó khăn để xác định nguồn gốc đất và chỉ ra ai thắng, ai thua trong vụ việc này để giúp hai bên gác lại những hiềm khích riêng, cùng nhìn về một hướng, xây dựng lại mối hòa hợp làm cho dòng họ hưng thịnh, con cháu sum vầy, hòa chung cùng niềm vui của xóm làng, đất nước.

Câu chuyện thứ hai là của gia đình bà Nguyễn Thị Chanh, ở thôn Cự Thần, xã Đỗ Động (Thanh Oai, Hà Nội). Trong đơn gửi chúng tôi, bà Chanh cho biết: Bố của bà là ông Nguyễn Hữu Cục (đã mất tháng 5-1995) ở thôn Cự Thần, xã Đỗ Động (Thanh Oai, Hà Tây, nay là Hà Nội) lấy bà Chu Thị Nghinh (đã mất tháng 4-1993) và bà Dương Thị Thảo (đã mất năm 1972), sinh được bà cùng 4 chị em: Nguyễn Thị Hồi, Nguyễn Thị Bích, Nguyễn Thị Mai, Nguyễn Văn Châu (đã mất). Trước khi mất, ông Nguyễn Hữu Cục có viết di chúc giao cho bà Chanh trông nom, sửa chữa 4 gian nhà trên diện tích đất ở thôn Cự Thần để làm nơi thờ cúng 3 ông bà; chia cho 3 chị em còn lại mỗi người 2,5 chỉ vàng; cho bà Chanh một sào ao và bán cho bà một số xoan tre cùng 5 miếng ao còn lại bằng 3 tạ thóc. Bản di chúc này có chữ ký của ông Cục, xác nhận của UBND xã và người nhận vàng là bà Nguyễn Thị Hồi.

Sau khi ông Cục mất, các em của bà Chanh không đồng ý với nội dung bản di chúc nên gửi đơn yêu cầu Tòa án Nhân dân huyện Thanh Oai chia lại tài sản. Tòa án Nhân dân huyện Thanh Oai tuyên Bản án số 04DSST và quyết định: Bà Nguyễn Thị Chanh là người được quyền trông nom, quản lý diện tích nhà đất 108m2 tại thôn Cự Thần, xã Đỗ Động, huyện Thanh Oai. Cũng theo bản án này, diện tích đất nêu trên cùng căn nhà 3 gian với diện tích 37,2m2 sẽ được sử dụng làm nơi thờ cúng theo như nguyện vọng được ghi lại trong di chúc của ông Nguyễn Hữu Cục. Ngoài ra, theo thỏa thuận của những người khác thì bà Nguyễn Thị Hồi sẽ nhận một phần đất cùng gian buồng tiếp giáp căn nhà 3 gian và hai gian bếp. Sau phán quyết của tòa, trong thời hạn 15 ngày và một thời gian lâu sau, không có ai kháng nghị. Nhưng sau đó, nhiều lần bà Nguyễn Thị Hồi và Nguyễn Thị Bích tự ý hủy hoại tài sản, đập phá đồ đạc và phá dỡ 3 gian nhà làm nơi thờ cúng bố mẹ do bà Chanh trông nom, quản lý.

Bà Nguyễn Thị Chanh chia sẻ: “Nhà phá dỡ đi rồi còn có thể xây dựng lại như trước hoặc to đẹp, đàng hoàng hơn, nhưng còn tình cảm chị em trong gia đình liệu có thể hàn gắn lại không? Buồn hơn nữa là chúng tôi không thể bên nhau cùng chuẩn bị mâm cơm mỗi lần cúng giỗ bố, mẹ”.

Trong thâm tâm và suy nghĩ mỗi người Việt Nam chúng ta, ngoài lòng tự tôn, tự hào dân tộc còn có niềm tự hào về truyền thống gia đình, dòng tộc. Sẽ không thể có lòng tự hào ấy nếu dòng tộc chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ. Vì thế, chúng tôi mong rằng, gia đình ông Lê Văn Tề và họ Lê ở thôn Nội Thượng; gia đình bà Nguyễn Thị Chanh có thể hướng đến một cách giải quyết tốt đẹp, không cứ phải vì đúng-sai, được-mất để xây dựng gia đình, dòng tộc ấm no, thịnh vượng, góp phần vào xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh.

Bài và ảnh: NGUYỄN ĐỨC TUẤN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/ai-duoc-ai-mat-598485