Ai Cập và UAE tiến hành đợt thả viện trợ thứ 8 xuống phía Bắc Gaza

Hàng viện trợ nhân đạo được thả từ máy bay xuống Dải Gaza. Ảnh: THX/TTXVN

* WFP: 40 triệu người tại Trung Đông đối mặt với nạn đói trong tháng lễ Ramadan

Ngày 11/3 - ngày đầu tiên của tháng lễ Ramadan linh thiêng của các tín đồ Hồi giáo, Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) đã tiến hành đợt thả hàng viện trợ nhân đạo mới xuống khu vực phía bắc Gaza.

Trong một tuyên bố, các lực lượng vũ trang Ai Cập cho biết một máy bay của lực lượng không quân nước này đã cất cánh từ sân bay Arish và phân phát hàng viện trợ, bao gồm thực phẩm và vật tư y tế, xuống Dải Gaza. Đối tác UAE cũng tham gia hoạt động này.

Trong khi đó, UAE thông báo đây là lần thả dù mang theo hàng cứu trợ chung thứ 8 với Ai Cập, tổng cộng hơn 353 tấn lương thực và viện trợ đã được cung cấp cho người dân Gaza kể từ khi bắt đầu chiến dịch cứu trợ bằng đường hàng không.

Tuyên bố nói thêm Không quân Ai Cập cũng đã phối hợp với Jordan và các đối tác quốc tế khác để tiến hành nhiều đợt thả dù mang hàng viện trợ, nhằm hỗ trợ người Palestine ở khu vực phía Bắc Gaza.

Cùng ngày, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã kêu gọi các bên ngừng bắn ở Dải Gaza và cuộc xung đột ở Sudan khi tháng ăn chay Ramadan của tín đồ Hồi giáo bắt đầu.

Phát biểu với báo giới, ông Guterres cũng kêu gọi thả các con tin bị Phong trào Hồi giáo Hamas bắt giữ và loại bỏ "mọi trở ngại để đảm bảo công tác cung cấp viện trợ cứu sinh với tốc độ và quy mô lớn cần thiết" tới Gaza, nơi LHQ đã cảnh báo rằng 25% dân số nơi đây đang bên bờ vực của nạn đói.

* Cùng ngày, Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) của LHQ cho biết Trung Đông đã bắt đầu tháng lễ Ramadan giữa lúc khu vực đang đối mặt với cuộc khủng hoảng lương thực tồi tệ nhất trong những năm gần đây.

Tổ chức này đồng thời cảnh báo các nguồn viện trợ ngày càng sụt giảm đã ảnh hưởng đến nỗ lực xoa dịu khủng hoảng lương thực.

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông - Bắc Phi, WFP nêu rõ 40 triệu trong tổng số 400 triệu người ở Trung Đông đang phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng. 11 triệu người trong số đó không thể đảm bảo đủ lương thực hằng ngày cho gia đình.

Đặc biệt, WFP nhấn mạnh cuộc khủng hoảng vẫn đang diễn biến phức tạp ở Dải Gaza, nơi toàn bộ dân số của dải đất ven Địa Trung Hải này đang cần được hỗ trợ lương thực, với hơn nửa triệu người phải đối mặt với nạn đói nghiêm trọng.

Trong nhiều tháng qua, Dải Gaza nhận được chưa đến một nửa nguồn cung cấp lương thực cần thiết.

Lạm phát cao ở các quốc gia như Libăng, Ai Cập và Iran, cũng như hậu quả của các cuộc xung đột ở Syria và Yemen cùng các cuộc chiến vẫn tiếp diễn ở Gaza và Sudan đã "phá hủy" sự ổn định gần đây của giá lương thực trên toàn cầu.

Giá lương thực và nhiên liệu đã tăng cao kể từ khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra, giữa lúc nền kinh tế toàn cầu đang dần phục hồi sau đại dịch COVID-19. Cả hai nước này đều là những nước xuất khẩu ngũ cốc chủ chốt trên thế giới.

Giám đốc khu vực Trung Đông, Bắc Phi và Đông Âu của WFP, bà Corinne Fleischer, đánh giá tháng lễ Ramadan đã trở thành gánh nặng đối với hàng triệu người tại Trung Đông khi họ phải đối mặt với giá lương thực cao, trong khi thu nhập vẫn bấp bênh.

Bà cho rằng xung đột và tình trạng thiếu lương thực đang biến "việc thực hành tôn giáo ăn chay có chủ đích - nền tảng của tháng lễ Ramadan - trở thành một thực tế khắc nghiệt hằng ngày đối với hàng triệu người".

T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/92/314154/ai-cap-va-uae-tien-hanh-dot-tha-vien-tro-thu-8-xuong-phia-bac-gaza.html