Ai bảo công chức Việt thiếu thực tế?!

(Đời sống) - Thời gian gần đây, dư luận và các phương tiện truyền thông thường xuyên phải rơi vào hoàn cảnh hoang mang, lo lắng do liên tiếp gặp phải những văn bản, quy định 'trên trời', thiếu tính thực tế do các cơ quan chức năng ban hành.

Mới nhất là quy định bổ sung đối tượng ưu tiên tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy đối với Bà mẹ Việt Nam anh hùng và người hoạt động cách mạng từ thời Cách mạng Tháng Tám 1945 khi dự thi đại học. Mặc dù cơ quan ban hành đã cố lý giải việc này là sự thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn nhưng nó đã được rút lại ngay sau đó sau vô số ý kiến phản bác và chỉ trích sự thiếu thực tế và không cần thiết của quy định này.

Thời gian gần đây hàng loạt văn bản 'trên trời' được ban hành

Trước đó không lâu là Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống bạo lực gia đình… Dự thảo này quy định phạt đến 1 triệu đồng nếu vợ hoặc chồng có hành vi kiểm soát chặt chẽ nguồn tài chính của chồng (vợ) hoặc nguồn tài chính chung của gia đình nhằm tạo cho người đó cũng như thành viên gia đình sự phụ thuộc về tài chính; phạt từ 1 triệu đến 1,5 triệu đồng đối với chồng có hành vi lăng mạ, chửi bới, chì chiết vợ hay con cái, thành viên gia đình hoặc ngược lại…

Gần như ngay lập tức hàng loạt phân tích từ phía dư luận xã hội đã chỉ ra những điểm bất hợp lý, thiếu tính khả thi của các quy định trái khoáy này. Chẳng hạn, pháp luật quy định tài sản trong hôn nhân là tài sản chung của vợ chồng, vì thế tiền nộp phạt cũng là lấy từ túi tiền gia đình mà ra và người bị phạt là vợ hay chồng cũng bị thiệt hại lây. Việc bị phạt cũng sẽ khiến vợ chồng bất hòa, nguy cơ ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội… Trước phản ứng trái chiều mạnh mẽ của dư luận, đại diện cơ quan soạn thảo cho biết sẽ bổ sung, sửa đổi những điểm không hợp lý, khó thực hiện của quy định này.

Nhìn lại trước nữa cũng đã có không ít văn bản quy phạm pháp luật có nhiều hạn chế, thiếu sót, thiếu tính khả thi… bị dư luận phản đối, buộc phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp hoặc hủy bỏ như: quy định xử phạt đến 5 triệu đồng hành vi nghe điện thoại ở cây xăng, quy định xử phạt xe không “chính chủ”, quy định bán thịt trong vòng 8 giờ…

Hầu hết mọi người đều cho rằng nguyên nhân sự ra đời của những văn bản này là do cán bộ thiếu thực tế, công chức chỉ ngồi phòng lạnh soạn thảo văn bản.

Bên cạnh đó, công chức Việt Nam cũng có một vấn đề rất đáng lưu ý đó là có những phản ứng rất chậm chạp trước các sự việc, vấn đề nảy sinh trong cuộc sống. Chính vì vậy mà họ thường xuyên có những câu trả lời rất 'hợp lý' trên báo chí rằng: chúng tôi chưa nhận được báo cáo, chưa biết được những thông tin trên hay sẽ xác minh và có các biện pháp xử lý phù hợp...

Tuy nhiên, nhưng nếu vì những vấn đề đó mà mọi người nghi ngờ năng lực các vị công chức của nước ta thì không nên đâu nhé! Bởi những hiện tượng trên dường như chỉ đơn giản là giải thích cho việc cán bộ ngồi văn phòng, điều hòa chạy mát lạnh mà ra văn bản quy định các vấn đề của đời sống xã hội, còn một khi họ đã đi thanh tra, kiểm tra tình hình thực tế thì mọi quyết định đều trở nên hợp lý và vô cùng quyết liệt.

Như trường hợp ở tỉnh Vĩnh Long, năm 2009, khi thi công đường Bạch Đàn (P.4, TP.Vĩnh Long) với quy mô lòng đường 9 m, vỉa hè mỗi bên 4,5 m, những đoạn khác làm đúng như bản vẽ nhưng gần 100 m trước nhà ông Phạm Văn Đấu, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long vỉa hè chỉ làm 3,3 m. Ngoài ra, người dân địa phương còn bức xúc việc con đường Bạch Đàn giai đoạn 1 chỉ dài 500 m, nhưng thi công lại uốn lượn như hình chữ S mà nhiều người cho rằng để né nhà của ông Đấu.

Tuy nhiên, mới đây, ngay sau khi các cơ quan chức năng đi kiểm tra tình hình thực tế trên con đường này, chỉ trong 2 ngày từ 10 - 12/8, người dân địa phương chứng kiến nhiều công nhân khẩn trương đập bỏ phần vỉa hè và thềm nhà ông Phạm Văn Đấu để mở rộng vỉa hè ra 4,5 m đúng như thiết kế.

Nhà cựu chủ tịch tỉnh Vĩnh Long được đập đi để mở rộng vỉa hè

Thêm một ví dụ nữa về vấn đề này đó là việc mới đây, Bộ Giao thông đã cử 7 Thứ trưởng dẫn đầu 7 đoàn thanh tra đi kiểm tra các điểm nóng tai nạn giao thông trong cả nước. Dù hoạt động thanh tra vẫn chưa kết thúc nhưng kết quả ban đầu cho thấy rất nhiều sai phạm đã được các đoàn kiểm tra làm rõ và xử phạt một cách nghiêm khắc ở nhiều địa phương.

Theo báo Tiền Phong, Phó chánh thanh tra GTVT Thạch Như Sỹ đã cho biết: Đoàn kiểm tra phát hiện nhiều sai phạm và đã ra các quyết định xử phạt ngay. Riêng tại Huế, theo ông Sỹ, đã đề nghị xử phạt các đơn vị với số tiền 350 triệu đồng.

Gần đây, khi báo chí thường xuyên đăng tải các thông tin về việc lãnh đạo các nước giản dị, có nhiều biện pháp hay để sâu sát tình hình thực tế đời sống người dân như Bộ trưởng Bộ Giao thông Singapore đi làm bằng xe bus hay Thủ tướng Na Uy lái taxi..., có không ít người đã so sánh phong cách làm việc, và mức độ sâu sát tình hình thực tế.

Tuy nhiên, có lẽ mọi người cần phải nhớ, mọi sự so sánh đều là khập khiễng. Hơn nữa không phải công chức nước ta không biết đến thực tế, những kết quả thanh tra, các biện pháp xử lý quyết liệt đã phản ánh rất rõ điều đó. Có lẽ tùy thuộc vào từng vấn đề, ở từng trường hợp cụ thể mà công chức Việt Nam sẽ phản ánh sự hiểu biết về tình hình thực tế riêng.

Nguồn ĐS&PL: http://phunutoday.vn/xa-hoi/doi-song/201308/ai-bao-cong-chuc-viet-thieu-thuc-te-2218548/