60 năm, Quảng Ninh kết nghĩa hai miền Nam - Bắc

Thập niên 60 của thế kỷ trước, cùng với các phong trào thi đua như 'Sóng duyên hải' trong công nghiệp, 'Gió đại phong' trong nông nghiệp, 'Cờ ba nhất' trong lực lượng vũ trang, 'Hai tốt' trong trường học, 'Thầy thuốc như mẹ hiền' trong ngành y tế, 'Ba đảm đang' trong phụ nữ, 'Ba sẵn sàng' trong thanh niên, miền Bắc còn tổ chức phong trào 'Vì miền Nam ruột thịt' kết nghĩa mang đậm nghĩa tình Bắc - Nam và có hiệu quả thiết thực. Thành phố Hà Nội kết nghĩa với Huế - Sài Gòn, Hải Phòng với Đà Nẵng, Hải Dương với Phú Yên. Quảng Ninh kết nghĩa với Rạch Giá, Long Châu Hà và tỉnh Bà Rịa...

Hưởng ứng phong trào “Vì miền Nam ruột thịt”, ngày 1/5/1960, khu Hồng Quảng (Hồng Gai và Quảng Yên cũ) kết nghĩa với tỉnh Bà Rịa thuộc về miền Đông Nam Bộ, tỉnh Hải Ninh kết nghĩa với tỉnh Rạch Giá và Long Châu Hà (gồm Long Xuyên, Châu Đốc, Hà Tiên) thuộc miền Tây Nam Bộ.

Ngày 30/10/1963, tỉnh Hải Ninh và khu Hồng Quảng hợp nhất thành tỉnh Quảng Ninh. Như vậy, từ ngày 30/10/1963, tỉnh Quảng Ninh kết nghĩa với các tỉnh Bà Rịa, Rạch Giá, Long Xuyên, Châu Đốc, Hà Tiên.

Lịch sử của Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh và các địa phương miền Nam kết nghĩa đã ghi lại nhiều sự kiện quan trọng về tình cảm và những đóng góp sức người, sức của chi viện trong suốt thời kỳ chống Mỹ. Cụ thể, phong trào “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt” do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động đã được triển khai thực hiện sôi nổi khắp các công trường mỏ than, đồng ruộng. Mỏ than Cọc 6 mở công trường sản xuất than Bà Rịa. Xã Lê Lợi (TP Hạ Long) xây dựng đập nước mang tên An Biên là tên huyện An Biên của tỉnh Rạch Giá. Con đập mang tên Long Châu Hà là công trình thủy lợi vững chãi tại huyện Đầm Hà. Tại Móng Cái, ba con đường mang tên địa phương kết nghĩa là đường Long Xuyên, Châu Đốc (nay thuộc An Giang) và Hà Tiên (nay thuộc Kiên Giang).

Những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhiều công trường than ở Quảng Ninh đã có nhiều phong trào thi đua sôi nổi "Vì miền Nam ruột thịt", "Mỗi người làm việc bằng hai. Ảnh: vinacomin.vn

Thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, hàng nghìn con em Quảng Ninh trong Binh đoàn Than hăng hái tạm biệt quê hương, cầm súng vào chiến trường miền Nam trực tiếp chiến đấu. 113 chiến sỹ trong Binh đoàn Than được tặng danh hiệu “ Dũng sĩ diệt Mỹ”. Nhiều chiến sĩ của Binh đoàn Than anh dũng chiến đấu, hy sinh tại chiến trường, trong đó có những người mãi mãi nằm lại mảnh đất của quê hương kết nghĩa với Quảng Ninh.

Sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, nhiều người con Quảng Ninh được cử vào công tác tại các tỉnh kết nghĩa. Đó là những cán bộ ưu tú thuộc các lĩnh vực công tác Đảng, quản lý nhà nước, các ngành giáo dục, y tế, xây dựng... Ngày 30/05/1979, Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo được thành lập, nhiều cán bộ của tỉnh Quảng Ninh đã được cử vào đây công tác, lập nghiệp. Tháng 11/1980, đồng chí Hoàng Thuyết, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy Liên hiệp Than Quảng Ninh và vợ là nhà báo Lê Thị Nhãn (Báo Quảng Ninh) được điều động vào công tác tại Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo. Đồng chí Hoàng Thuyết đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch, rồi Chủ tịch Đặc khu. Tiếp đó, chuyên viên Đình Huỳnh, phụ trách lĩnh vực xây dựng cơ bản của UBND tỉnh Quảng Ninh; Phạm thị Rộn, cán bộ Ngân hàng Nông nghiệp chi nhánh tỉnh Quảng Ninh; nhà sử học Nguyễn Đình Thống ở thị xã Uông Bí; Đoàn Kỳ Bình, cán bộ ngành Than... đã được điều động vào Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo. Tại TP Vũng Tàu hiện nay có những dãy phố của người gốc Quảng Ninh. Nhiều thế hệ hậu duệ người Quảng Ninh được sinh ra tại quê Vũng Tàu.

Sau năm 1975, chính quyền mới ở thị xã Vũng Tàu (ngày nay là TP Vũng Tàu thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đã quyết định đổi tên đường Võ Tánh cũ dọc theo bờ biển phía tây ở khu vực trung tâm Vũng Tàu thành đường Hạ Long. Năm 1976, sau khi Vũng Tàu và Hạ Long kết nghĩa, Trường Nữ Tiểu học ở Vũng Tàu cũng được đổi tên thành Trường Tiểu học Hạ Long (sau đó là Trường Cấp I – II Hạ Long và trở lại tên Trường Tiểu học Hạ Long từ năm 1989 cho đến nay).

60 năm qua, tỉnh Quảng Ninh và các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu cùng mở sang những trang sử mới cùng đất nước. Ngày kết nghĩa Bắc - Nam từ 60 năm trước (1/51960 - 1/5/2020) mãi là một dấu mốc lịch sử trong cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của tỉnh Quảng Ninh và 3 tỉnh trên.

Nhà văn Lê Toán

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/van-hoa/202004/60-nam-quang-ninh-ket-nghia-hai-mien-nam-bac-2479607/