6 câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh hôi miệng

Chứng hôi miệng tuy không nguy hiểm nhưng gây phiền muộn, mất tự tin, nhất là khi giao tiếp với đối tác và cả người thân nhất.

NỘI DUNG

1. Y học cổ truyền điều trị hôi miệng

2. Hôi miệng có chữa khỏi được không?

3. Hôi miệng ảnh hưởng tới người bệnh như thế nào?

4. Xử lý hôi miệng tại nhà

5. Khi bị hôi miệng nên dùng nước súc miệng thế nào tốt nhất?

6. Chi phí điều trị hôi miệng

Chứng hôi miệng là hơi thở có mùi hôi mỗi khi nói, ho, thở ra, do có mùi bất thường xuất phát từ trong khoang miệng. Hôi miệng khiến người bệnh cảm thấy tự ti, ngại giao tiếp, ảnh hưởng đến các mối quan hệ xã hội.

1. Y học cổ truyền điều trị hôi miệng

Theo quan điểm của Đông y, hôi miệng không chỉ liên quan đến các bệnh lý răng miệng mà còn có thể liên quan đến chức năng của tỳ vị suy giảm (thức ăn tích trệ, hỏa nhiệt tích tụ…).

Đông y sử dụng các bài thuốc có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, hóa ẩm, kiện tỳ vị để điều trị hôi miệng. Các vị thuốc thường dùng như: kim ngân hoa, hoàng liên, hoàng cầm, trầu không, bạc hà... Đông y không chỉ tập trung vào việc điều trị triệu chứng mà còn điều chỉnh lại chức năng của các tạng phủ, giúp cơ thể khỏe mạnh từ bên trong.

Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất, người bệnh nên khám và tư vấn với bác sĩ chuyên khoa y học cổ truyền tại các bệnh viện uy tín. Bác sĩ sẽ thăm khám và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp với tình trạng cụ thể.

2. Hôi miệng có chữa khỏi được không?

Hôi miệng ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng sống của người bệnh.

Hôi miệng ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng sống của người bệnh.

Bệnh hôi miệng có thể chữa khỏi được. Tuy nhiên, hiệu quả điều trị sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm nguyên nhân gây bệnh, mức độ nghiêm trọng và phương pháp điều trị.

Nguyên nhân gây hôi miệng rất đa dạng. Có thể liên quan đến vấn đề răng miệng như sâu răng, viêm lợi, cao răng, mảng bám... hay vấn đề về đường tiêu hóa như viêm dạ dày, trào ngược acid, táo bón...

Hôi miệng cũng có thể do thói quen sinh hoạt như hút thuốc, uống rượu, ăn các loại thực phẩm có mùi mạnh... hoặc do các bệnh lý khác như đái tháo đường, bệnh gan, nhiễm trùng đường hô hấp trên...

Để điều trị dứt điểm hôi miệng nên điều trị tận gốc nguyên nhân gây hôi miệng. Nếu do vấn đề răng miệng nên đi khám nha sĩ để điều trị các bệnh lý về răng miệng. Điều chỉnh chế độ ăn uống, dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ hoặc điều trị căn bệnh gốc nếu hôi miệng là do các bệnh lý khác.

3. Hôi miệng ảnh hưởng tới người bệnh như thế nào?

Bệnh hôi miệng thường không gây nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng, tuy nhiên nó lại ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống. Hôi miệng khiến người bệnh cảm thấy tự ti, ngại giao tiếp, ảnh hưởng đến các mối quan hệ xã hội. Mặc dù không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng hôi miệng vẫn cần được điều trị kịp thời để cải thiện chất lượng cuộc sống, giúp mọi người tự tin hơn trong giao tiếp và ngăn ngừa các biến chứng dẫn đến các vấn đề răng miệng nghiêm trọng hơn.

4. Xử lý hôi miệng tại nhà

Khi bị hôi miệng, trước tiên hãy tìm nguyên nhân, tốt nhất là đi khám bệnh. Khi xác định được căn nguyên gây hôi miệng, việc điều trị sẽ thuận lợi hơn rất nhiều và có kết quả tốt hơn (vừa điều trị nguyên nhân vừa điều trị hôi miệng).

- Hàng ngày nên vệ sinh răng miệng thật sạch bằng cách đánh răng sau khi ăn, trước khi đi ngủ và sau khi ngủ dậy. Đánh răng tối thiểu 2 lần/ngày hoặc cẩn thận hơn nên đánh răng sau mỗi bữa ăn. Việc đánh răng sẽ giúp loại bỏ những thức ăn dư thừa còn bám lại trong miệng sau khi ăn. Cạo lưỡi hàng ngày giúp loại bỏ các mảng bám vi khuẩn trên bề mặt lưỡi.

- Luôn giữ ẩm bằng cách uống nước thường xuyên giúp khoang miệng luôn duy trì độ ẩm.

- Kết hợp với chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh. Bổ sung vào chế độ ăn uống hàng ngày nhiều loại rau quả và trái cây. Các loại trái cây, củ quả nên được khuyên dùng là cà rốt, cam, táo...

- Hạn chế hoặc không ăn các loại gia vị như hành, tỏi. Hạn chế các thức ăn cay nóng, dầu mỡ, đồ uống có ga, rượu bia. Không nên hút thuốc lá, thuốc lào, bởi vì thuốc lá, thuốc lào ngoài việc gây viêm đường hô hấp, từ đó gây hôi miệng, còn gây ra nhiều bệnh khác.

5. Khi bị hôi miệng nên dùng nước súc miệng thế nào tốt nhất?

Khi bị hôi miệng nên chú ý vệ sinh răng miệng sạch sẽ, có thể sử dụng nước muối loãng hoặc dung dịch sát khuẩn khoang miệng từ thảo dược.

Khi bị hôi miệng nên chú ý vệ sinh răng miệng sạch sẽ, có thể sử dụng nước muối loãng hoặc dung dịch sát khuẩn khoang miệng từ thảo dược.

Theo PGS.TS. Nguyễn Thị Ngọc Dinh - nguyên Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, từ xa xưa các cụ đã dùng nước muối súc miệng. Dùng nước muối là kinh nghiệm để làm họng đỡ đau và đỡ rát, làm sạch khoang miệng hiệu quả. Tuy nhiên, tránh dùng nước muối mặn quá gây ra tác dụng ngược, chỉ nên dùng nước muối sinh lý. Sử dụng dung dịch súc họng từ thảo dược rất tốt, bảo vệ răng miệng hiệu quả. Nên chọn loại có tinh chất trầu không, bạc hà, đinh hương, có khả năng bảo vệ niêm mạc họng, mảng bám chân răng, chống lại vi khuẩn hình thành ở răng.

6. Chi phí điều trị hôi miệng

Chi phí điều trị hôi miệng có thể dao động khá nhiều, tùy thuộc vào nguyên nhân gây hôi miệng. Nếu hôi miệng do sâu răng, viêm lợi, cao răng gây ra, chi phí sẽ chủ yếu tập trung vào việc điều trị các bệnh lý này. Khi có vấn đề về đường tiêu hóa, chi phí sẽ phụ thuộc vào việc điều trị các bệnh tiêu hóa. Để biết cụ thể hơn về chi phí điều trị, bạn nên đến các cơ sở nha khoa hoặc phòng khám uy tín để được bác sĩ thăm khám và tư vấn. Tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ có hướng điều trị và tư vấn mức chi phí phù hợp.

Thiên Châu

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/6-cau-hoi-thuong-gap-lien-quan-den-benh-hoi-mieng-169241211145122616.htm