30 năm phát triển của Bảo hiểm xã hội tỉnh Lâm Đồng
Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Lâm Đồng được thành lập và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 9/1995, trên cơ sở tiếp nhận công tác BHXH từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động tỉnh, tiếp nhận nhiệm vụ thu BHXH từ Sở Tài chính - Vật giá và Cục Thuế tỉnh; đến tháng 1/2003, tiếp nhận nhiệm vụ BHYT từ BHYT Lâm Đồng.

BHXH tỉnh Lâm Đồng trao tặng Bằng khen của BHXH Việt Nam cho bà Phạm Thị Hồng Hải - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lâm Đồng có thành tích xuất sắc trong công tác phối hợp tổ chức thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị
Trong 30 năm xây dựng và phát triển, BHXH tỉnh Lâm Đồng đã đạt được một số kết quả nổi bật. Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật BHXH, Bảo hiểm y tế (BHYT), Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) luôn được BHXH tỉnh quan tâm, đẩy mạnh; được thực hiện với nhiều hình thức đa dạng, phong phú; kết hợp hài hòa giữa các hình thức tuyên truyền truyền thống như: hội nghị, đối thoại trực tiếp với người lao động, người dân; tuyên truyền qua các ấn phẩm… với các hình thức thông tin, truyền thông hiện đại, đa phương tiện trên các ứng dụng internet, sản xuất các clip, video, hội thi sân khấu hóa... Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của BHXH toàn tỉnh; công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật BHXH, BHYT đã và đang tạo ra sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức và hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức, cá nhân về vai trò, trách nhiệm cũng như mục đích, ý nghĩa của việc tham gia BHXH, BHYT.
Số người tham gia BHXH bắt buộc từ năm 1995 chỉ có 29.345 người, đến hết năm 2024 là 102.015 người. Số người tham gia BHXH tự nguyện vào năm 2009 có 176 người, đến năm 2024 có 20.040 người. Số người tham gia BHYT năm 2003 có 90.724 người, đến năm 2024 có 1.269.187 người; tỷ lệ bao phủ BHYT trên địa bàn tỉnh đạt 94,56% dân số. Số thu BHXH bắt buộc tăng từ 5,9 tỷ đồng năm 1995 lên 2.031 tỷ đồng vào năm 2024. Thu BHXH tự nguyện tăng từ 600 triệu đồng năm 2009 lên 102 tỷ đồng vào năm 2024. Thu BHYT tăng từ 13,9 tỷ đồng năm 2003 lên 1.547 tỷ đồng vào năm 2024.
Năm 1995, BHXH toàn tỉnh giải quyết cho 1.249 người hưởng các chế độ BHXH, đến hết năm 2024 tăng lên 40.011 người và lượt người. Năm 1998, toàn tỉnh chi trả cho 11.025 người với 8,5 tỷ đồng; đến năm 2024 chi trả cho 28.361 người với 2.049 tỷ đồng. Năm 2005 có 244.530 lượt người khám, chữa bệnh BHYT với chi phí là 12,8 tỷ đồng; đến cuối năm 2024 có 2,03 triệu lượt người với chi phí 876 tỷ đồng.
Công tác thực hiện chính sách BHYT đã có nhiều chuyển biến rõ rệt, các thủ tục hành chính trong khám, chữa bệnh BHYT được giảm thiểu tối đa; việc tiếp cận dịch vụ khám, chữa bệnh của người có thẻ BHYT ngày càng thuận tiện; các hoạt động khám, chữa bệnh BHYT từng bước công khai, minh bạch; các hành vi vi phạm, lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT được phát hiện và xử lý kịp thời, bảo đảm quyền lợi và tạo thuận lợi cho người tham gia BHYT.
BHXH tỉnh đã chủ động thực hiện và phối hợp thực hiện thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT. Đặc biệt, từ năm 2016, BHXH tỉnh thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHTN, BHYT; qua đó đã chủ động thực hiện kế hoạch thanh tra chuyên ngành, nhất là thanh tra đột xuất tại các đơn vị nợ đọng BHXH, BHYT; kiên quyết xử lý, kiến nghị xử lý đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm, đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 26 đơn vị với số tiền là 1,38 tỷ đồng. Ngoài ra, công tác thanh tra chuyên ngành đóng đã phát huy hiệu quả tích cực trong việc thu hồi, giảm nợ đọng, nếu như năm 2015 khi chưa triển khai thanh tra chuyên ngành, tỷ lệ nợ bằng 4,33% kế hoạch thu thì đến hết năm 2024, tỷ lệ nợ đã giảm xuống còn 1,85% kế hoạch thu.
Công tác rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính được BHXH tỉnh xác định là nhiệm vụ trọng tâm nhằm đảm bảo cắt giảm thời gian, chi phí, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính với cơ quan BHXH, đồng thời, đa dạng các hình thức tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính; đẩy mạnh triển khai thực hiện giao dịch hồ sơ điện tử về BHXH, BHYT. BHXH tỉnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động nghiệp vụ của ngành.
Trong 30 năm hình thành và phát triển, BHXH tỉnh Lâm Đồng luôn chủ động, bám sát sự chỉ đạo, lãnh đạo của BHXH Việt Nam, Tỉnh ủy, UBND tỉnh; phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan trong triển khai thực hiện nhiệm vụ. Thực hiện tốt việc giải quyết các chế độ BHXH, BHYT, BHTN cho người tham gia; triển khai thực hiện nhiều giải pháp phát triển, mở rộng đối tượng, giảm nợ đọng; quản lý và sử dụng quỹ BHXH, BHYT theo đúng quy định của pháp luật. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra. Đổi mới phương thức hoạt động theo hướng phục vụ chi trả nhanh chóng, kịp thời, bảo đảm quyền lợi cho người tham gia; từng bước thực hiện minh bạch, công khai và tăng cường công tác giám định chi phí khám, chữa bệnh BHYT để hạn chế, ngăn chặn tình trạng trục lợi quỹ khám, chữa bệnh BHYT. Kiện toàn, tinh gọn tổ chức bộ máy; nâng cao năng lực đội ngũ công chức, viên chức trong BHXH toàn tỉnh.
Với những thành tựu đạt được, trong 30 năm xây dựng và phát triển, BHXH tỉnh đã vinh dự được tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý như: Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba; 3 Cờ thi đua của Chính phủ; 2 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 5 Cờ thi đua và 13 Bằng khen của BHXH Việt Nam và nhiều danh hiệu vinh dự khác.