3 thắc mắc thú vị về ngày Noel mà nhiều người không biết đáp án

Mọi nẻo đường, con phố đều đang rộn ràng không khí Noel, tuy nhiên không phải ai cũng biết ông già Noel là ai, vì sao lại dùng cây thông để trang trí Noel...?

Dù không phải người Thiên Chúa giáo, cứ đến tháng 12 là nhà nhà, người người nhắc đến Noel và nhiều nơi cũng trang hoàng rực rỡ đón Noel. Vậy bạn đã biết gì về ngày này?

Noel là gì?

Noel là ngày lễ Giáng sinh, còn được gọi là lễ Thiên Chúa giáng sinh, Christmas. Đây là lễ hội thường niên kỷ niệm ngày sinh của Chúa Giêsu, được cử hành chính vào ngày 25/12 như một nghi lễ tôn giáo và văn hóa ở nhiều nước trên khắp thế giới. Theo niềm tin của phần lớn các tín hữu Kito giáo, Chúa Giêsu được sinh ra tại hang Bethlehem thuộc xứ Judea, thuộc Đế quốc La Mã (ngày nay là một thành phố của Palestine) vào khoảng giữa năm 7 trước Công nguyên và năm 2 Công nguyên.

Noel là gì?

Tên gọi Noel được cho là xuất phát từ danh hiệu Emmanuel, tiếng Do Thái cổ có nghĩa là "Thiên Chúa ở cùng chúng ta", được chép trong sách Phúc âm Matthew.

Từ Noel được sử dụng phổ biến vào thời Trung cổ ở châu Âu. Các bài hát mừng Giáng sinh bằng tiếng Pháp và tiếng Anh sử dụng từ này khi đề cập đến sự ra đời của Chúa Kitô.

Lễ Giáng sinh được cử hành chính thức vào ngày 25/12 nhưng thường được mừng từ tối 24/12 bởi theo lịch Do Thái, thời điểm bắt đầu một ngày là lúc hoàng hôn chứ không phải nửa đêm.

Lễ chính thức ngày 25/12 được gọi là "lễ chính ngày", còn lễ đêm 24/12 gọi là "lễ vọng", thường thu hút nhiều người tham dự hơn. Vào đêm “lễ vọng”, tất cả các địa điểm như thánh đường hay mỗi hộ gia đình Thiên Chúa giáo đều được trang trí hang đá với máng cỏ, bên trong có tượng Chúa Hài đồng, tượng Đức Mẹ Maria, xung quanh là những chú lừa, tượng ba vua, một số thiên thần...

Ông già Noel là ai?

Hình ảnh ông già Noel to lớn mặc bộ đồ màu đỏ viền trắng, đội mũ chóp đỏ với chòm râu dài trắng như tuyết và tiếng cười to sảng khoái là hình ảnh không thể thiếu, gắn liền với mùa lễ Giáng sinh.

Ông già Noel là ai?

Trong tiếng Anh, ông già Noel được gọi là Santa Claus, bắt nguồn từ tiếng Hà Lan Sinter Klaas, trong đó Santa hay Sinter có nghĩa là "thánh", còn Claus, Klaas bắt nguồn từ tên thánh Nicholas, một nhân vật có thật, là giám mục Hy Lạp sống trong thế kỷ thứ tư. Ông rất thương người nghèo và dành cả đời mình để phục vụ Thiên Chúa. Một lần, gặp ba cô gái trẻ không có người cầu hôn vì cha họ quá nghèo, ông liền lấy ba túi vàng lén bỏ vào phòng ba cô gái nọ. Nhờ đó mà họ lấy được chồng và sống rất hạnh phúc. Người ta đồn rằng các món quà bất ngờ đều do Thánh Nicholas mang đến và cũng chính ông là người luôn mang quà đến cho trẻ em vào các dịp Noel.

Trong tiếng Việt, tên gọi này có từ thời Pháp thuộc, bắt nguồn từ cách gọi của người Pháp là Le Père Noel (cha Noel, linh mục Noel); từ đó người Việt gọi là "ông già Noel".

Ngày nay, trẻ em tin rằng ông già Noel sống và làm việc ở Bắc cực. Về vẻ ngoài của ông già Noel, nhiều sử gia cho rằng hình ảnh đầu tiên về nhân vật này xuất hiện trong bài thơ: A visit from Saint Nicholas (Chuyến thăm của Thánh Nicholas) xuất bản năm 1823. Còn hình ảnh ông già to béo có một bộ râu dài trắng muốt mặc bộ đồ màu đỏ có viền trắng xuất hiện đầu tiên trên báo vào năm 1860, là tác phẩm của họa sĩ Thomas Nast.

Vì sao chỉ trang trí Noel bằng cây thông?

Cùng với ông già Noel, cây thông Noel trang trí rực rỡ là hình ảnh xuất hiện nhiều nhất trong mỗi dịp Giáng sinh.

Theo truyền thuyết, ngay từ khoảng năm 2.000 đến 1.200 trước Công nguyên, ở châu Âu đã có tục lệ trưng bày cây thông épiceá vào ngày 24/12, được xem là ngày tái sinh của thần Mặt trời. Trước đây, người Đông Âu (Celtes) dùng lịch theo chu kì Mặt trăng, mỗi tháng của năm đều liên kết với một loại cây. Ngày 24/12 nhằm tiết Đông chí được đặt tên là tùng bách (épiceá). Để làm lễ cho ngày Đông chí, người ta trưng bày một cây thông xanh tượng trưng cho sự sống, được trang trí bởi trái, hoa và lúa mì.

Vì sao chỉ trang trí Noel bằng cây thông?

Năm 354, Giáo hội Công giáo định lễ Giáng sinh vào ngày 25/12. Theo dòng thời thời gian, cây thông Noel đã trở thành hình ảnh thân quen mỗi dịp Giáng sinh.

Truyền thuyết khác kể rằng vào một đêm Noel rất xưa, người tiều phu nghèo đang trên đường về nhà bỗng gặp đứa trẻ đi lạc đã lả đi vì đói. Dù túng thiếu, ông vẫn dành cho đứa trẻ chút thức ăn ít ỏi và che chở giúp nó có một đêm yên giấc. Khi thức dậy vào sáng hôm sau, người tiều phu nhìn thấy một cái cây đẹp lộng lẫy ngoài cửa. Lúc đó, ông mới biết đứa trẻ chính đức Chúa và ngài đã tạo ra cái cây để thưởng cho lòng nhân đức của ông.

Theo quan niệm của nhiều người phương Tây, màu xanh tượng trưng cho sự vĩnh cửu, phồn vinh và ấm no. Những loại cây có màu xanh quanh năm thường mang ý nghĩa rất đặc biệt với con người. Cây thông được chọn cho dịp Giáng sinh nhờ nó vẫn xanh tốt vào mùa đông lạnh giá. Nhiều quốc gia còn tin rằng màu xanh chính là thứ bùa giúp xua đuổi tà ma, bệnh tật.

Ở Việt Nam những năm gần đây, không chỉ các gia đình theo đạo Thiên Chúa mới trang trí cây thông Noel mà hầu như mọi người đều muốn hòa mình vào không khí lễ hội, nhà nhà đều trang trí cây thông Noel, làm hang đá.

Hạ Vy(Tổng hợp)

Nguồn VTC: https://vtc.vn/3-thac-mac-thu-vi-ve-ngay-noel-ma-nhieu-nguoi-khong-biet-dap-an-ar722164.html